Ngày 9-12 đánh dấu kỷ nguyên mới cho người Syria sau khi quân nổi dậy chiếm thủ đô Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad chạy trốn sang Nga, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 13 năm và hơn 50 năm cầm quyền của gia đình ông.
Đầy hy vọng
Cuộc tấn công chớp nhoáng do liên minh nhóm Hayat al-Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu - một tổ chức từng liên kết với al-Qaeda - đã trở thành một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt lớn nhất tại Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua.
Sự sụp đổ của chính quyền gia đình Assad đã xóa bỏ một thành trì quan trọng mà Iran và Nga dựa vào để mở rộng ảnh hưởng tại thế giới Ả Rập. Điều này không chỉ hạn chế khả năng Iran vận chuyển vũ khí cho các đồng minh mà còn đe dọa vị trí chiến lược của Nga, bao gồm việc mất đi căn cứ hải quân quan trọng tại Địa Trung Hải.
Các nước hoan nghênh sự kết thúc của chính quyền ông Assad. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, cả Nga, Iran và tổ chức chiến binh Hezbollah đều không có vai trò có ảnh hưởng ở Syria.
Diễn biến này sẽ cho phép hàng triệu người tị nạn Syria bị phân tán trong hơn một thập kỷ trong các trại tị nạn trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan cuối cùng cũng được trở về nhà.
"Hôm nay, chúng tôi mong đợi với hy vọng thận trọng về một chương mới, chương hòa bình, hòa giải, phẩm giá và hòa nhập mở ra cho tất cả người dân Syria", đặc phái viên Geir Pedersen của Liên Hiệp Quốc về Syria cho biết.
Tái thiết Syria
Giờ đây, phe nổi dậy phải đối mặt với nhiệm vụ to lớn là xây dựng lại và điều hành một đất nước sau cuộc chiến khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, các thành phố bị tàn phá và nền kinh tế bầm dập bởi các lệnh trừng phạt toàn cầu. Syria sẽ cần hàng tỉ USD viện trợ.
"Những người anh em, trang sử mới đang được viết nên trong toàn bộ khu vực sau chiến thắng vĩ đại này", lãnh đạo HTS Ahmed al-Sharaa, hay còn được gọi là Abu Mohammed al-Golani, cho biết và cam kết Syria sẽ trở thành "ngọn hải đăng" cho các quốc gia Hồi giáo.
Với lệnh giới nghiêm do quân nổi dậy ban bố, Damascus đã trải qua một đêm yên bình với những con đường dẫn vào thành phố hầu như vắng tanh. Liên minh quân nổi dậy cho biết họ đang nỗ lực hoàn tất việc chuyển giao quyền lực cho một cơ quan quản lý chuyển tiếp có quyền hành pháp, ám chỉ đến việc cùng nhau tái thiết Syria.
Người Hồi giáo Sunni chiếm đa số ở Syria nhưng nước này là nơi sinh sống của nhiều người thuộc tôn giáo khác nhau, bao gồm cả những người theo đạo Thiên Chúa và những người theo đạo Alawite của ông Assad, một nhánh của đạo Hồi Shi'ite.
Thế giới bất ngờ
Tốc độ diễn biến của các sự kiện đã làm các nước choáng váng và làm dấy lên mối lo ngại về tình hình bất ổn trong khu vực giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, các cuộc tấn công của Israel vào Lebanon và căng thẳng giữa Israel và Iran.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Syria đang trong giai đoạn rủi ro và bất ổn. "Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các nhóm người Syria... để thiết lập quá trình chuyển đổi từ chế độ Assad sang một đất nước Syria độc lập, có chủ quyền", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden. HTS vẫn bị Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc coi là một nhóm khủng bố.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết lực lượng của họ đã tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào cơ sở của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền trung Syria vào ngày 9-12.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói ông đã trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler về việc bảo vệ dân thường và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Mỹ có khoảng 900 quân ở Syria và ủng hộ một liên minh do người Kurd lãnh đạo chống lại IS trong giai đoạn 2014-2017.
Các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu cho rằng sự sụp đổ của chính quyền ông Assad là điều được mong đợi từ lâu và cam kết sẽ hỗ trợ tái thiết Syria.
Nga đã cấp quy chế tị nạn cho ông Assad và gia đình. Trung Quốc cũng hy vọng Syria ổn định càng sớm càng tốt, còn Iran mong tiếp tục quan hệ "thân thiện" với Damascus.
Cuộc nội chiến ở Syria bùng phát năm 2011 từ phong trào nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad đã chứng kiến các lực lượng của ông cùng đồng minh ném bom nhiều thành phố trên khắp đất nước. Cuộc xung đột này không chỉ tàn phá Syria mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn trên quy mô lớn khắp Trung Đông, được coi là một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Đỉnh điểm là vào năm 2015, khi hơn 1 triệu người Syria di cư sang châu Âu, tạo ra làn sóng hỗn loạn và áp lực lớn đối với các quốc gia trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận