Khu đất số 97 Quang Trung (P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM) được Công ty Dược liệu trung ương 2 cho thuê một phần làm nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này và phản hồi của những người có trách nhiệm.
Mạnh tay xử lý
Có theo dõi tình hình phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội TP.HCM chật vật nhiều năm nay do nguồn lực tài chính, đất đai hạn hẹp mới biết sự quý giá của những khu đất mà các doanh nghiệp đang thuê giá rẻ rồi cho thuê lại, sử dụng sai mục đích hoặc giao cho chủ đầu tư bỏ hoang năm này qua năm khác...
Công viên cây xanh, trường học, đường sá, cầu cống... thiếu trầm trọng, trong khi biết bao nhiêu khu đất lãng phí, ngân sách thất thoát, vậy bảo sao không xót?
Hằng năm, đã có nhiều đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND, nhiều ban ngành... và thực trạng lãng phí như thế nào cũng đã được chỉ ra. Nhưng khi nào tình trạng này mới được mạnh tay giải quyết?
Đó là câu hỏi mà tôi và chắc chắn nhiều người dân chờ câu trả lời từ hành động xử lý quyết liệt của chính quyền.
Nếu Nhà nước không mạnh tay xử lý, thu hồi những khu đất đó thì quả là bất công với đại đa số người dân và tiếp tục sự dung dưỡng với một nhóm người đã trục lợi ở những khu đất công nhiều năm nay.
Ai cũng biết đi kèm với những miếng "mồi ngon" đất đai thường là sự tồn tại của các nhóm lợi ích. Nhưng không lẽ cơ quan nhà nước "bó tay" với những nhóm lợi ích này?
Theo tôi, điều quan trọng trước mắt là cơ quan thẩm quyền phải thống kê toàn bộ những khu đất công đang giao cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TP, sau đó công bố công khai tình trạng sử dụng các khu đất cho người dân biết.
Khi đó, bản thân người dân sẽ giúp cơ quan nhà nước giám sát và phản ảnh những sai phạm diễn ra trên khu đất.
Điều quan trọng hơn là dân phản ảnh, cơ quan nhà nước mạnh tay xử lý rốt ráo mới hi vọng chặn được sự trục lợi trên những khu đất công.
P.Tương (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Cần một cuộc tổng rà soát
Thực trạng trụ sở, đất công bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích, lãng phí không chỉ xảy ra ở TP.HCM như báo Tuổi Trẻ phản ánh, mà còn đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương khác trên cả nước, đặc biệt là các TP lớn có nguồn đất công lớn, nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước như Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ...
Chỉ riêng tại TP.HCM, tôi cũng thấy nhiều khu đất sử dụng không đúng mục đích, phổ biến nhất là tình trạng nhiều trụ sở cơ quan không sử dụng hết diện tích, cho thuê tràn lan làm cửa hàng kinh doanh, ăn uống, dịch vụ... Thật thấy xót cho tài sản chung bị sử dụng lãng phí và gây thất thu lớn cho ngân sách như vậy.
Nhà nước phải có biện pháp xử lý thích đáng để chấm dứt ngay tình trạng này. Điều cấp thiết bây giờ, tôi cho rằng phải nhanh chóng có một cuộc tổng rà soát toàn bộ tài sản công trên cả nước, đặc biệt là đất đai và trụ sở cơ quan. Đất công nào chưa được sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thu hồi ngay.
Trong trường hợp đất công, trụ sở cơ quan được tạm thời khai thác cho mục đích thương mại thì phải theo đúng quy định của pháp luật, có đấu thầu công khai, chặt chẽ... để đem lại nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, cần sớm cụ thể hóa Luật quản lý, sử dụng tài sản công, chẳng hạn giao cho một đơn vị của địa phương (cấp tỉnh) thống nhất quản lý (không phân biệt đất, trụ sở công của cơ quan trung ương hay địa phương); định kỳ mỗi 12 tháng có kiểm tra, đánh giá việc sử dụng để xác định đất công có dùng đúng mục đích hay không; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở, đồng thời có chế tài nghiêm minh với các sai phạm.
Đỗ Hào (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Ông Võ Văn Hoan (chánh Văn phòng UBND TP.HCM):
Tích cực xử lý để tạo nguồn vốn đầu tư
Hiện nay, trên địa bàn TP có 4 cơ quan quản lý nhà đất, công sản gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất (quản lý quỹ đất sạch), Công ty Quản lý nhà (quản lý biệt thự, công sở), công ty dịch vụ công ích của các quận (quản lý nhà, nhà phố, nhà đơn lẻ...) và các cơ quan trung ương gồm các doanh nghiệp, bộ ngành trung ương, số này rất lớn.
Với quỹ đất sạch, Trung tâm Phát triển quỹ đất phải đấu giá để thu tiền triển khai các dự án của TP, đồng thời phục vụ các dự án BT. Các công ty dịch vụ công ích quận, huyện đang quản lý hơn 1.000 căn nhà, số này cũng phải thống kê rà soát, đem ra đấu giá. Việc này đã chủ trương từ rất lâu, nhưng mỗi năm chỉ làm được vài chục căn vì khâu thẩm định, thực hiện rất khó khăn.
TP cũng giao các địa phương phải làm để có nguồn đầu tư phát triển cho chính địa phương mình, nên quận huyện nào tích cực làm thì có thêm nguồn đầu tư phát triển các công trình hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa của mình.
Với các phần đất do các cơ quan trung ương quản lý, hiện TP đang chờ nghị quyết của Quốc hội để có hướng phối hợp với các cơ quan trung ương quản lý hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Toàn Thắng (giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM):
Tiếp tục rà soát 1.283 dự án
Những biểu hiện sử dụng đất chưa hiệu quả, không đúng mục đích được giao như báo Tuổi Trẻ nêu là có. Sở Tài nguyên - môi trường và các quận, huyện cũng đang trong quá trình kiểm tra, rà soát để xử lý. Giai đoạn 2010-2015, qua rà soát đã thu hồi 576 dự án được chấp thuận chủ trương nhưng chậm triển khai.
Hiện TP đang tiếp tục rà soát ở giai đoạn năm 2016-2020 khoảng 1.283 dự án, trong đó có khoảng 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ. Chúng tôi sẽ tập trung phân loại và đối chiếu quy định pháp luật để xử lý.
MAI HOA ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận