Ông Dara Khosrowshahi, CEO Uber, đã chịu áp lực lớn khi phải tìm cách tăng doanh thu của ứng dụng taxi công nghệ. Trong đại dịch COVID-19, kinh tế xuống thấp đến mức nhiều người không muốn gọi taxi công nghệ.
Nhưng đó không phải vấn đề duy nhất. Uber cần nhiều tài xế hơn, đồng thời phải phân loại tài xế cẩn thận hơn sau khi nhận một loạt phàn nàn từ phía khách hàng.
Sau COVID-19, số lượng hành khách tăng nhanh và bùng nổ nhu cầu ship hàng. Sự thiếu hụt tài xế khiến giá cước và thời gian chờ tăng chóng mặt.
Chỉ tiền thôi không đủ
Ban đầu, Uber cho rằng, dùng tiền thưởng có thể giải quyết vấn đề. Tháng 4-2021, Uber chi 250 triệu USD tiền thưởng để thu hút các tài xế. Nhưng vì chi quá tay nên đến tháng 8, giá cổ phiếu Uber tụt giảm.
Vào tháng 9-2022, ông Khosrowshahi cho tăng giá cước xe Uber. Nhưng tài xế không chỉ muốn được trả cao hơn mà còn nhiều nhu cầu khác. Tiền thưởng chỉ là khoản bù đắp ngắn hạn.
CEO Khosrowshahi kết luận, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài xế của Uber là tự mình ngồi sau tay lái và trở thành tài xế taxi công nghệ.
Theo trang WSJ, ông đã mua một chiếc Tesla Model Y đã qua sử dụng với lớp sơn xám không nổi bật, chở những người có nhu cầu đi lại ở thành phố San Francisco (cũng là nơi đặt trụ sở của Uber) trong nhiều tháng dưới cái tên "Dave K.".
Cuộc đời tài xế taxi công nghệ của vị CEO không được suôn sẻ cho lắm. Khosrowshahi đã được trải nghiệm những nỗi khổ của tài xế và shipper.
Ông chật vật đăng ký làm tài xế. Sau khi thành công, ông hy vọng có thể nhận được tiền boa hậu hĩnh. Nhưng khách thường xuyên bùng tiền boa.
Ứng dụng Uber còn "trừng phạt" CEO vì đã từ chối một số chuyến nhất định. Giao diện ứng dụng rắc rối khiến người dùng nản lòng. Nói cách khác, ứng dụng rất tệ đối với người lái xe.
Sau vài tháng "vi hành", CEO Uber hiểu ra rằng tiền không giải quyết được mọi vấn đề. Công ty phải xây dựng ứng dụng tốt hơn và nhanh hơn đối thủ.
Gian nan làm tài xế, shipper
Trong quá trình "hành nghề", Khosrowshahi đã được trải nghiệm những vấn đề bị ta thán nhiều nhất, chụp lại ảnh, ghi lại lỗi cùng các giải pháp tiềm năng vào một file văn bản Google rồi gắn tên nhân viên bộ phận có liên quan vào. Trong đó bao gồm quy trình đăng ký trên ứng dụng, nạn bùng tiền tip, tài xế không thể xem trước điểm đón khách cũng như giá ước tính trước khi nhận chuyến, bị phạt vì từ chối chuyến...
Cái kết cho "chủ tịch" làm "nhân viên"
Sau vài tháng, tổng cộng Khosrowshahi đã thực hiện hơn 100 cuốc xe và được đánh giá 5 sao. Từ đó, ông đã đưa ra những cải cách quan trọng để kéo tài xế trở lại.
Nhiều tài xế cho biết họ đã nghỉ bên Lyft (đối thủ của Uber tại Mỹ) để chuyển sang Uber. Theo Data.ai, lượt tài xế tải app Uber ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2022 so với năm 2019. Trên toàn cầu, số lượng tài xế của Uber cũng tăng trở lại.
Ngoài CEO Khosrowshahi, một số lãnh đạo khác của Uber cũng tham gia vào chiến dịch này. Chẳng hạn giám đốc sản phẩm Sachin Kansal phát hiện bản đồ hơi khó đọc và đã cho nâng cấp tính năng, giúp tài xế tránh rẽ trái tại các giao lộ dễ có tai nạn, cũng như dễ đọc hơn dưới ánh nắng.
Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận của Uber vào năm 2022 cũng cao hơn các năm trước.
Chuyến vi hành dĩ nhiên không hoàn hảo và không thực sự đại diện hết cho những khó khăn mà một tài xế taxi công nghệ/shipper bình thường gặp phải. Chẳng hạn, CEO đã từ chối một số chuyến trong giờ cao điểm, nhưng tài xế bình thường không thể làm vậy bởi họ sẽ bị phạt rất nặng.
Tuy nhiên, ít nhất, chiến dịch "giám đốc giả dạng tài xế" cũng giúp tạo nên những thay đổi tích cực, sát với nhu cầu thực tế hơn là ngồi chỉ điểm ở trên bàn giấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận