Hai cô công chúa nhỏ ấy có tên rất đẹp là Lý Mỹ Duyên (12 tuổi) và Lý Mỹ Phương (8 tuổi), đang ở trong phòng trọ nhỏ xíu khuất trên gác ngôi nhà ở đường Kênh Tân Hóa (quận Tân Phú, TP.HCM).
Hai cô bé không áo đầm, cũng chẳng có lấy một con búp bê, mà chỉ biết thương ba, vô cùng hiểu chuyện và ham học.
Gà trống nuôi con trong căn phòng 3m2
Giữa trưa, tại căn phòng bước chừng vài bước là giáp vòng, sau khi đưa hai cô con gái đi học về, người cha tên Vũ Nguyễn Hoàng Huy (51 tuổi) ngồi ngay hành lang vừa nghỉ mệt, vừa trông chừng chiếc xe cũ nát.
Ông Huy ngồi vật vờ ở hành lang vì phòng thuê quá nhỏ với giá chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng nên không có chỗ cất xe. Trước đây ông ở quận 4, chạy xích lô mưu sinh, rồi vắng khách ông chuyển dần sang lượm ve chai và bán đồ điện tử cũ.
"Lúc đầu khó khăn lắm, ăn nhờ ở đậu bên ngoại bé, có người chỉ chỗ trọ rẻ nên tôi qua đây, căn trọ này nhỏ xíu nhưng cũng ráng ở chứ biết sao giờ. Sau này làm ăn được, tui sẽ lo chỗ tốt hơn cho hai đứa", ông Huy trải lòng.
Phòng nóng hầm hập giữa trưa, không chỉ quá chật mà thấp đến mức đứng cũng không thẳng được người. Nhìn qua ngó lại, thứ đáng giá nhất chỉ là hũ gạo đã vơi quá nửa và chiếc quạt máy duy nhất mà ông Huy nhường hai con gái.
Tuy nhiên, Mỹ Duyên khoe thêm: "Dạ còn có con rubik này cũng quý nữa!". Khối rubik cũ ấy Mỹ Duyên được người ta cho, là món đồ chơi duy nhất mà chị em chia nhau giải qua giải lại.
Lát sau, chị em lại mang sách vở ra cùng học. Mỹ Duyên giỏi tiếng Việt, chỉ em gái Mỹ Phương đánh vần; em thì viết nét đẹp, chốc chốc lại chọc chị chữ xấu...
Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc ba cha con bắt đầu cuộc mưu sinh, tấm bạt nhỏ trải dưới hiên nhà bày bán đủ loại sạc điện thoại, dây cáp và phụ kiện lặt vặt làm kế sinh nhai.
Mỹ Duyên và Mỹ Phương phụ ba bài trí hàng sao cho đẹp mắt. Dưới ánh đèn đường, chị em Duyên vẫn vui vẻ nô đùa. Những hôm mưa gió, bạt hàng nhỏ ướt nhẹp, ông Huy và chị lớn Mỹ Duyên phải cuống cuồng dọn trước khi những món đồ điện tử cũ chìm trong nước.
Âm thanh rè rè phát ra từ chiếc loa nhỏ cũng bị át đi bởi tiếng mưa, dòng người cứ thế vội vàng chạy qua như bỏ quên gánh hàng của ba cha con.
Trải qua buổi tối làm việc vất vả, khi hai con say giấc cũng là lúc ông Huy vừa trông chiếc xe cà tàng là cần câu cơm, vừa canh giấc ngủ cho con trong căn phòng hở trước trống sau. Ông chỉ gật gà ngoài hành lang, nhường cho hai con giấc ngủ thoải mái.
Có cái điện thoại cảm ứng cũ kỹ, rẻ tiền, ông hết xem phim lại chuyển sang thời sự, thức đến tận khi hai con gái dậy đi học. Đưa con đến lớp xong, ông mới tranh thủ ngủ 3 - 4 tiếng rồi lại dậy đi làm.
Những ngày lễ Tết, thấy hai cô bé không có quần áo đẹp, hàng xóm người cho cái quần người tặng cái áo, nên hai công chúa tự "biến hóa" cho nhau.
Lầm lũi bên đời mà thiếu mẹ bảo bọc là một điều thiệt thòi lớn so với những đứa trẻ đồng trang lứa khác, nhìn tay chân các bé lấm lem, cổ cũng quấn một lớp đất đen sì làm chúng tôi chạnh lòng.
Vừa làm cha vừa làm mẹ, người cha ấy tự nhận mình vụng về mọi thứ, chỉ biết làm mấy món đơn giản cho con ăn. Hàng xóm thương, thỉnh thoảng lại đem thịt, cá qua cho chị em Mỹ Duyên.
Món ruột của gia đình ba người là mì gói độn cơm, nhất là trong những ngày ông Huy bán buôn ế ẩm. Khi chúng tôi hỏi, Mỹ Duyên không than vãn lời nào, cô gái nhỏ nói mình ăn vậy quen rồi. Nhưng hỏi có thèm gì không, em lại kể ra một tràng: "Dạ con thèm gà chiên nước mắm, canh chua, thịt chiên...!".
Có những ngày ba bệnh, Mỹ Duyên và Mỹ Phương thay nhau đấm bóp và nhường chỗ cho ba nằm bên trong.
Hai cô bé ham học, thương ba
Đã có lúc Mỹ Duyên và Mỹ Phương không được đến trường vì một mình ông Huy không xoay xở nổi tiền học phí và sinh hoạt. Thời gian đó, hai bé ở nhà phụ ba bán hàng.
"Cũng may là có lớp học tình thương của CLB Lửa Việt do thầy Định, cô Như dạy đã giúp hai đứa tiếp tục được học chữ", ông Huy tâm sự.
Trong lớp, Mỹ Duyên lớn hơn so các bạn. Dù phải học chương trình của nhiều em nhỏ, Duyên lúc nào cũng chăm chú, được thầy cô kèm cặp tận tình. Hai cô gái nhỏ giờ đã rành mặt chữ, viết đẹp, luôn muốn "săn điểm 10" về khoe ba.
"Dạ, gần đây con hổng được điểm 9, 10 gì hết, có 8 điểm môn tiếng Việt thôi hà, nên giấu ba luôn. Chừng nào điểm cao mới khoe", cô gái nhỏ ngây thơ nói.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Như, dạy chị em Duyên, cho biết cả hai đều rất ham học. Đặc biệt Mỹ Duyên học rất nhanh môn toán, tiếng Việt cũng đọc trôi chảy.
"Nhiều lúc tôi thấy Duyên có vẻ buồn, hỏi ra mới biết em tự ti hoàn cảnh mình, khi đó tôi luôn động viên em phải cố gắng học mới lo được cho ba, cho em sau này", cô Như chia sẻ.
Thiếu mẹ bảo bọc, bản thân Duyên cũng phải cố cứng cỏi để đỡ đần và lo cho em khi ba đi làm. Nhưng khi nói chuyện bạn bè, đồ đẹp..., cô bé 12 tuổi ngân ngấn nước mắt!
Căn phòng quá nhỏ, không bàn, không ghế, hai cô bé kê sách lên đùi đọc, cặm cụi từng nét chữ nhỏ xinh trên nền nhà. Duyên nói em muốn mình sau này thành cô giáo, còn giờ em thích bán bánh mì.
"Dạ, tại con thấy bánh mình làm dễ với có tiền, con muốn bán để lo cho ba với em" - ánh mắt long lanh, Duyên kể ước mơ thật hồn nhiên.
Ông Huy trước đây mưu sinh bằng nghề chạy xích lô ở quận 4, sau khi dành dụm được đủ tiền thì "lên đời" xe ôm với chiếc Dream Trung Quốc. Ba mẹ ông Huy mất từ khi ông còn nhỏ xíu, nên ông chẳng có chút giấy tờ. Khi gặp mẹ Mỹ Duyên và Mỹ Phương, hai người mến tình nên duyên chỉ qua vài lời hứa hẹn.
Từ 2016, nghề xe ôm không chạy như trước, ông Huy bán đồ điện tử cũ vào buổi tối trên vỉa hè, sáng thì mót thêm phế liệu để bán.
Được sự giới thiệu của chi hội khuyến học khu phố, thầy Huỳnh Ngọc Định (chủ nhiệm CLB Lửa Việt) đã lập tức nhận chị em Mỹ Duyên, Mỹ Phương vào lớp học tình thương.
"Khi tôi biết trường hợp gia đình bé Duyên thì rất thương", thầy Định khen Mỹ Duyên tiếp thu bài nhanh. Ngoài dạy kiến thức phổ thông ở lớp học tình thương, Duyên còn được các thầy cô hỗ trợ suất ăn trưa, được giao lưu cùng bạn bè.
"Không chỉ Duyên mà đa phần các bạn không được đi học lại rất hiếu học. Mỗi khi nhìn các em hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh vất vả ngoài kia nhưng vẫn chăm nghe giảng là tôi lại rưng rưng", thầy Định bày tỏ.
Anh Hồ Văn Long, bí thư Đoàn phường Hòa Thạnh, cho biết có nắm thông tin trường hợp khó khăn của gia đình ông Huy. Đoàn phường đã hỗ trợ, phối hợp lớp học tình thương CLB Lửa Việt để Mỹ Duyên và Mỹ Phương học tập.
"Anh Huy và hai bé đều chưa có định danh cá nhân, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình học tập của hai bé cũng như công việc của anh Huy. Khi nắm được thông tin, UBND phường Hòa Thạnh đã chỉ đạo tiến hành lấy thông tin để hoàn thiện giấy tờ hợp lệ cho gia đình này", anh Long nói.
Về phía Đoàn phường cũng thường xuyên hỗ trợ, tổ chức nhiều chương trình không chỉ riêng cho Mỹ Duyên và Mỹ Phương mà còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận