Máy bay không người lái (UAV) đã thành mối đe dọa nghiêm trọng trong chiến tranh hiện đại. Nó đang thay đổi diện mạo xung đột vũ trang và vùng trời bởi khả năng hoạt động độc lập ngày càng tăng, đặc biệt khi chúng hoạt động theo bầy và sử dụng trí tuệ nhân tạo.
NATO muốn phối hợp tác chiến chống UAV
Tại căn cứ quân sự ở Vredepeel (Hà Lan), các sĩ quan nhiều nước châu Âu, quan chức NATO và đại biểu từ các công ty quốc phòng chăm chú xem video về chủ đề UAV chiếu trên màn hình lớn. Hình ảnh mô tả các UAV Ukraine đang thả lựu đạn xuống chiến hào quân Nga...
Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ Diễn tập khả năng tương tác kỹ thuật chống các hệ thống máy bay không người lái 2023 (C-UAS TIE 23) do NATO tổ chức, kéo dài từ ngày 12 đến 22-9, quy tụ hơn 300 chuyên gia quân sự, nhà khoa học và nhà công nghiệp đến từ 15 nước thành viên và ba nước đối tác, Liên minh châu Âu và khu vực tư nhân.
Mục đích nhằm đánh giá các giải pháp công nghệ cao về phát hiện, xác định và vô hiệu hóa các UAV nhỏ.
Cựu chỉ huy không quân Hà Lan Willem Koedam - chuyên gia NATO về phòng không chống UAV (C-UAS) - giải thích: "Các UAV nhỏ và nhanh nên tìm giải pháp đối phó rất phức tạp". Các công ty đã giới thiệu nhiều giải pháp chống lại UAV, từ UAV thương mại mua ngoài thị trường đến UAV Shahed 136 của Iran.
Ông Ludwig Fruhauf - chủ Công ty DDTS của Đức chuyên về phòng thủ chống UAV - nhận xét: "Cách tốt nhất để tiêu diệt Shahed là một UAV có kích thước tương đương". Ông giới thiệu UAV của công ty ông bay với vận tốc hơn 500 km/h trong khi Shahed chỉ hơn 180 km/h và có giá thấp hơn nhiều so với bắn hạ UAV bằng tên lửa phòng không.
Trong một số trường hợp, tiêu diệt UAV mang chất nổ có thể gây thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng, vì vậy tốt hơn hết nên khống chế hoặc chuyển hướng UAV. Công ty Argus Interception (Đức) đã phát triển hệ thống tóm UAV bằng lưới.
Chủ Công ty Christian Schöning giải thích đầu tiên cần phát hiện UAV địch bằng radar, camera hoặc trạm giám sát tần số liên lạc dẫn đường cho UAV địch. Sau khi xác định UAV xâm nhập, UAV đánh chặn sẽ được trạm mặt đất dẫn đường đến tiếp cận mục tiêu và bắn một phát tung lưới tóm UAV địch.
Đại úy Ionut-Vlad Cozmuta - thuộc không quân Romania - giải thích với AFP không cần thiết phải bắt giữ UAV mà có thể làm cho nó "loạn não" bằng cách gây nhiễu để làm gián đoạn liên lạc giữa UAV địch với người điều khiển, sau đó UAV địch sẽ tự động quay về nơi xuất phát do không biết thông tin điểm đến.
Khoảng 70 hệ thống và công nghệ chống các hệ thống UAV của 57 công ty đã được thử nghiệm trực tiếp.
Mục đích chủ yếu của NATO là mọi hệ thống chống UAV đều có thể làm việc chung với nhau trong tình huống tác chiến. NATO đang phối hợp với các nhà công nghiệp quốc phòng thiết lập tiêu chuẩn tương tác chung về chiến thuật chống UAV. Dự kiến tiêu chuẩn này sẽ được thông qua vào mùa thu năm nay.
Từ đánh chặn đến phá sóng vô tuyến
Trang web Thượng viện Pháp nhận xét vũ khí phòng không và hệ thống đất đối không của quân đội Pháp đã tính đến nguy cơ đến từ UAV loại lớn, song UAV loại nhỏ từ vài trăm gam đến vài chục kg đã trở thành thách thức nghiêm trọng.
Chúng có khả năng đánh bại các hệ thống đất đối không vốn khó hoạt động ở độ cao thấp, đặc biệt khi chúng tấn công theo các phương thức mới như tấn công theo đàn, tấn công bão hòa hoặc tấn công cảm tử.
Ngoài ra chúng rất cơ động nên khó theo dõi và xác định vị trí căn cứ. Hơn nữa, do bay thấp và tín hiệu radar yếu nên chúng khó bị phát hiện. Nếu bắn hạ UAV bằng tên lửa thì thật tốn kém và có nguy cơ tiêu hao kho đạn dược.
TS Ulrike Franke, ở Hội đồng Quan hệ quốc tế châu Âu (ECFR tại Đức), nhận xét để đối phó với tình hình sử dụng UAV phổ biến và UAV ngày càng tự động hóa cao, cần phát triển một mô hình phòng không mới dựa trên các phương pháp phát hiện và vô hiệu hóa thích ứng với số lượng UAV nhiều hơn, nhỏ hơn và cơ động hơn.
Song đối phó với UAV là vấn đề phức tạp đặc biệt vì các giải pháp kỹ thuật đều có khuyết điểm riêng.
Trong giai đoạn phát hiện, cách phổ biến nhất là dùng radar phát hiện chuyển động bằng sóng điện từ song radar có thể nhầm lẫn UAV với động vật (chim, động vật có vú nhỏ).
Cách phát hiện bằng tần số vô tuyến giữa UAV và người điều khiển không hiệu quả nếu đó là UAV tự hành hoặc khi môi trường điện từ tích điện. Cách phát hiện bằng điện quang hoặc hồng ngoại lại phụ thuộc vào điều kiện môi trường (ánh sáng, không có sương mù hoặc khói).
Để vô hiệu hóa UAV có nhiều giải pháp. Ngoài cách dùng UAV đánh chặn hay tóm UAV bằng lưới, kỹ thuật ưu tiên là gây nhiễu. Kỹ thuật này hiệu quả nhưng với điều kiện UAV phải được điều khiển bằng sóng vô tuyến và phải xác định được tần số.
Nhược điểm là gây nhiễu các hệ thống khác ngoài mục tiêu nên không thể sử dụng trong một số môi trường nhất định như sân bay. Một phương pháp liên quan là hack UAV để chiếm quyền kiểm soát.
Nói chung trong cuộc chiến phòng không chống UAV, không có giải pháp nào hoàn toàn phù hợp và thỏa đáng về phát hiện và vô hiệu hóa. Do đó, muốn đạt hiệu quả nhất chỉ có thể là áp dụng giải pháp kết hợp nhiều công nghệ khác nhau.
Hiện nay, cuộc chiến chống UAV là một trong những ưu tiên của quân đội Pháp. Số lượng các dự án khả thi trong lĩnh vực này trong những năm gần đây đã chứng minh điều này. Một trong những dự án đầu tiên được thực hiện mang tên Các phương tiện di động chống máy bay không người lái (MILAD) đã cung cấp các hệ thống phát hiện và vô hiệu hóa UAV phối hợp với súng gây nhiễu NEROD.
Lục quân tiếp tục phát triển hệ thống Thích ứng phản ứng chống máy bay không người lái (ARLAD) nhằm bảo vệ các đoàn xe. Lực lượng không quân và vũ trụ dựa vào hệ thống BASSALT để bảo vệ các địa điểm nhạy cảm.
Cuối cùng thỏa thuận chế tạo thiết bị laser chống UAV (L2AD) đầu tiên đã được quân đội Pháp giao cho Công ty CILAS nhằm nhận diện, theo dõi và vô hiệu hóa UAV loại nhỏ và cực nhỏ.
Hiện nay, UAV chủ yếu được điều khiển từ xa, kết nối với người điều khiển bằng sóng vô tuyến. Song xu hướng tương lai sẽ là UAV tự hành.
Chúng tự di chuyển và tự phát hiện mục tiêu nhờ được lập trình sẵn và sử dụng trí tuệ nhân tạo (như UAV Kargu Thổ Nhĩ Kỳ). UAV tự hành di chuyển độc lập nhờ hệ thống dẫn đường quán tính, dễ tránh bị phát hiện và khó vô hiệu hóa bằng gây nhiễu.
Dù vậy, việc thiếu kết nối vô tuyến cũng nhiều bất lợi. Vô tuyến cần để phản hồi video tiêu diệt mục tiêu. Kết nối trực tiếp với người điều khiển còn bảo đảm kiểm soát hỏa lực tốt hơn và có thể hủy bỏ đột kích vào phút cuối.
Hơn nữa, kết nối vô tuyến vẫn cần để giao tiếp và tương tác trong quá trình UAV bay theo đàn. Cuối cùng trí tuệ nhân tạo cũng có nguy cơ lỗi đáng kể, có thể dẫn đến sai mục tiêu, gây thiệt hại ngoài dự kiến.
--------------
Bộ Quốc phòng Israel đánh giá ý tưởng xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa Iron Dome là điên rồ. Tướng Daniel Gold vẫn say mê nghiên cứu và gặt hái quả ngọt.
Kỳ tới: Từ đánh chặn bằng tên lửa đến tia laser
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận