20/11/2017 11:48 GMT+7

Chàng trai bỏ việc lương trăm triệu để 'Giảng dạy vì Việt Nam'

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Tốt nghiệp thạc sĩ chính sách công ĐH Harvard (Mỹ), Huỳnh Hạnh Phúc làm việc cho Công ty Grab với mức lương trên trăm triệu đồng/tháng. Nhưng anh luôn đau đáu một điều khác.

Chàng trai bỏ việc lương trăm triệu để Giảng dạy vì Việt Nam - Ảnh 1.

Học sinh Tây Ninh tham gia dự án "Giảng dạy vì Việt Nam" (Hạnh Phúc ngồi thứ ba từ phải qua) - Ảnh: T.V.

Phúc nói anh luôn nghĩ về "Teach for America" - một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ ra đời năm 1989.

Mục tiêu của tổ chức là kêu gọi các sinh viên tài năng đi dạy, kết hợp truyền tải kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm cho người học, đặc biệt là học sinh những khu vực khó khăn. 

"Tôi tin chương trình rất phù hợp với Việt Nam sau khi "Việt hóa". Bởi chúng ta có rất nhiều học sinh giỏi giang nhưng không có điều kiện học tập tốt" - Hạnh Phúc giải thích.

Và "Teach for Vietnam" ("Giảng dạy vì Việt Nam") chính thức ra đời tháng 11-2015.

Mở ra mô hình học tập mới

Hai năm qua, Hạnh Phúc cùng các cộng sự ngược xuôi đến các vùng miền Việt Nam để "tiếp thị" đứa con tinh thần của mình.

Hiện "Giảng dạy vì Việt Nam" được UBND tỉnh Tây Ninh đồng ý cho giảng dạy trong hệ thống trường học chính quy với tổng ngân sách hỗ trợ là 3,6 tỉ cho hai niên khóa 2017-2018 và 2018-2019. 

"Giảng dạy vì Việt Nam" sau đó tiếp tục nhận được các khoản đầu tư trên 200.000 USD từ Quỹ Catalyst (của Tổ chức Teach for All), Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ... Song song đó, Hạnh Phúc chọn 16 bạn trẻ tài năng tình nguyện tham gia điều hành, giảng dạy tại Tây Ninh. 

Phúc cũng thuyết phục thành công một đồng môn từ Harvard và một thủ khoa tốt nghiệp ĐH Suffolk (Hoa Kỳ) làm việc không công toàn thời gian cho dự án.

Nói về "Teach for Vietnam", ông Nguyễn Văn Phước - phó giám đốc Sở GD-ĐT Tây Ninh - cho biết: "Teach for Vietnam hiện thí điểm ở 3 huyện: Hòa Thành, Dương Minh Châu và Châu Thành. Các giáo viên của dự án tuy có tuổi đời rất trẻ nhưng năng lực chuyên môn vững vàng, năng động và tâm huyết. 

Tuy còn hơi sớm để nói về kết quả nhưng tôi tin dự án sẽ là chìa khóa quan trọng mở ra mô hình học tập mới hiệu quả cao, nơi kỹ năng của học sinh được đặc biệt quan tâm". 

Ông Phước cho biết sau một năm thực hiện, nếu mô hình đạt được thành công như yêu cầu thì sẽ xem xét cho nhân rộng lên các cấp học cao hơn.

Hướng đến nền giáo dục vượt trội cho trẻ em

Hai năm qua, Hạnh Phúc vẫn đi về bằng xe máy giữa TP.HCM - Tây Ninh. Hành trình đã bớt vất vả nhưng Hạnh Phúc cho biết vẫn còn nhiều điều phải làm: "Công việc đã vào guồng nhưng chúng tôi vẫn đang giải quyết các thử thách mới như: làm sao để hỗ trợ giáo viên của chương trình một cách hiệu quả nhất. 

Các bạn rất tâm huyết nhưng vẫn cần đào tạo thêm. Cách để đo lường hiệu quả không chỉ trong tiếng Anh mà kỹ năng mềm của học sinh. Bên cạnh đó, phải nghĩ cách để chương trình có thể thu hút được các bạn trẻ giỏi giang chấp nhận về nơi khó khăn công tác giảng dạy...".

Theo Hạnh Phúc, giáo viên tham gia cùng "Teach for Vietnam" được tuyển chọn qua bốn vòng: đơn đăng ký, phỏng vấn sơ loại, đánh giá năng lực (cá nhân và làm việc nhóm), phỏng vấn cuối và đứng lớp thử. 

"Tiêu chí tuyển chọn ứng viên của chúng tôi là tốt nghiệp đại học, khả năng tiếng Anh tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, có kinh nghiệm và năng lực lãnh đạo (qua hoạt động ngoại khóa/các dự án đã tham gia...). 

Các kỹ năng quan trọng gồm tư duy logic và phân tích/đánh giá, làm việc nhóm, tổ chức và lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, truyền cảm hứng, tin tưởng vào sự phát triển của học sinh... 

Quan trọng hơn cả, các bạn cần có cam kết mạnh mẽ và lâu dài với sứ mệnh của "Teach for Vietnam" về việc mang đến một nền giáo dục vượt trội cho trẻ em Việt Nam" - Hạnh Phúc chia sẻ thêm.

Các ứng viên được đào tạo trong vòng hai tháng, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một gồm học và thực hành với các chuyên gia trong nước và ngoài nước (trong mạng lưới của Teach for All), giai đoạn hai là thực hành giảng dạy với các em học sinh tại địa phương với sự theo dõi và phản hồi từ các chuyên gia và chuyên viên đào tạo.

"Ngoài giảng dạy trong lớp học, các giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa khác cho học sinh có liên quan đến tiếng Anh (hát, kịch, đọc sách, tự quay phim và phỏng vấn nhau, thi tiếng Anh...). Các giáo viên cũng chia sẻ một số phương pháp giảng dạy mới với các giáo viên bộ môn trong trường qua giờ sinh hoạt chuyên môn..." - Hạnh Phúc nói.

Bạn Đinh Thị Huyền Trang (26 tuổi, giáo viên tham gia Teach for Vietnam ở Tây Ninh) cho biết: "Theo tiêu chuẩn của dự án, có khi dạy 40 phút nhưng chúng tôi phải mất 4 tiếng để soạn giáo án, chuẩn bị dụng cụ hỗ trợ... 

Chúng tôi trẻ và nhiệt huyết, không vướng bận gia đình, con cái nên mọi thứ không quá thử thách. Những lúc đó chúng tôi chỉ biết nói rằng chúng tôi tin các thầy cô sẽ làm được khi nghĩ về tương lai của các em".

Học sinh không phải đóng thêm tiền

"Học sinh không phải đóng thêm bất cứ khoản tiền nào vì giáo viên của Teach for Vietnam được UBND tỉnh trả lương. Giáo viên nhận được mức lương 8 triệu đồng/tháng trong 10 tháng của năm học, kéo dài trong 2 năm (gồm cả phụ cấp và bảo hiểm liên quan).

Tôi rất biết ơn các giáo viên của dự án. Hiện các bạn đang phải sống tập thể và trong điều kiện còn thiếu thốn nhiều. Trong khi các bạn hoàn toàn có thể kiếm được việc tốt, lương cao ở thành thị (nhất là với các bạn du học sinh)" - Huỳnh Hạnh Phúc cho biết.

Không sợ khi phát biểu ý kiến

Hà Trần Cẩm Tú - lớp 5 Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Tây Ninh - nhận xét: "Con thấy chương trình của thầy cô rất hay và sôi động, chúng con không còn sợ khi phát biểu ý kiến. Cuối các buổi học chúng con còn được viết nhật ký.

Các thầy cô của dự án thường lắng nghe ý kiến của tụi con, không la rầy ngay cả khi ý kiến của tụi con khác với thầy cô. Ngoài ra, tụi con cũng được học quản lý thời gian lồng ghép trong chương trình học tiếng Anh. Con nghĩ khả năng tiếng Anh của con hiện tự tin hơn so với trước đây".

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên