07/03/2020 12:10 GMT+7

Cầu bộ hành: Vẫn cần xây thêm nhiều

TRẦN VĂN TƯỜNG  (kỹ sư cầu đường)
TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư cầu đường)

TTO - Có nhiều nguyên nhân người đi bộ từ chối cầu bộ hành. Có những cầu bộ hành ở vị trí chưa phù hợp, nhưng nhu cầu là có thực và vẫn cần xây thêm nhiều.

Cầu bộ hành: Vẫn cần xây thêm nhiều - Ảnh 1.

Cầu bộ hành tại ngã tư Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị xuống cấp và gỉ sét - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chẳng hạn như cầu số 1 trên đường Phạm Văn Đồng (Gò Vấp) đã không được xây gần nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (nơi đông người cần qua đường), lại bố trí cách đó gần 1km. Ai muốn qua đường phải đi bộ một đoạn hình chữ U gần 2km.

Hay như chuyện trên đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh), cầu bộ hành Văn Thánh bao năm vắng người trong khi cùng trên đường này, nơi gần 4 trường đại học, đông người qua lại lại không có cầu. 

Tôi từng được tham gia khảo sát và thiết kế, xác định mật độ giao thông, chọn vị trí làm cầu bộ hành, không ít lần thấy người dân có nhà mặt tiền ở đó phản ứng gay gắt vì họ muốn chiếm giữ, tận dụng vỉa hè trước nhà để tiện mua bán, cho thuê mặt bằng. 

Nhiều vụ chính quyền địa phương thuyết phục cũng không có kết quả. Và nhiều cầu bộ hành đã phải điều chỉnh vị trí so với đề xuất ban đầu.

TP.HCM ước tính có hơn 13 triệu người, xe cộ dày đặc, hiện chỉ có 33 cầu bộ hành, rất thiếu so với nhu cầu thực tế. 

Nhiều trục đường có mặt cắt ngang khá lớn, nhiều xe, nguy hiểm luôn rình rập người đi bộ băng qua đường. Điển hình như trục đường Trường Chinh, quốc lộ 22, Ba Tháng Hai, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ đoạn trước Trường đại học Công nghệ và Hồng Bàng, quốc lộ 1 đoạn thuộc địa bàn quận Thủ Đức... 

Và vẫn còn rất nhiều tuyến đường khác cần cầu bộ hành như Kinh Dương Vương, An Dương Vương, xa lộ Hà Nội đoạn có các nhà ga metro.

Cầu bộ hành là nhu cầu có thực, nên phát triển thêm và khắc phục những tồn tại. Ở khu vực gần cầu bộ hành, cơ quan chức năng có thể lắp đặt dải phân cách cao, trồng cây xanh và làm hàng rào sắt trên tuyến đường rộng để hạn chế chuyện băng qua đường. Cầu bộ hành tại các bệnh viện nên có thêm đường dẫn bên trong nhằm thuận lợi cho người nhà bệnh nhân.

Cầu bộ hành chỉ phù hợp với nơi mặt đường rộng. Cần thêm cầu ở những vị trí thích hợp (trường học, bệnh viện, khu dân cư, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí). 

Thời gian qua, phần lớn cầu bộ hành được xây dựng bằng vốn ngân sách, thấp nhất cũng vài tỉ, nhiều thì hàng chục tỉ đồng. Nên thay đổi cách thức đầu tư cầu bộ hành theo hướng xã hội hóa, thu phí quảng cáo đổi kinh phí làm thêm cầu bộ hành.

Cầu bộ hành: cách nào Cầu bộ hành: cách nào 'thoát ế'?

TTO - Những chiếc cầu bộ hành chắc sẽ còn ế ẩm lâu dài khi phần đông người dân vẫn cứ theo thói quen "đi ngang về tắt" ngoài đường.

TRẦN VĂN TƯỜNG (kỹ sư cầu đường)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên