28/05/2024 14:56 GMT+7

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Tòa án đi thu thập chứng cứ 'sẽ sinh ra một vụ án kỳ cục'

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh quan điểm phục vụ nhân dân của tòa án là phải đảm bảo công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải việc đi thu thập chứng cứ.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Chánh án Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 28-5, thảo luận về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của tòa án được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tòa án xét xử theo hướng chứng cứ tới đâu xét xử tới đó

Nhiều ý kiến tán thành dự luật về việc tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Song nhiều ý kiến không tán thành dự luật và đề nghị quy định trong một số trường hợp cần thiết, tòa án thu thập chứng cứ.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội) cho biết dự thảo quy định "các bên tự thu thập chứng cứ, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án theo quy định của pháp luật".

Tại dự luật quy định tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án.

Trường hợp các bên thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được thì đề nghị tòa án hỗ trợ. Ông bày tỏ hoàn toàn nhất trí với nội dung trong dự thảo.

Theo ông Chính, quy định phù hợp với thực tiễn và xu thế, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định tố tụng hiện hành.

Việc thu thập tài liệu, chứng cứ thuộc về trách nhiệm của các bên trong vụ án dân sự, kinh doanh thương mại... Theo nguyên tắc, đương sự khởi kiện phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình.

Tòa án xét xử theo hướng chứng cứ tới đâu xét xử tới đó, tòa án không tự mình thu thập chứng cứ mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.

Tranh luận lại với đại biểu Hương, Chính sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) cho rằng quy định tại thời điểm này chưa chín muồi, chưa phù hợp.

Ông Sang nêu 3 lý do, trong đó, thứ nhất chúng ta chưa có cơ chế để cho người dân tự thu thập chứng cứ.

Ví dụ ông là nguyên đơn trong vụ kiện dân sự. Ông yêu cầu bị đơn và người có quyền, nghĩa vụ liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng không ai cung cấp, ông không làm được gì. Bởi vì đây là quy định mà những người khác không thực hiện thì không làm được gì.

Thứ hai, ông yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản của bị đơn là người nợ tôi, ngân hàng cũng không thực hiện, ông cũng không làm được gì.

Thứ ba, yêu cầu phòng tài nguyên và môi trường cung cấp tài liệu, chứng cứ cho ông thì cũng không ai cung cấp.

Lý do, ông không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để các cơ quan này cung cấp chứng cứ trong vụ án hành chính ông kiện cơ quan nhà nước.

Mà cơ quan nhà nước thì làm sao cung cấp chứng cứ cho bị đơn là ông để ông thực hiện quyền của mình được cho nên rất khó khăn, nên hiện tại quyền này là cho người dân, nó rất khó thực hiện...

Không có nước nào tòa án đi thu thập chứng cứ, xử theo tài liệu của mình

Giải trình sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tòa án hướng dẫn, hỗ trợ các bên thu thập chứng cứ. Cụ thể thế nào sau này sẽ có hướng dẫn.

Dẫn lại ý kiến đại biểu cho rằng các vụ án không có luật sư, tòa phải có trách nhiệm đi thu thập chứng cứ cho người dân, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định "không có nước nào làm".

"Đi kiện, anh phải có chứng cứ để bảo đảm anh thắng, chứ không phải anh mang đơn đến, tòa phục vụ nhân dân nên tòa phải đi thu thập chứng cứ. Nguyên đơn cũng là nhân dân, bị đơn cũng là nhân dân".

Theo ông, nếu tòa phục vụ nguyên đơn đi thu thập chứng cứ, rồi tòa lại phục vụ bị đơn tiếp tục đi thu thập chứng cứ "sẽ sinh ra một vụ án kỳ cục" là hai bên kiện nhau.

Còn tòa án đi thu thập chứng cứ và xử theo tài liệu của mình thu thập thì đây là loại án không có một nước nào làm.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh quan điểm "phục vụ nhân dân của tòa án là phải đảm bảo công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải việc đi thu thập chứng cứ".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình về đổi tên tòa tỉnh, huyện, ghi âm ghi hình tại phiên tòaChánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình về đổi tên tòa tỉnh, huyện, ghi âm ghi hình tại phiên tòa

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ việc đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện là xu thế và "hôm nay chúng ta không làm thì con cháu chúng ta sẽ phải làm".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên