17/11/2017 09:05 GMT+7

'Chấm điểm' bộ trưởng Tài chính: Thận trọng, chưa đột phá

VIỄN SỰ - MAI HOA - A.HỒNG
VIỄN SỰ - MAI HOA - A.HỒNG

TTO - Đại biểu và cử tri thấy khi trả lời chất vấn, bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nắm chắc vấn đề nhưng nói quá an toàn, thiếu giải pháp.

Chấm điểm bộ trưởng Tài chính: Thận trọng, chưa đột phá - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn sáng 16-11 - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Tài chính: Bộ trưởng Tài chính: '31 hộ kinh doanh đi đêm với cán bộ thuế'

TTO - Khảo sát của Tổng cục thuế cho thấy năm 2015, 63% hộ kinh doanh cho biết có "đi đêm" với cán bộ thuế, nhưng đến năm 2016, còn số này chỉ còn 31%.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Bộ trưởng nắm chắc nhưng trả lời thận trọng

Tôi thấy bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời các vấn đề về xử lý nợ đọng thuế, kê khai thuế, quản lý nợ công... rất chắc, thông tin số liệu rất kỹ. 

Tuy nhiên, vì quá sa vào tiểu tiết nên tính khái quát không cao, có chỗ bộ trưởng chưa nhấn mạnh được các giải pháp. 

Đó là những điểm mà cử tri và đại biểu mong muốn nhiều hơn.Vì hơi cẩn trọng nên bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp đột phá.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội): Tôi cần câu trả lời giải pháp

Vấn đề của ngành hải quan mà tôi chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính như tình hình tội phạm buôn lậu qua cửa khẩu vẫn còn gia tăng, phần trả lời của bộ trưởng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tôi cần câu trả lời cụ thể hơn nữa về giải pháp. 

Bộ trưởng có nói thời gian thông quan hải quan chỉ 28% thuộc về ngành hải quan, còn 72% thuộc các bộ, ngành khác. Nhưng trách nhiệm chủ yếu vẫn là hải quan, phải có sự phối hợp, có giải pháp để đảm bảo.

Đối với ngành thuế, đại biểu nêu còn nhiều sự thất thoát, thất thu, tiêu cực nhưng chưa có biện pháp xử lý. Bộ trưởng cũng thừa nhận nhiều thực trạng nhưng vẫn chưa đưa ra biện pháp căn cơ.

Bà Hoàng Thị Lợi (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM): Cán bộ thuế "đi đêm" thì bao nhiêu hóa đơn cũng như không

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có một đoạn trả lời đáng chú ý về việc 31% hộ kinh doanh "đi đêm" với cán bộ thuế. Năm trước đó, con số này còn lên tới 63%.

Trước đó, ông nói để tránh thất thoát thuế, phải tuyên truyền cho người dân tập thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng, không xài tiền mặt... 

Ý thức người dân quan trọng nhưng vai trò của cơ quan quản lý, của cán bộ thuế còn quan trọng hơn. Nếu cán bộ thuế mà đã "đi đêm" thì bao nhiêu hóa đơn cũng như không.

Tôi có tham gia hội thẩm ở một số vụ án, thấy trong lĩnh vực ngân hàng có sự quản lý lỏng lẻo, gây thất thoát của Nhà nước hàng chục tỉ, trăm ngàn tỉ nhưng khả năng thu hồi rất thấp.

Ở đây phải đặc biệt nhấn mạnh vai trò quản lý của bộ, nhìn ra những điểm thất thoát, quản lý lỏng lẻo để chấn chỉnh, nhất là những lĩnh vực có nguy cơ thất thoát lớn.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: Trả lời an toàn nên chưa có đột phá

Theo tôi, phần trả lời chất vấn của bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri cũng như chưa thể hiện tính sắc sảo và chuyên sâu.

Liên quan vấn đề nóng nhất là cân bằng ngân sách và nợ công, câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) và đại biểu Nguyễn Tảo (Lâm Đồng) chính là vấn đề mà người dân đang quan tâm nhất: kiểm soát nợ công, vì hiện nay nợ công đã sát trần hơn 60% GDP trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới. 

Và giải pháp gì để vừa kiểm soát nợ công vừa có vốn đầu tư phát triển?

Nhưng bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ đưa ra câu trả lời chung chung như chúng ta phải có lộ trình giảm bội chi để giảm áp lực nợ công. Bộ Chính trị đã có nghị quyết 07 nhằm tái cơ cấu ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bền vững. Quốc hội ra nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, trong đó đã quy định giới hạn đối với trần nợ công không quá 65% GDP... 

Trong khi điều chúng tôi quan tâm là tới đây khi thống nhất đầu mối quản lý nợ công về Bộ Tài chính thì có khác gì so với hiện nay, trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Tài chính khi đó đến đâu và bộ sẽ khắc phục được những vấn đề gì hiện nay để tăng hiệu quả đầu tư...

Nhiều vấn đề khác bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chọn cách trả lời an toàn, trong đó nhắc đến việc sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành khác để thực hiện. Hiệu quả của cách trả lời không đưa ra giải pháp cụ thể là sẽ hạn chế tranh luận, và như thế cũng "an toàn" hơn cho người trả lời nhưng nó cũng làm phiên chất vấn thiếu lửa và chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri.

Và như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là "chưa có tính đột phá" trong giải pháp.

VIỄN SỰ - MAI HOA - A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên