Người đầu tiên được tiêm vắcxin phòng COVID-19 ngày 27-12 của Pfizer-BioNTech tại Warsaw, Ba Lan là một nữ y tá - Ảnh: REUTERS
Theo kênh Euro News, những liều vắcxin đầu tiên được ưu tiên cho những người có nguy cơ cao, dễ bị nhiễm bệnh và các nhân viên y tế tuyến đầu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên Twitter cho biết việc triển khai tiêm chủng hàng loạt vắcxin phòng COVID-19 là "một khoảnh khắc đoàn kết cảm động".
Hungary, Slovakia và Đức là ba trong số quốc gia châu Âu đầu tiên khởi động chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 từ ngày 26-12.
Tại Hungary, những nhân viên y tế tuyến đầu tại các bệnh viện ở thủ đô Budapest là nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cùng phát triển. Lô hàng vắcxin đầu tiên được gửi tới quốc gia này đủ để tiêm cho 4.875 người.
Trong khi đó tại Slovakia, anh Krcmery - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là thành viên của Ủy ban Đại dịch của chính phủ - trở thành người đầu tiên tại quốc gia này được tiêm vắcxin.
Riêng tại Đức, một số lượng nhỏ người cao tuổi tại một viện dưỡng lão đã được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vào ngày 26-12, một ngày trước khi Đức khởi động chương trình tiêm chủng hàng loạt.
Pháp, Ý, Áo Cộng hòa Czech và Bồ Đào Nha bắt đầu tiêm chủng rộng rãi từ ngày 27-12.
Y tá Ann-Louise Broberg tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho bà Gun-Britt Johnsson, cư dân sống ở nhà dưỡng lão tại Mjolby, Thụy Điển ngày 27-12-2020 - Ảnh: REUTERS
Được tiêm vắcxin vào sáng sớm 27-12 tại thủ đô Prague, Thủ tướng Cộng hòa Czech Andrej Babis trấn an người dân: "Không có gì phải là lo lắng cả".
Tại Ý, 5 bác sĩ và y tá tại bệnh viện các bệnh truyền nhiễm Spallanzani ở Rome là những người đầu tiên được tiêm vắcxin.
Tại Pháp, chính phủ Pháp hi vọng trong hai tháng đầu năm 2021, khoảng 1 triệu người tại các viện dưỡng lão sẽ được tiêm vắcxin và đến tháng 6, con số sẽ được nâng lên thành 14-15 triệu người.
"Chúng tôi có tổng cộng 19.500 liều, tương đương 3.900 lọ. Những liều vắcxin này sẽ được bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ -80 độ C và sau đó sẽ được phân phối đến các viện dưỡng lão và bệnh viện khác nhau", ông Franck Huet - trưởng bộ phận dược phẩm của hệ thống bệnh viện công Paris, cho biết.
Bác sĩ Francesca Pieralli, người Ý, được tiêm vắcxin Pfizer-BioNTech tại một bệnh viện ở Florence, Ý ngày 27-12-2020 - Ảnh: REUTERS
"Ngày mai (28-12), chương trình tiêm chủng sẽ được tiến hành tại Tây Ban Nha. Đây là khởi đầu cho sự chấm dứt đại dịch", Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cũng thông báo trên Twitter.
Những lô vắcxin đầu tiên sẽ được đưa bằng đường hàng không đến các hòn đảo Tây Ban Nha và vùng lãnh thổ Ceuta và Melilla ở Bắc Phi.
Nói về việc đồng loạt tiêm vắcxin ở châu Âu, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido cho biết: "Đây là một cột mốc lịch sử đối với tất cả chúng ta, một ngày quan trọng sau một năm đầy khó khăn. Cửa sổ hi vọng đã mở rộng. Tuy nhiên, đừng quên phía trước là cả một cuộc chiến đầy khó khăn".
Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza cho biết tiêm vắcxin trên diện rộng là một dấu hiệu của hi vọng cho châu Âu nhưng mọi người vẫn không được lơ là cảnh giác trong những tháng sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận