09/12/2024 13:25 GMT+7

Tổng thống Syria Assad từng là một nhà lãnh đạo được kỳ vọng

Nhậm chức tổng thống Syria khi mới 34 tuổi và trước đó theo học tại London, ông Assad từng được phương Tây kỳ vọng sẽ là một nhà cải cách trẻ cho đất nước Syria.

Tổng thống Syria Assad: Từng được phương Tây kì vọng đến nguồn cơn của nội chiến Syria - Ảnh 1.

Ông Bashar al-Assad (ngoài cùng bên phải) trong đám tang của cha mình tại Damascus vào tháng 6-2000 - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc bầu cử tổng thống Syria gần nhất vào năm 2021, ông Bashar al-Assad đã được bầu lại với đa số phiếu. Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Ý cáo buộc cuộc bầu cử này là gian lận.

Gần như không có dấu hiệu gì cho thấy nhiệm kỳ tổng thống của ông Assad sẽ kết thúc trong tương lai gần, cho đến khi các nhóm nổi dậy tại Syria bất ngờ phát động tấn công, chiếm được thủ đô Damascus trong chưa đầy một tuần, và khiến nhà lãnh đạo Syria phải tị nạn tại Nga.

Từng là biểu tượng của cải cách ở Syria

Sau khi cha ông, Hafez al-Assad, qua đời, Bashar al-Assad lên nắm quyền lãnh đạo Syria vào năm 2000 thông qua một cuộc bầu cử mà Đài CNN mô tả là "không có đối thủ".

Trước đó, vào năm 1970, Hafez al-Assad đã vượt lên từ hoàn cảnh nghèo khó để lãnh đạo Đảng Baath và giành quyền kiểm soát đất nước. Đến năm 1971, ông chính thức trở thành tổng thống Syria.

Là con trai thứ trong gia đình, ông Bashar al-Assad ban đầu không được định hướng để kế nhiệm vị trí lãnh đạo từ cha mình. Trước đó, ông theo học ngành nhãn khoa tại London, Anh, với mục tiêu trở thành bác sĩ.

Tuy nhiên, biến cố xảy ra vào năm 1994 khi ông Bassel al-Assad, con trai trưởng của ông Hafez al-Assad, qua đời đột ngột trong một tai nạn xe hơi.

Cái chết của người anh đã thay đổi hoàn toàn định mệnh của ông Bashar, thu hút sự chú ý của cả nước Syria. Sau sự kiện này, ông gia nhập quân đội và bắt đầu học về khoa học quân sự, chuẩn bị cho vai trò kế nhiệm trong tương lai.

Tháng 6-2000, ông Hafez qua đời. Quốc hội Syria chỉ mất vài giờ để thay đổi hiến pháp nhằm hạ độ tuổi đủ điều kiện ứng cử tổng thống từ 40 xuống độ tuổi 34 vào thời điểm này của ông Assad.

Dưới thời ông Hafez al-Assad, với đường lối cứng rắn, không khoan nhượng bất đồng quan điểm và đàn áp mạnh mẽ phe đối lập, chính quyền Syria bị chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên, khi ông Bashar al-Assad, một tổng thống trẻ tuổi 34, lên nắm quyền, nhiều nhà quan sát ở Mỹ và châu Âu đã đặt kỳ vọng tích cực, tin rằng ông có thể mang lại một chế độ ôn hòa và tiến bộ hơn.

Khi mới nhậm chức, ông Assad cam kết tập trung cải cách kinh tế trước khi thực hiện các thay đổi chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ông, các biện pháp dỡ bỏ hạn chế kinh tế bắt đầu được thực hiện, như cho phép ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Syria, thúc đẩy nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực tư nhân phát triển.

Các thành phố của Syria bắt đầu xuất hiện các trung tâm mua sắm, nhà hàng mới và hàng tiêu dùng, trong khi du lịch tăng trưởng. Trên chính trường, những bức ảnh tay bắt mặt mừng giữa ông Assad và thủ tướng Anh Tony Blair khi đó được coi như biểu trưng cho sự hợp tác giữa Syria và phương Tây.

Tuy nhiên, học thuyết chính trị của ông Assad được cho là không khác gì với người cha Hafez, bao gồm việc tập trung quyền lực vào lực lượng vũ trang, như không quân và các cơ quan tình báo.

Hy vọng của phương Tây về một đất nước Syria mới đã nhanh chóng sụp đổ, khi ông Assad tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống với các nhóm chiến binh như Hamas và Hezbollah.

Về chính sách đối ngoại, ông vẫn trung thành với đường lối mà cha ông đã đặt ra: duy trì liên minh với Iran và chính sách kiên quyết đòi Israel trả lại toàn bộ Cao nguyên Golan mà Tel Aviv đã sáp nhập.

13 năm nội chiến và bị lật đổ

Năm 2011, thế giới chứng kiến làn sóng Mùa xuân Ả Rập lan rộng, với hàng loạt cuộc biểu tình bùng nổ tại Tunisia và Ai Cập, dẫn đến sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo tại hai quốc gia này.

Trước bối cảnh đó, ông Bashar al-Assad tự tin bác bỏ khả năng những sự kiện tương tự xảy ra tại Syria, nhấn mạnh rằng chính quyền của ông có sự hòa hợp với người dân và được sự ủng hộ rộng rãi trong nước.

Khi nhà lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ, ông Bashar al-Assad thậm chí được cho là đã gửi email chế giễu quyết định không từ chức của ông Mubarak. Tuy nhiên, không lâu sau đó, làn sóng Mùa xuân Ả Rập cũng lan đến Syria, kích động các cuộc biểu tình lớn trong nước.

Trước tình hình này, ông Assad không thừa nhận rằng mình đang đối mặt với sự phản kháng từ người dân. Thay vào đó, ông tuyên bố rằng chính quyền của ông đang xử lý "những kẻ khủng bố được nước ngoài hậu thuẫn", cáo buộc họ âm mưu gây bất ổn cho nhà nước Syria.

Khủng hoảng bùng nổ ở Syria khi nhiều người biểu tình ở thành phố Daraa ở phía Nam bị lực lượng chính phủ bắn chết.

Đến năm 2013, các thanh sát viên về vũ khí của Liên Hiệp Quốc trưng ra bằng chứng cho rằng vũ khí hóa học xuất hiện tại Syria.

Vũ khí hóa học và xung đột không hồi kết là lý do khiến phương Tây, trong đó có Mỹ, hậu thuẫn cho nhiều lực lượng tại Syria chống lại ông Assad.

Đất nước Syria từ đó chìm trong khói lửa chiến tranh khi các lực lượng đối lập được phương Tây hậu thuẫn, rồi cả Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS xâu xé đất nước.

Liên Hiệp Quốc đầu năm 2024 cho biết cuộc chiến kéo dài 13 năm cho đến nay đã khiến hơn 7 triệu người Syria đã phải di tản trong nước, và khoảng 6 triệu người khác phải tị nạn quốc tế. Cuộc xung đột cũng ghi nhận hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Đến ngày 8-12-2024, lực lượng nổi dậy tuyên bố giải phóng thủ đô Damascus, trao quyền điều hành tạm thời các cơ quan nhà nước Syria cho Thủ tướng Syria Mohammed Jalali, chấm dứt thời kỳ cầm quyền của ông Assad.

Tổng thống Syria Assad: Từng được phương Tây kì vọng đến nguồn cơn của nội chiến Syria - Ảnh 2.Liên Hiệp Quốc họp khẩn về Syria, Israel nói 'ngày lịch sử' nhưng Nga quan ngại

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tương lai của Syria là vấn đề do người Syria quyết định, sau khi phe nổi dậy lật đổ ông Assad. Nga, Mỹ, Iran, Trung Quốc, Israel cũng lên tiếng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên