08/11/2015 09:48 GMT+7

Chàng trai trẻ đi tìm sự sống

NGUYÊN LINH
NGUYÊN LINH

TT - Nguyễn Huy Trường (26 tuổi, trú xã Hoài Đức, Lâm Hà, Lâm Đồng) mắc căn bệnh hiểm nghèo suy thận mãn giai đoạn cuối.

Huy Trường ngồi chờ chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Nguyên Linh
Huy Trường ngồi chờ chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế - Ảnh: Nguyên Linh
Nghe đọc bài báo này

Hơn hai năm nay, Huy Trường phải “sống mòn” ở nhiều bệnh viện để chạy thận, giành giật lại sự sống. Từng ngày, từng giờ Trường đau đớn chống chọi với bệnh tật, ám ảnh bởi cái chết cận kề...

Tôi đến Bệnh viện Trung ương Huế tìm Trường theo lá thư kêu cứu của em. Gặp Trường đang ngồi đợi vào chạy thận ở trung tâm điều trị theo yêu cầu quốc tế - Bệnh viện Trung ương Huế.

Gương mặt mệt mỏi, âu lo, Trường kể mình là con út trong gia đình nhà nông nghèo có ba chị em. Hơn hai năm nay, Trường phải chống chọi với cái chết trong bệnh viện. Đầu tháng 10-2013, Trường đau đầu, mệt mỏi và chân tay bị sưng phù nên đi khám. Trường bàng hoàng, đớn đau khi bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo mình bị suy thận mãn giai đoạn cuối.

Đang làm kỹ sư điện tại một công ty ở TP.HCM, Trường phải xin nghỉ việc, gác lại ước mơ hoài bão của mình để trở về quê Lâm Đồng, gắn chặt vào chiếc máy chạy lọc thận ở bệnh viện sống từng ngày.

“Nhà em cách TP Đà Lạt hơn 70km, mỗi tuần phải chạy lọc thận ba lần, em kiệt sức vì chạy xe đi về. Sau mấy lần em bị ngất xỉu trên đường từ bệnh viện về nhà, ba mẹ quyết định thuê một căn nhà nhỏ tại Đà Lạt để em ở lại chạy thận và mở quán cà phê cho em bán, mong kiếm thêm tiền lo viện phí. Nhưng rồi em phải dẹp quán vì ế khách” - Trường kể.

Đầu năm 2014, Huy Trường quay lại TP.HCM xin việc làm để kiếm tiền chạy thận. Trường phải trải qua những ngày tháng khổ đau, vừa gắng sức đi làm và “sống mòn” ở rất nhiều bệnh viện trong thành phố để duy trì sự sống, chờ đợi một phép mầu. Trong thời gian này, ba mẹ Trường đã rao bán nhà để lấy tiền ghép thận cho con trai.

Lần lượt cha mẹ, anh chị đồng ý hiến thận cứu Trường, nhưng kết quả xét nghiệm đọ chéo các chỉ số giữa người cho - nhận không tương thích. “Mỗi lần có người tình nguyện hiến thận, em lại lóe lên hi vọng nhưng rồi thất vọng, bởi cả sáu người cho thận khi xét nghiệm đều cho kết quả không phù hợp” - Trường nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Thảo (52 tuổi) - mẹ Trường - giọng nghẹn đắng kể: “Năm 2007 Trường đỗ đại học, là niềm hi vọng của cả gia đình. Năm 2012 ra trường rồi xin được việc làm, tưởng như Trường sẽ có tương lai, ai ngờ giờ nó lại gắn chặt vào chiếc máy chạy lọc thận ở bệnh viện sống lay lắt từng ngày”.

Gia đình bà Thảo thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng bà phải chạy đôn chạy đáo vay nợ khắp nơi để có tiền chạy thận cho con và lo chi phí làm các xét nghiệm người hiến thận. Số nợ vay đã lên đến 400 triệu đồng. Tưởng chừng “hành trình đi tìm sự sống” của Trường phải dừng lại thì đến tháng 5-2015, kết quả xét nghiệm của một người anh họ cho thận phù hợp. Cha mẹ Trường quyết định bán những gì có giá trị trong nhà và tiếp tục vay nợ để gom tiền đưa con trai ra Huế ghép thận.

Ở Huế sáu tháng nay, mỗi tuần Trường phải ba lần chạy máy lọc thận nhân tạo và trải qua hàng chục xét nghiệm để ghép thận, chi phí thuốc thang, điều trị kèm ăn ở mỗi tháng tiêu tốn 7 - 8 triệu đồng. Gia đình Trường gần như kiệt quệ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Anh Thư, phó trưởng khoa nội thận - cơ xương khớp Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết các kết quả xét nghiệm giữa người hiến và người nhận thận (Huy Trường) đều tương thích. Hội đồng ghép tạng của bệnh viện đã thông qua, hiện đang chờ xếp lịch để phẫu thuật ghép thận.

“Em còn trẻ, còn rất nhiều dự định chưa làm được, em không thể bỏ cuộc. Giờ mong sao em sớm được ghép thận, khỏe mạnh trở lại để đi làm, để có khả năng cống hiến cho cuộc đời cũng như kiếm tiền phụ giúp cha mẹ trả nợ” - Trường nói.

NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên