Hàng loạt cảnh báo được chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra để mô tả bức tranh lây lan dịch bệnh ở Campuchia cho thấy đất nước chùa tháp đang phải đối diện với vô vàn nguy cơ hiện hữu, kể cả kịch bản xấu nhất là "vỡ trận" vì COVID-19.
Từ "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2", con số các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Campuchia những ngày qua tăng chóng mặt, có ngày tới 277 ca (tổng 4.515 ca tính đến ngày 12-4).
Chưa hết, dịch bùng phát trong bối cảnh người dân đất nước này hân hoan chào đón Tết Chol Chnam Thmey (tết cổ truyền của Campuchia) càng dấy lên nhiều rủi ro nếu không có giải pháp kiểm soát chặt.
Từ Campuchia, lời cảnh báo đang thực sự "phả hơi nóng" đến các nước xung quanh, đặc biệt Việt Nam vốn có tới 10 tỉnh biên giới Tây Nam (trên 1.000km đường biên) tiếp giáp vùng dịch nguy hiểm này.
Những con số thống kê gần đây từ Bộ Y tế cho thấy hầu như ngày nào Việt Nam cũng xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 từ các nguồn nhập cảnh (có cả chính ngạch và tiểu ngạch). Điển hình là các địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia như Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Kiên Giang, An Giang...
Chẳng hạn Tây Ninh, chỉ tính riêng địa phương này đã có tới 5 huyện, thị xã; 19 xã biên giới cùng chung trục đường biên giới với Campuchia.
Trên trục đường biên giới với chiều dài trên 240km hiện chỉ có 16 cửa khẩu, còn lại rất nhiều đường mòn, lối mở. Trong khi vào đợt cao điểm có ngày địa phương tiếp nhận hơn 1.000 người nhập cảnh, chưa kể số người cố tình nhập cảnh trái phép chưa bị phát hiện.
Vậy làm sao để bịt các lỗ hổng này? "TP.HCM phải dồn sức tập trung kiểm soát chặt người nhập cảnh trái phép. Khả năng dịch COVID-19 xâm nhập vào TP.HCM từ nước bạn là rất lớn" - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cảnh báo như thế tại cuộc họp sáng 12-4.
Sáng 13-4 tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên một lần nữa cũng chỉ đạo các cơ quan tăng cường công tác quản lý người xuất, nhập cảnh trái phép và cảnh báo người dân không che giấu, chứa chấp người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Không còn cách nào khác, các địa phương cần phải chủ động huy động các lực lượng lập chốt, trực chiến ở các điểm nóng với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bên cạnh tận dụng "tai mắt" của người dân. Bởi với COVID-19, ngăn chặn sự xâm nhập từ xa càng sớm thì mối nguy cho cộng đồng càng giảm đi và ngược lại.
Bài học này đang thể hiện rất tích cực ở giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay. Trong khi các quốc gia láng giềng đang đối mặt với nguy cơ "vỡ trận" như Campuchia, Thái Lan..., Việt Nam với mục tiêu kép "vừa sản xuất, vừa chống dịch" lại tạo được "điểm nhấn" đáng ghi nhận: "gần 40 ngày không ghi nhận ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng".
Con số này nói lên điều gì? Mầm bệnh trong cộng đồng đã được kiểm soát, các ca nhiễm mới "du nhập" từ bên ngoài đã được ngăn chặn hiệu quả và đặc biệt ý thức cộng đồng trong việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa được thực hiện nghiêm túc.
Và để ứng phó hiệu quả với nguy cơ đang nóng dần từ biên giới, chúng ta phải tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng chống tốt hơn để "trận tuyến chống dịch" được giữ vững. Chỉ khi mỗi người dân, mỗi gia đình là "một pháo đài chống dịch", khi đó COVID-19 mới được kiểm soát và có cơ hội đẩy lùi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận