Từ năm 2013, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xem ông Abu Mohammed al-Golani là "kẻ khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm".
Quá khứ gắn liền với khủng bố quốc tế
Abu Mohammed al-Golani, tên thật là Ahmad Hussein al-Sharaa, nổi lên trong phong trào Hồi giáo cực đoan sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Theo tờ The Guardian, ông rời Syria để gia nhập al-Qaeda tại Iraq trước khi quay về nước vào năm 2011 trong bối cảnh các cuộc nổi dậy chống chính quyền Assad nổ ra.
Ông trùm lật đổ tổng thống Assad của Syria là ai?
Năm 2013, ông Golani gia nhập al-Qaeda dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri, chính thức bước vào hàng ngũ lãnh đạo các tổ chức khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, đến năm 2016, ông tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda và thành lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS) vào năm 2017, một liên minh các nhóm Hồi giáo tại miền tây bắc Syria.
Dưới sự lãnh đạo của ông Golani, HTS kiểm soát nhiều khu vực đã rơi vào tay quân nổi dậy trong cuộc nội chiến Syria. Tuy nhiên, tổ chức này bị cáo buộc thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố, nhắm vào cả mục tiêu quân sự lẫn dân sự.
Nỗ lực xây dựng hình ảnh ôn hòa
Trong những năm gần đây, ông Golani nỗ lực thay đổi hình ảnh từ một "chiến binh thánh chiến toàn cầu" thành một nhà lãnh đạo mang tính ôn hòa hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài CNN gần đây, ông tuyên bố: "Không ai có quyền xóa bỏ một nhóm tôn giáo khác. Các giáo phái đã cùng tồn tại tại khu vực này hàng trăm năm, và không ai có quyền loại trừ họ".
Phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh phe nổi dậy do HTS dẫn đầu thực hiện chiến dịch tổng tấn công, chiếm đóng thủ đô Damascus của Syria và buộc cựu tổng thống Assad phải chạy trốn khỏi đất nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về sự thay đổi này. Ông Bill Roggio từ trang tin Long War Journal nhận định: "Golani là một bậc thầy trong việc thao túng chính trị. Ông ấy biết cách đóng vai ôn hòa, nhưng bản chất vẫn là một chiến binh thánh chiến".
Tương lai bất định cho Syria
Khi chính quyền ông Assad bị lật đổ, có nhiều bên tỏ ra vui mừng, kể cả người dân Syria. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền mới do ông Golani và các đồng minh lãnh đạo có thể mang lại sự ổn định cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá hay không.
"Tôi e rằng những gì sẽ thay thế ông Assad cũng chẳng khá hơn là bao", ông Roggio cho hay.
Trong khi người dân Syria kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn, giới quan sát lo ngại về sự lãnh đạo của ông Golani, người vẫn mang danh nghĩa "kẻ khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm".
Sự chuyển giao quyền lực này đặt Syria vào một tình thế đầy rủi ro, với khả năng xảy ra mâu thuẫn giữa các phe phái và nguy cơ tái diễn bạo lực.
Việc tái thiết nền kinh tế, hàn gắn chia rẽ xã hội và giải quyết các vấn đề về người tị nạn sẽ đòi hỏi một chính quyền ổn định, điều mà Syria chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận