03/09/2024 06:37 GMT+7

Chăm em và chăm mẹ điều trị tâm thần, nữ sinh đậu Đại học Ngoại thương không có tiền đi học

Chỉ còn ít ngày là phải ra Hà Nội làm thủ tục đăng ký nhập học, Nguyễn Diệu Thúy vẫn miệt mài chăm sóc vườn rau, chăm nom người mẹ đau ốm và lo từng bữa ăn cho các em, cũng chưa biết tiền đâu để đóng học phí.

Thực hiện: LÊ MINH - NHÃ CHÂN - MAI HUYỀN - TÔN VŨ

Thay bố mẹ làm đồng, chăm sóc nhà cửa, vẫn học giỏi nức tiếng - Ảnh 1.

Nguyễn Diệu Thúy chăm sóc vườn rau để phục vụ bữa ăn cho gia đình và bán kiếm thêm thu nhập - Ảnh: LÊ MINH

Trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và khoản tiền nhập học sắp tới chưa biết vay mượn ở đâu khiến cô gái nhỏ học giỏi này suy nghĩ tạm gác lại ước mơ vào đại học của bản thân, nếu không được tiếp sức đến trường.

Mẹ bệnh, nhà nợ nần, cô gái nhỏ phải chăm em, chăm mẹ 

Thay bố mẹ làm đồng, chăm sóc nhà cửa, vẫn học giỏi nức tiếng - Ảnh 3.

Thúy tranh thủ thổi cơm cho các em trước khi lên đường vào bệnh viện chăm sóc mẹ - Ảnh: LÊ MINH

Chúng tôi đến nhà Nguyễn Diệu Thúy (18 tuổi, ngụ thôn Đại Lự, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vào một buổi xế chiều cuối tháng 8-2024. Thúy nhỏ người, làn da xanh xao nhấp nhổm bên vườn rau để chuẩn bị bữa tối cho ba đứa em và đưa cơm cho người mẹ đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tĩnh.

Thi thoảng, Thúy từ vườn rau chạy vào gian nhà bếp cạnh đó nhóm lửa cho nồi cơm đang sôi dở. Căn nhà bếp tồi tàn, thấp bé, không có ánh đèn, đứng từ ngoài nhìn vào trong chỉ thấy ngọn lửa bập bùng cháy. Thúy ngượng ngùng bảo: "Bình gas nhà mình hết từ đầu năm chưa đổi được, nên lâu nay vẫn nấu bằng củi".

Thúy là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em. Người anh cả của Thúy năm nay bước vào năm cuối của Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Ba em còn lại của Thúy lần lượt lên lớp 10, lớp 7 và lớp 4 ở trường huyện.

Anh Nguyễn Trọng Thủy (bố Thúy) năm nay ngoài 40 tuổi nhưng mang căn bệnh nhiễm trùng ruột đã 6 năm qua. Bệnh tật hành hạ khiến sức khỏe của anh yếu hẳn không thể làm những công việc nặng nhọc. Hằng ngày anh đi phụ giúp cho người làng làm công việc lặt vặt. Mỗi tháng anh chỉ làm được khoảng 15 ngày công. Đây cũng là khoản tiền để cả gia đình 7 người chi tiêu, sinh hoạt, học hành, chữa bệnh trong một tháng.

Cuộc sống gia đình Thúy đang bước vào những ngày tháng đầy thử thách, cam go hơn nữa. Bởi người lớn còn lại trong gia đình là chị Đặng Thị Lành (mẹ Thúy) hơn 2 năm nay có nhiều tháng ở viện nhiều hơn ở nhà.

Chị Lành mang trong mình căn bệnh rối loạn tâm thần từ năm 2022, thường xuyên phải ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. Mỗi lần đi lại tốn kém không ít tiền bạc, nên con bò duy nhất của gia đình cũng phải bán đi để chữa trị bệnh.

Bệnh tình của chị dần thuyên giảm, nhưng vài tháng phải đến điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh một lần. Chị nằm viện, bố con Thúy lại cắt cử nhau đi chăm sóc. Cái vòng luẩn quẩn ấy chưa biết bao giờ mới dứt ra được.

Từ khi chị Lành đổ bệnh, mọi việc đồng áng, đi chợ, nấu nướng, chăm sóc em út đều do một tay Thúy cáng đáng. 

Hằng ngày, ngoài những buổi đến trường, Thúy đều ra đồng phụ bố mẹ làm 3 sào ruộng, trở về nhà Thúy chăm sóc vườn rau đem bán kiếm thêm tiền chi tiêu trong gia đình. Vườn rau cũng là nơi cung cấp thực phẩm chính hằng ngày cho gia đình, bởi mỗi tuần gia đình em chỉ vài bữa ăn có thịt, cá.

Học sinh giỏi tỉnh, IELTS 7.5, không có tiền đi học 

Chăm em và chăm mẹ điều trị tâm thần, nữ sinh đậu vào Đại học Ngoại thương không có tiền đi học - Ảnh 4.

Nguyễn Diệu Thúy tranh thủ chăm sóc vườn rau để phục vụ bữa ăn cho gia đình và bán kiếm thêm thu nhập - Ảnh: LÊ MINH

Về thôn Đại Lự hỏi đến trường hợp của Thúy, người dân không khỏi khâm phục ý chí vươn lên của cô bé có gia cảnh khó khăn nhưng năng lực học tập luôn vượt trội. 

12 năm liền Thúy là học sinh giỏi, đặc biệt bạn là thủ khoa đầu vào trong kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. 

Cũng vào năm lớp 10, Thúy đoạt giải nhì học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh. Một năm sau đó Thúy hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh với 7.5 điểm IELTS.

Từ nhỏ, ước mơ vào đại học luôn là mục tiêu phấn đấu của Thúy. Khi bố mẹ ngã bệnh, con đường vào đại học trong Thúy trở nên lung lay hơn bao giờ hết. 

Thúy bảo, có lần tâm sự với mẹ rằng năm nay đỗ đại học sẽ tạm thời bảo lưu kết quả để đi làm, có tiền rồi sẽ trở lại con đường học hành. Song mẹ Thúy luôn an ủi sẽ cố gắng vay mượn để giúp em hoàn thành ước mơ của mình.

Lời an ủi của người mẹ dẫu tiếp thêm động lực cho Thúy nhưng là người "nắm" chi tiêu trong gia đình, Thúy hiểu rõ gia đình thiếu thốn nhường nào. 

Gia đình Thúy còn nợ ngân hàng, nợ người thân hơn 200 triệu đồng. Khoản tiền lớn này với gia đình chưa biết khi nào trả hết, vì vậy hiện nay đi vay mượn thêm cho con vào đại học là không dễ.

Thúy nhớ lại thời điểm khó khăn nhất đối với Thúy là lúc người mẹ ngã bệnh điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tĩnh. Lúc ấy bố Thúy đi làm ăn xa, anh trai học ở Hà Nội, các em còn nhỏ nên trong gia đình chỉ có Thúy có khả năng chăm sóc cho mẹ.

"Một mình mình vừa phải đi học, trở về nhà lại phải lo từng bữa ăn cho các em, xong việc lại vượt hơn 10km từ nhà đến bệnh viện để chăm sóc mẹ. Lúc đó bệnh tình mẹ khá nặng, miệng suốt ngày lẩm bẩm. Mình thương mẹ nhưng có lúc trong túi không có tiền để mua cho mẹ bữa ăn ngon. Cuộc sống rất khó khăn, nhưng rồi may mắn mình cũng vượt qua được và điều quan trọng nhất là vẫn còn mẹ bên cạnh" - Thúy tâm sự.

Với năng lực học tập giỏi, năm nay Thúy sử dụng học bạ xét tuyển và đã trúng tuyển vào ngành tiếng Anh thương mại của Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội). 

Ngoài ra, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Thúy cũng đạt số điểm khá cao khi điểm khối D01 là 26,85 điểm, khối C19 đạt 27,75 điểm. Nói đến kế hoạch nhập học, đôi mắt Thúy đượm buồn bởi nỗi lo khoản tiền khá lớn để bước chân vào đại học sắp tới.

Cô Nguyễn Thị Duyên - giáo viên chủ nhiệm những năm cấp 3 của Thúy, chia sẻ Thúy có hoàn cảnh hết sức đặc biệt khi bố mẹ mang bệnh đau ốm thường xuyên. Em có nghị lực phi thường khi vừa chăm lo việc nhà, vừa phấn đấu học tập và đạt được những thành tích xuất sắc.

Cảm thương trước hoàn cảnh của cô học trò nhỏ, chính cô Duyên đã giới thiệu cho em đăng ký nhận học bổng từ chương trình Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Cô Duyên hy vọng với hoàn cảnh của Thúy sẽ được xét duyệt để em nhận được phần học bổng của báo, từ đó tiếp thêm nghị lực cho em trong những năm tháng vào đại học sắp tới.

Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường

Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).

Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” - như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.

Tiếp sức đến trường: Mẹ nhận mình cả đời thất học, con gái điểm thi hạng 26 toàn tỉnh Quảng Trị- Ảnh 4.

Mời bạn quét mã QR này để đăng ký, giới thiệu tân sinh viên khó khăn cần tiếp sức đến trường. Chương trình nhận thông tin đến hết ngày 20-9-2024

Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.

Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức - Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:

113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:

Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;

Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM

với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Nhập học với 2 triệu đồng - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.

Nhập học với... 2 triệu đồng - Ảnh 3. Các trường đại học ủng hộ hơn 1,2 tỉ cho học bổng Tiếp sức đến trường

Ngay sau khi Tuổi Trẻ khởi động chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024, hàng loạt trường đại học đã liên hệ ủng hộ tân sinh viên gần 100 suất học bổng với hơn 1,2 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên