
Một điểm bán lẻ sầu riêng trên quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Tiền Giang - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Việc sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giảm hơn 70%, trong khi Thái Lan lại tăng gấp đôi, là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bất cập trong hệ thống kiểm soát chất lượng cũng như thiếu các giải pháp cần thiết, kịp thời cho việc này.
Buông lỏng hay thiếu trách nhiệm?
Sầu riêng chỉ là một ví dụ gần nhất. Trước đó, nhiều sản phẩm khác cũng đã bị trả về hoặc bị cảnh báo, từ tôm, hạt điều đến nước giải khát. Điều đáng lo ngại nhất là không có biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Nguyên nhân việc này có nhiều. Nhưng nguyên nhân và sự chậm trễ gây hậu quả lớn là khi mọi thứ đã thay đổi thì chúng ta vẫn giữ nguyên cách nghĩ, cách làm cũ, cách nuôi trồng, thói quen canh tác cũ nên các hệ quả như trên là tất yếu.
Chẳng hạn như việc cho tôm, cá, heo, gà... ăn các thức ăn tăng trưởng không rõ nguồn gốc không bảo đảm yêu cầu; tưới rau, bón cây, ngâm quả bằng các hóa chất độc hại miễn trông ngon lành, lừa được người mua; bơm chì vào tôm cá để cân cho nặng hơn.
Người chăn nuôi chừa lại một số con gà, con heo cho ăn thức ăn tốt để bảo đảm chất lượng thịt, người trồng rau thì chừa lại một góc vườn, người bán trái cây thì chừa lại vài gốc không tưới hóa chất để cho gia đình mình ăn cho bảo đảm an toàn, còn cái nào bán ra thị trường thì cứ "vô tư" với phân thuốc các kiểu.
Có ai nghĩ khi mình ăn được con gà sạch nhà nuôi thì lại ăn trúng mớ rau trái nhiễm chất độc hại của người khác. Rồi ai cũng ta thán "sao dạo này bệnh nhiều thế?". Thực trạng hết sức đau lòng này ai sẽ giải quyết được? Chắc chắn chỉ có chính quyền, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về chất lượng, an toàn thực phẩm mới giải quyết được.
Và chúng ta đã làm gì? Thay vì trừng phạt nghiêm minh, buộc tiêu hủy các lô hàng không đạt chất lượng để răn đe hành vi gian lận, đây đó lại chọn cách né tránh trách nhiệm. Hoặc như việc bỏ qua các quy định khi kiểm tra, cấp phép chất lượng hàng hóa, hàng có chất độc hại vẫn được xác nhận chất lượng tốt.
Khi các lô hàng kém chất lượng không được nhập khẩu vào các nước buộc phải trả về (trừ một số loại hàng hóa bị kẹt vì lý do khác) lại không nghe thấy thông tin cơ quan có thẩm quyền phải xử phạt thật nặng, thu hồi giấy phép, cấm sản xuất, cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp vi phạm liệu có tái diễn hành vi gian lận không khi hậu quả (và tai tiếng) họ gây ra nghiêm trọng vậy nhưng họ không bị xử phạt gì?
Các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, thậm chí cấm nhập khẩu đẩy nông sản Việt vào thế khó khăn hơn.
Cần những giải pháp cấp bách
Trước thực trạng trên, chúng ta cần phải có ngay các giải pháp cấp bách. Tôi đề nghị buộc tiêu hủy tất cả các lô hàng xuất khẩu không đạt chất lượng và thông tin rộng rãi. Cần xử phạt mạnh tay các doanh nghiệp vi phạm, kể cả trách nhiệm hình sự.
Cần xây dựng hệ thống kiểm tra chặt chẽ ngay từ vùng trồng, trại chăn nuôi, không để hàng kém chất lượng lọt ra thị trường. Đồng thời, cải thiện chiến lược thương mại và đàm phán quốc tế, tránh để nông sản Việt Nam bị trả về hàng loạt.
Người sản xuất cần có ý thức phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, xanh, sạch, an toàn, không hy sinh chất lượng để chạy theo lợi nhuận. Người tiêu dùng thông minh, không mua sản phẩm kém chất lượng hoặc không mua hỗ trợ "giải cứu" nông sản bất chấp chất lượng.
Các cơ quan nhà nước cũng phải đi trước một bước trong việc nghiên cứu, quy hoạch các khu vực, địa phương nào có thế mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi nào. Không để người dân tự nuôi trồng theo kiểu đua nhau trồng, bón phân xịt thuốc bất chấp sự độc hại chết người.
Nếu không có biện pháp quyết liệt, nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục mất thị trường. Những giải pháp không chỉ cho một năm mà còn là sinh kế, sự tăng trưởng dài lâu.
Bài học từ Thái Lan
Trong khi Việt Nam vẫn đang vướng khó, Chính phủ Thái Lan đã có những bước siết chặt kiểm tra từ khâu sản xuất, thành lập hàng loạt trạm kiểm soát chất lượng, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu chăm sóc tại vườn, trại chăn nuôi, đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn trước khi xuất ra thị trường nói chung chứ không phải chỉ riêng thị trường xuất khẩu.
Họ xử phạt nghiêm khắc các doanh nghiệp vi phạm, giữ vững uy tín quốc gia. Họ đàm phán với các nước nhập khẩu, không để hàng loạt lô hàng bị trả về, tạo niềm tin cho khách hàng rồi từ đó đàm phán xin cơ chế kiểm tra luồng xanh tạo điều kiện cho hàng hóa được thông quan nhanh, bảo đảm chất lượng tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.
Nhờ những chiến lược này, sầu riêng Thái Lan không chỉ xuất khẩu thuận lợi mà còn tăng trưởng mạnh. Đây là minh chứng cho thấy quản lý tốt có thể biến thách thức thành cơ hội, nếu không khó khăn vẫn tiếp diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận