Bà Thi chỉ những vết sơn lẫn mắm tôm mà nhóm đòi nợ đã “khủng bố” gia đình bà - Ảnh: TÂM LÊ
Có nhà mà không thể ở
Căn nhà ngay mặt đường quốc lộ của gia đình bà Lê Thị Thi (đã được đổi tên) ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) lúc nào cũng khóa trái bằng một ổ khóa to tướng. Đang giữa ban ngày nhưng bà cũng khóa cửa, người lạ gọi cũng không dám mở vì sợ bọn đòi nợ thuê ập vào nhà.
Ông Công, người hàng xóm, cho biết: "Nhà bà ấy luôn hiếu khách xưa nay, cửa lúc nào cũng mở, nhưng hơn một năm nay phải đóng kín như thế. Chị đi theo em gái bà ấy mà vào nhà, hình như bà ấy đang ở nhà đấy".
Nhìn chúng tôi với vẻ e dè, chị em bà Thi lo lắng người bên cho vay nặng lãi đến đòi nợ. Sau khi được giới thiệu và xem giấy tờ, chị em bà Thi mới tin tưởng mở lòng: "Tôi chỉ lo họ lại kéo đến quậy phá, mệt lắm. Có 5 thằng choai choai, đầu nhuộm tóc vàng tóc đỏ, xăm trổ khắp người. Đêm đến, chúng ném mắm tôm trộn sơn vào khắp sân nhà. Tôi che bạt phía trước thì chúng đi vòng ra phía sau ném lên. Không có ngày nào tôi được ngủ yên, bực quá, có hôm tôi thức thủ gạch đá để ném lại, định liều với chúng nó".
Bà Thi chỉ cho chúng tôi những vết sơn đỏ ngầu còn bám trên tường và tấm bạt loang lổ, bức xúc: "Sơn và mắm tôm bám mùi cả tuần mới hết. Mỗi lần bị chúng ném, tôi phải nhờ anh em đến lau dọn rất khổ".
Bà Lê Thị Hoa, em gái bà Thi, cho biết đám đòi nợ còn theo dõi bà, khiến bà không dám nhận nhà chị gái mình. "Chúng bám theo xe của tôi, còn chụp biển số xe, hỏi tôi có phải anh em nhà bà Thi không. Tôi không dám nhận là em, nếu gật thì chúng nó cũng không tha", bà Hoa kể.
Bà Thi kể tiếp có hôm nhóm đòi nợ xông vào nhà bà ngồi lì, đi lại như chốn không người, đòi trả tiền. Chúng hăm dọa, thách thức nếu bà không trả thì chúng sẽ cho bà ngửi "nước hoa" cả tháng.
"Chúng bảo thằng con tôi còn nợ 10 triệu, bảo tôi giấu nó ở đâu, giấu thì trả tiền cho nó đi. Đây chỉ là một trong nhiều khoản tiền rất lớn mà tôi đã bị đòi liên miên - bà Thi nói thật lòng - Tôi trả lời làm gì còn tiền trả, đi gặp đứa vay mà đòi. Thế là chúng nó rồ lên bà có tiền mà không trả phải không. Chúng nó làm loạn cả nhà, tôi phải gọi công an đến. Anh công an nói rồi chúng giải tán, nhưng lại bảo không phạt được vì chúng không gây ra thiệt hại gì hoặc có phạt cũng rất nhẹ".
Bà Thi bày tỏ sự bất lực, chẳng phải đã có luật cấm đòi nợ thuê rồi sao? Thực tình bà Thi cũng không biết hiện con trai đang ở đâu, còn nợ bao nhiêu và nợ ai. Nhóm đòi nợ đến yêu cầu bà trả số tiền đó, con trai không có nhà để xác nhận. Nếu bà có khả năng trả thì lần sau chúng lại đến đòi khoản phát sinh, lãi mẹ đẻ lãi con, bao giờ hết nợ.
Sống một mình trong căn nhà hai tầng ngoài mặt đường trống vắng, bà Thi lúc nào cũng nơm nớp lo nhóm đòi nợ bủa vây. Thời gian qua bà phải khóa cửa nhà, chuyển vào Nam ở cùng con gái để lánh nạn.
Chồng bà mất chưa đầy năm vì bệnh hiểm nghèo, căn bệnh có thể đã phát tán nhanh hơn do áp lực nợ nần. Còn con trai út "phá gia chi tử" thì đã trốn biệt, cô vợ sau ly hôn cũng phải ôm con lánh nợ nần. Căn nhà từng là nơi đầy ắp tiếng cười của vợ chồng bà Thi và con cháu giờ luôn cửa đóng then cài, chiếc xe máy của bà cũng phải đem gửi nhờ.
Con trai bà từng được du học ở Nhật Bản nhưng cuối cùng vướng vào nợ nần phải về nước. Sau khi bố mẹ phải bán đất để trả được nợ, bố vợ lo cho công ăn việc làm thì lại "ngựa quen đường cũ", cờ bạc, cá độ và vay nợ, lãi chồng lãi không dừng.
Bà Thi nghẹn giọng, từ tháng 8-2022 tới nay, gia đình bà bị đám đòi nợ thuê liên tục quấy rầy. Không chỉ ném sơn mắm tôm vào nhà bà, chúng còn ném bom xăng và tạt sơn vào gia đình thông gia cũ, khiến bà khó xử và nhiều đêm mất ngủ.
Nhà ông thông gia cũ của bà Thi cũng bị tạt mắm tôm và "bom xăng" - Ảnh: TÂM LÊ
Ném chai xăng, mắm tôm trộn sơn
Gia đình thông gia ở trong làng, cách gia đình bà Thi không xa. Ngôi nhà được bao quanh bởi tường vôi xi măng và được phủ bạt kín cả hai phía, khác với những gia đình trong xóm. Cổng nhà cũng được khóa kín giữa ban ngày, camera được lắp ngay chính giữa và quay ra phía cổng.
Ông Lê Văn Dư, chủ nhà, khi nghe có khách tới liền trở về. "Tôi mới từ Đà Nẵng về được mấy tháng cũng vì chuyện con cái, giải quyết xong lại vào trong đó ngay để làm tiếp công việc đang dở", ông Dư cho biết thêm hiện ở nhà chỉ còn mẹ già đã ngoài 80 tuổi và vợ chồng em gái mỗi ngày ghé qua chăm sóc cụ.
Còn vợ chồng ông và con gái đã vào Đà Nẵng làm ăn sinh sống cùng con trai đầu. Con gái đã ly hôn với Mạnh - con trai bà Thi, cuộc hôn nhân mà gia đình hai bên cố gắng cứu vãn khỏi nợ nần nhưng không thành.
Kể về việc bị nhóm đòi nợ thuê tìm đến gây rối, ông Dư bức xúc: "Một hôm có chiếc ô tô bốn chỗ đậu trước nhà, người đàn ông bước xuống hỏi đây là nhà ông Dư, bố vợ thằng Mạnh phải không. Tôi hỏi có việc gì, trước đây tôi là bố vợ, giờ thì không phải. Chúng nói Mạnh nợ tiền, bỏ trốn, người nhà lo mà trả tiền cho chúng. Tôi bảo chúng tìm nhầm người rồi, gia đình không còn quan hệ gì với Mạnh. Mạnh ở đâu, nợ ai thì đâu có liên quan tới gia đình chúng tôi.
Chúng đánh xe đi, thế rồi tối hôm đó, khoảng 12h đêm bỗng bên ngoài sân có tiếng nổ đánh ầm một cái và tiếng ném bịch bịch một tràng. Tôi bật điện hét lớn chúng mày muốn vào tù bóc lịch thì cứ ném, sẽ có người tìm ra chúng mày sớm thôi.
Một lúc lâu chúng im lặng kéo đi. Tôi biết là bị ném bẩn, mùi mắm tôm bốc vào trong nhà rất khó chịu. Sáng hôm sau tôi ra kiểm tra, có rất nhiều bịch sơn lẫn mắm tôm ném tung tóe, một chai thủy tinh làm bom xăng vỡ vụn dưới nền tạo ra một đám cháy đen".
Ông Dư kể phải che phông bạt hai bên để ngăn chất bẩn, lại lắp camera để ghi lại hình ảnh làm bằng chứng cung cấp cho công an. Sau vài lần quấy rầy chúng mới chịu dừng, cả ông và mẹ già đều mất ngủ.
Rất may gia đình ông Dư có người làm trong ngành công an, anh trai ông cũng từng làm chủ tịch xã, thấy không "thu hoạch" được gì nên bọn đòi nợ mới chịu rút lui.
"Bọn đòi nợ này chúng như cái vòi bạch tuộc ấy, chỗ nào cũng có tai mắt của chúng. Anh làm ở đâu, đến chỗ nào sinh sống chúng cũng có người ở đó tìm ra để báo cho nhau. Việc đòi nợ như khủng bố, người không liên quan cũng đòi thì không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ Nhà nước phải ra luật chặt chẽ hơn, làm mạnh hơn nữa để bà con được yên" - ông Dư cho biết đó là vấn nạn đang hoành hành ở quê ông.
Tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ khủng bố tinh thần người thân làm nhiều gia đình tan cửa nát nhà. Có người rơi vào trầm cảm, sống trong tình cảnh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ.
Ông Dư chia sẻ về tình cảnh của bà thông gia cũ: "Bà Thi đang phải sống rất khổ tâm. Ông bà ấy sống rất tốt, chịu khó làm ăn. Thằng con trai làm khổ bà ấy nhiều. Chúng tôi đều là người dân lao động, chỉ muốn con cái cũng chịu khó làm ăn mà lo cuộc sống. Vướng vào nợ nần, nặng lãi sẽ khó vực lên nổi".
Sau khi bà Thi đã cắn răng cố xoay xở trả nhiều đợt tiền nợ trăm triệu rồi tới tiền tỉ cho thằng con trai, giờ đám đòi nợ lại mò tới nói còn nợ 10 triệu. Nhưng sẽ còn bao nhiêu lần 10 triệu thì bà không biết và bà cũng không còn tiền để trả. Nhóm đòi nợ cũng không có sổ sách, giấy tờ ghi số nợ còn lại hay đã hết nợ.
*******************
Bị "khủng bố" đòi nợ, người dân giữ lại chứng cứ để đến cơ quan công an trình báo, tố giác tội phạm và đề nghị có biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật.
Kỳ tới: Cần nghiêm trị nạn đòi nợ kiểu “khủng bố”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận