Một nhân viên cây xăng ở quận 12 (TP.HCM) ra dấu 3 ngón tay, chỉ bán 30.000 đồng cho mỗi người vào ngày 17-2 - Ảnh: NGỌC HIỂN
Không ai có thể ngờ được rằng ngay giữa TP.HCM lại có cảnh kỳ kèo thêm bớt từng lít xăng. Nhân viên cây xăng giơ 3 ngón tay ý chỉ bán 30.000 đồng, khách hàng thì người giơ 5, kẻ giơ 7 ý muốn đổ nhiều hơn nhưng chẳng được. Có người đành chấp nhận, người quay đi, kẻ hậm hực cho rằng cây xăng "găm hàng".
Nói găm hàng cũng không sai bởi chính chủ cây xăng thừa nhận trong bồn vẫn còn xăng, gọi đầu mối vẫn có hàng nhưng cây xăng không mặn mà bán.
Chủ cây xăng than rằng tiền lời trên mỗi lít xăng xuống đáy, thậm chí âm. Bán ít đi là cách để cây xăng này giảm lỗ, chủ cây xăng biện minh đây là hình thức "khách hàng chia sẻ với cây xăng". Vậy khi lãi cao trên 1.000 đồng mỗi lít sao không thấy cây xăng chia sẻ với khách hàng?
Không ít cây xăng lại nói rằng họ chỉ bán lẻ khâu cuối trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp đầu mối xuất bao nhiêu họ bán bấy nhiêu, nghĩa là vấn đề không hẳn nằm tất cả ở cây xăng. Thực tế các đoàn kiểm tra cũng đã cho thấy thực trạng đó, nhiều cây xăng rỗng kho thật trong khi khó lấy được hàng từ các doanh nghiệp đầu mối.
Về phần mình, các doanh nghiệp đầu mối lại phân trần do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất gây sụt nguồn cung nhất thời, trong khi nhập khẩu không thể có ngay. Hơn nữa, nhập nhiều rủi ro càng lớn bởi giá dầu thế giới đang ở mức đỉnh, trong khi giá bán trong nước chưa theo kịp hoặc nếu rớt giá sẽ khiến doanh nghiệp lỗ.
Mặt khác, doanh nghiệp đầu mối cũng thừa nhận có tình trạng găm hàng, chờ tăng giá bởi xác suất cao là tại kỳ điều hành mới vào ngày 21-2, xăng dầu sẽ tăng giá. Bao trùm lên doanh nghiệp đầu vào lẫn đầu ra đều là câu chuyện kiếm lời, sợ lỗ.
Trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu hiện nay, những doanh nghiệp lớn (chiếm 90% thị phần) đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Còn với những doanh nghiệp đầu mối nhỏ không mặn mà cung ứng thời điểm này, tuy chiếm thị phần ít nhưng cũng gây tác động tiêu cực đến thị trường.
Cho dù thế nào, việc hạn chế nhập, hạn chế bán ra, thậm chí đóng cửa cây xăng để cắt lỗ là điều không thể chấp nhận được. Cây xăng bán hàng với định mức "3 ngón tay" là điển hình cho sự lộn xộn của một phần thị trường xăng dầu hiện nay.
Xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, việc bán đủ hàng cũng thể hiện trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng cây xăng. Không thể vin vào lý do lỗ để gây bất ổn cho thị trường năng lượng.
Cuối cùng, cơ quan quản lý cũng không thể vô can khi quy định về dự trữ xăng dầu bắt buộc đối với hệ thống phân phối phải tối thiểu bằng 20 ngày. Nếu tất cả các doanh nghiệp đều tuân thủ đúng quy định, dễ gì thiếu xăng dầu?
Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp đầu mối dự trữ bao nhiêu, đến nay cơ quan quản lý vẫn chưa công bố được con số một cách đầy đủ của gần 40 doanh nghiệp đầu mối này. Lẽ ra còn bao nhiêu, bán bao nhiêu phải là dữ liệu thực tế, ai găm hàng sẽ lòi ra ngay.
Lúc nước sôi lửa bỏng không thể chờ sự chủ động của doanh nghiệp mà phải có trong tay những công cụ, dữ liệu để xử lý ngay những doanh nghiệp cố ý găm hàng. Có như thế mới có thể tránh tái diễn những câu chuyện lạ đời trong kinh doanh xăng dầu như đã xảy ra những ngày qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận