08/12/2024 19:12 GMT+7

Toàn cảnh xung đột tại Syria

Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, tình hình xung đột tại Syria leo thang đáng kể, dẫn đến việc chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Toàn cảnh xung đột tại Syria - Ảnh 1.

Người dân ăn mừng ở thành phố Aleppo sau khi quân đội Syria thông báo chế độ kéo dài 24 năm của Tổng thống Bashar al-Assad đã chấm dứt. Aleppo là thành phố mà quân nổi dậy bắt đầu đánh chiếm vào cuối tháng 11 - Ảnh: REUTERS

Vào cuối tháng 11, các nhóm phiến quân, dẫn đầu bởi Hayat Tahrir al-Sham (HTS), đã mở rộng tấn công, giành quyền kiểm soát một số khu vực tại Aleppo và tỉnh Idlib.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Syria thông báo kết thúc chính quyền al-Assad

HTS, từng có liên hệ với Al Qaeda, hiện là lực lượng nổi bật trong phe đối lập và đang sử dụng cả công nghệ mới như máy bay không người lái để tăng cường sức mạnh quân sự.

Toàn cảnh xung đột tại Syria - Ảnh 2.

Tòa nhà bị hư hại tại hiện trường vụ không kích tại Idlib, ngày 2-12 - Ảnh: REUTERS

Chính phủ Syria đáp trả bằng các cuộc không kích vào Idlib và Aleppo. Ít nhất 15 thường dân thiệt mạng, 36 người bị thương trong các đợt tấn công tại khu vực do phe đối lập kiểm soát.

Không quân Nga thực hiện chiến dịch không kích mạnh mẽ, tiêu diệt khoảng 200 phiến quân HTS tại Aleppo và Idlib. Điện Kremlin sau đó kêu gọi Chính phủ Syria nhanh chóng khôi phục trật tự.

Toàn cảnh xung đột tại Syria - Ảnh 3.

Phiến quân nổi dậy ở tỉnh Idlib, Syria, ngày 1-12 - Ảnh: REUTERS

Đầu tháng 12, HTS tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ tỉnh Idlib và một số khu vực lân cận Aleppo. Lực lượng này yêu cầu các nhóm người Kurd rút khỏi Aleppo, làm dấy lên nguy cơ mở rộng xung đột.

Chính phủ Syria cho tăng cường lực lượng phòng thủ tại Hama và Aleppo, với sự hỗ trợ từ các máy bay chiến đấu của Nga và tiếp viện từ Iran.

Toàn cảnh xung đột tại Syria - Ảnh 4.

Phiến quân nổi dậy chiếm giữ Hama, đô thị lớn thứ 4 của Syria, nhanh chóng áp sát thủ đô Damascus - Ảnh: REUTERS

Tình hình trở nên căng thẳng khi các nhóm phiến quân tiếp tục tiến sâu vào khu vực này. Nga và Iran đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ quân sự và ngoại giao để duy trì quyền kiểm soát của chính phủ Assad.

Thời điểm diễn ra chiến sự có phần nhạy cảm. Nga đã dồn nhiều nguồn lực cho Ukraine, trong khi Iran cũng đang chịu nhiều tổn thất trong xung đột với Israel ở cả Lebanon và Syria.

Trong khi đó, Mỹ đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Tổng thống đắc cử Donald Trump từng phát động cuộc không kích nhằm vào các tài sản quân sự của chính quyền Syria.

Toàn cảnh xung đột tại Syria - Ảnh 5.

Người dân ở thủ đô Damascus ăn mừng sau khi phe nổi dậy tuyên bố lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, ngày 8-12 - Ảnh: REUTERS

Kể từ khi quân nổi dậy kiểm soát thành phố Aleppo, hệ thống phòng thủ của Chính phủ Syria nhanh chóng sụp đổ. Quân nổi dậy tiến về thủ đô Damascus mà không vấp phải bất kỳ sự phản ứng nào.

Có thông tin Tổng thống Assad đã rời thủ đô Damascus vào ngày 8-12, khi lực lượng nổi dậy tiến vào thành phố. Điểm đến của ông Assad vẫn chưa xác định.

Toàn cảnh xung đột tại Syria - Ảnh 6.

Người dân Damascus đổ ra đường sau khi quân nổi dậy tuyên bố lật đổ Tổng thống Assad, ngày 8-12 - Ảnh: REUTERS

Hỗn loạn là tình cảnh ngay lúc này tại thủ đô Damascus tại Syria. Nhiều người dân đã chạy đến sân bay Damascus tìm kiếm cơ hội rời đất nước nhưng bất thành vì không còn nhân viên lẫn chuyến bay nào.

Lãnh đạo lực lượng nổi dậy Abu Mohammed al-Golani ký văn bản khẳng định Thủ tướng Syria Mohammed Jalali sẽ giám sát và điều hành các cơ quan nhà nước Syria cho đến khi quá trình bàn giao quyền lực hoàn tất.

Trong khi đó, Đại sứ quán Iran tại Syria tuyên bố đã bị "tấn công" trong ngày 8-12. Tờ báo Iran Tehran Times đưa tin rằng các nhà ngoại giao Iran đã rời khỏi đại sứ quán từ trước đó.

Diễn biến ở Syria khiến các nước Ả Rập bất ngờ và làm dấy lên lo ngại về làn sóng bất ổn mới trong khu vực. Ngoại trưởng của 5 quốc gia Ả Rập bao gồm Ai Cập, Qatar, Jordan, Iraq và Saudi Arabia, và những người đồng cấp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ngày 7-12 đã có cuộc họp tại Doha (Qatar) nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng.

Toàn cảnh xung đột tại Syria - Ảnh 7.Trung Quốc mong Syria sớm ổn định, Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự

Bắc Kinh hy vọng tình hình ở Syria sẽ sớm ổn định, trong khi quan chức cấp cao Thượng viện Nga tuyên bố Syria sẽ phải tự mình đương đầu hậu quả nội chiến.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên