16/03/2020 10:03 GMT+7

Câu chuyện tin giả ở các nước giữa mùa COVID-19

HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG ghi
HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG ghi

TTO - Dịch COVID-19 lây lan nhanh, cùng với đó tin giả cũng lan tràn. Bạn đọc người Ý, Pháp và Philippine chia sẻ với Tuổi Trẻ câu chuyện các quốc gia này đang đối diện với nạn tin giả giữa mùa dịch ra sao.

Câu chuyện tin giả ở các nước giữa mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Hai người dân chụp ảnh ở TP Milan (Ý) hôm 12-3 - Ảnh: AFP

ALFREDO (người Ý):

Tin đồn xuất hiện dày đặc

Trong lúc thế giới đang bối rối vì dịch bệnh COVID-19 và nước Ý chúng tôi đứng trước cuộc chiến căng thẳng với dịch bệnh thì thật đáng buồn, tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội xuất hiện dày đặc, phát tán những thông tin gây hoang mang về dịch bệnh.

Để kháng cự lại tin giả, cách tốt nhất là đặt câu hỏi. Bạn có thể thuận lợi hơn nếu được giáo dục đào tạo tới một trình độ để có thể phản biện, lý luận.

Alfredo

Chẳng hạn như hôm 11-3, trên Whatsapp xuất hiện tin đồn và được gửi cho rất nhiều người là trong đêm, chính quyền địa phương sẽ tiến hành khử trùng bằng trực thăng. Nghe có vẻ là tin tốt nhưng lại là tin thất thiệt.

Một số người tin ngay nhưng một số người khác thận trọng hơn, gọi điện hỏi tòa báo địa phương và trong đêm đó, tờ báo đăng tin đó chỉ là tin thất thiệt. Tôi được chia sẻ đoạn tin được cho là của một y tá nói về tình hình dịch bệnh và khẳng định tình hình rất nghiêm trọng, nhiều người chết mà không có sự hỗ trợ về y tế. Thật kinh khủng nhưng đây cũng là tin giả.

Khi xúc động, bất an, căng thẳng, lo lắng là lúc chúng ta dễ thành nạn nhân của tin giả. Động cơ của người phát tán những loại tin này chủ yếu là để trục lợi - lợi ích kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp. 

Nhiều người muốn trang mạng mình điều hành tăng lượt truy cập để kiếm tiền quảng cáo. Trong dịch bệnh COVID-19, có người phát tán tin, video giả ở Ý để kêu gọi quyên góp tiền bạc hoặc mua thiết bị bảo hộ cho cơ quan y tế, nhân viên y tế...

Ngoài ra, có những người phát tán tin giả vì háo danh, muốn nổi tiếng hoặc do bất cẩn.

Khi đọc tin trên mạng xã hội, tôi có thói quen kiểm tra nguồn. Hiện tại Ý chưa có luật trừng phạt những người phát tán tin giả. Khi dự luật này được trình năm 2017, nó bị phản ứng dữ dội. Tự do ngôn luận là tốt nhưng đó cũng là một vấn đề nếu người dùng không có ý thức.

Theo tôi, mạng xã hội đang dẫn đầu về phát tán các loại tin giả, nhưng vấn đề lớn hơn là nhiều người đọc không kiểm chứng mà cứ thế tiếp tục chia sẻ rộng rãi hơn. Không phải vào thời nay khi mạng xã hội phổ biến rộng rãi mới có tin giả. 

Lịch sử Ý năm 1920 từng ghi nhận tin giả xách động bạo lực, thù hận dẫn đến chiến tranh đẫm máu ở đất nước chúng tôi do các chính trị gia giật dây. Tin giả thực sự rất nguy hiểm nếu kích động đám đông, nhất là liên quan đến vấn đề quốc gia, dân tộc.

Ở Ý, có một số tổ chức phát hiện tin giả và đính chính chúng bằng cách xác thực với nguồn tin. Tuy nhiên, đáng tiếc là có những người để tình cảm chế ngự lý trí hoặc họ thích tin vào tin giả vì đó là những điều họ muốn tin. Ví dụ ở Ý, một người bài ngoại sâu sắc, không thích người di cư thì sẽ tin vào những loại tin giả nói xấu người di cư dù họ đủ khả năng kiểm chứng những tin tức thế này.

Để kháng cự tin giả, cách tốt nhất là đặt câu hỏi. Bạn có thể thuận lợi hơn nếu được giáo dục đào tạo tới một trình độ để có thể phản biện, lý luận. Tuy nhiên, gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc, va chạm với nhiều văn hóa và quan điểm khác nhau cũng rất có ích vì giúp chúng ta thói quen mở mang đầu óc, chấp nhận sự khác biệt.

Raphael Galuz (người Pháp):

Giáo dục để nâng cao nhận thức người sử dụng mạng xã hội

Ở Pháp, tin giả phổ biến với sự phát triển của mạng xã hội. Thậm chí, nhiều cuộc thăm dò cho thấy người Pháp ngày nay tin tưởng thông tin trên mạng xã hội hơn so với các phương tiện truyền thông truyền thống. Điều này khá lo ngại vì các mạng xã hội không có bộ lọc để lọc những gì được đăng từ những người không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Chúng tôi có luật chống tin giả nhưng có vẻ cũng còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan.

Câu chuyện tin giả ở các nước giữa mùa COVID-19 - Ảnh 3.

Công an làm việc với người tung tin lên Facebook về việc có người ở phố Trúc Bạch (Hà Nội) trốn cách ly - Ảnh do công an cung cấp

Tôi cho rằng các biện pháp cưỡng chế sẽ khó thay đổi được tư duy và tâm hồn con người ta, mà đó là công tác giáo dục (trong trường học chẳng hạn) để mọi người có nhận thức về tin giả, đặc biệt là khi thế hệ trẻ đang sử dụng mạng xã hội rất nhiều và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ những tin giả đó.

Vì vậy, để ngăn chặn tin giả, tất nhiên chúng ta nên có hình phạt cho những người lan truyền tin giả. Tuy nhiên đi kèm theo đó phải là giáo dục để ngăn chặn chuyện đó tiếp tục xảy ra, đồng thời giải thích tại sao hành động đó lại nguy hiểm, chứ không chỉ có hình phạt.

Tôi nghĩ nhà trường hay các công ty có thể dạy cho học sinh/nhân viên của mình về việc kiểm tra lại thông tin để chống tin giả. Hãy nâng cao nhận thức của công chúng rằng những gì họ đọc có thể không thật sự chính xác, chỉ cho họ cách so sánh nhiều nguồn khác nhau để xem thông tin đó có đúng hay không. Nếu người ta chú ý hơn về điều đó, họ có thể nhận định được cái nào là tin giả và không lan truyền nó. 

John Bararong (người Philippines):

Người đọc cần tỉnh táo

Tin giả không phải ngày nay mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu. Trước khi mạng xã hội xuất hiện, tin giả thường được thấy trên các tờ tạp chí lá cải hay dưới hình thức lời đồn. Trong nhiều trường hợp, ngay cả những tờ báo chính thống cũng chọn một góc nhìn và cách kể chuyện "dễ gây hiểu lầm" để câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. 

Nhìn chung, bất kỳ khi nào tiếp nhận thông tin, chúng ta đều phải cẩn trọng và cần phải suy nghĩ thấu đáo. Do vậy để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần nhờ sự giúp đỡ của luật pháp, mà còn cần sự cẩn trọng và suy nghĩ thấu đáo của người tiếp nhận thông tin.

Dù tin giả không phải là một vấn đề mới trong xã hội nhưng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn nhờ mạng xã hội. Với mạng xã hội và sự thông dụng của mạng Internet hiện nay, việc tạo ra và lan truyền tin tức giả trở nên quá dễ dàng. 

Trước đây, để tạo ra và lan truyền tin giả đến tai mọi người phải tốn một khoảng thời gian dài và không ít tiền của. Tuy nhiên hiện nay ai cũng có thể chia sẻ góc nhìn, quan điểm, thậm chí thông tin sai lệch với cả thế giới nhờ vào mạng Internet.

Nước tôi không có mức phạt hành chính đối với tin giả, tin sai sự thật, mà sử dụng hệ thống "tự quản lý lẫn nhau". Trong đó, báo chí và các kênh thông tin truyền thống như tivi và radio giáo dục người dân về tin giả, cũng như thông tin cho bạn đọc biết về những tin giả đang được đọc nhiều trên các mạng xã hội lớn như Facebook hay Instagram. 

Như vậy, dù các kênh báo chí chính thống không thể lan truyền thông tin nhanh như mạng xã hội, nhưng sẽ lại nhận được sự tín nhiệm của người dân. Cho đến nay, tôi cho rằng hệ thống này khá hiệu quả ở nước tôi.

Mặc dù hệ thống xử phạt không phải một ý tồi, nhưng sẽ rất khó để chính quyền có thể xử phạt toàn bộ các thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội. Chính vì vậy mỗi người phải có trách nhiệm tự bảo vệ bản thân. 

Sự tỉnh táo trong lúc đọc và tiếp nhận thông tin là một thói quen cần được xây dựng. Tôi tin rằng chỉ một vài năm nữa khi người Việt đã cùng chung sống với mạng Internet một thời gian đủ dài và nhiều người dần trở thành nạn nhân, hoặc lâm vào những tình huống bất lợi vì đọc phải tin giả, họ sẽ học được tính kiên trì trong khi chờ đợi nguồn tin đáng tin cậy.


Ronaldo hiến khách sạn làm bệnh viện chữa COVID-19 là tin giả? Ronaldo hiến khách sạn làm bệnh viện chữa COVID-19 là tin giả?

TTO - Từ tối 14-3, truyền thông quốc tế xôn xao với thông tin Cristiano Ronaldo quyết định biến khách sạn sang trọng do mình sở hữu ở Bồ Đào Nha thành bệnh viện phục vụ chữa trị COVID-19. Tuy nhiên, dường như thông tin này là thiếu chính xác.

HỒNG VÂN - HÀ MY - NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên