04/03/2020 10:22 GMT+7

Mấy chục cầu bộ hành tiền tỉ, dân cứ băng ngang qua đường bất chấp nguy hiểm

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Nhiều cầu bộ hành trên địa bàn TP.HCM được chi hàng tỉ đồng để xây dựng. Thế nhưng cầu xây xong người dân không sử dụng, vẫn băng ngang dưới lòng đường, bất chấp nguy hiểm, rủi ro.

Mấy chục cầu bộ hành tiền tỉ, dân cứ băng ngang qua đường bất chấp nguy hiểm  - Ảnh 1.

Người đi bộ vô tư đi cắt ngang đường mặc dù gần đó có cầu bộ hành Nguyễn Tri Phương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Thậm chí rất nhiều bạn đọc còn phản ảnh một số cầu bộ hành ít được sử dụng đã trở thành nơi tụ tập ăn uống, xả rác, ngủ qua đêm hoặc nơi tiêm chích ma túy của không ít người.

Cầu bộ hành nhếch nhác

Ghi nhận nhiều ngày trên địa bàn TP, chúng tôi nhận thấy rất nhiều cầu bộ hành lớn nhỏ trước các bệnh viện, công viên... rơi vào tình trạng vắng vẻ, ít người qua lại. 

Cụ thể, cầu bộ hành trước Bệnh viện Từ Dũ (Q.1), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5), cầu bộ hành số 2 tuyến Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh), cầu bộ hành ngã tư Gò Dưa (Q.Thủ Đức)... đều có rất ít người đi lại dù tầm 7h sáng là giờ cao điểm tại các bệnh viện, lượng người đi bộ rất đông đúc.

Hơn 30 phút quan sát tại cầu bộ hành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, chúng tôi ghi nhận chỉ vài người nhà bệnh nhân, y bác sĩ đi qua cầu. Trong khi đó, gần ngay dưới gầm cầu, dòng người thăm nuôi bệnh, khám bệnh đua nhau băng ngang qua đường, bất chấp xe cộ lưu thông như mắc cửi. 

Khi được hỏi vì sao không đi trên cầu bộ hành mà băng ngang đường, một số người đi bộ cho rằng đi cầu vượt phải leo trèo vất vả, hơn nữa trên cầu lại vắng nên rất sợ cướp giật. 

"Băng ngang qua đường vừa nhanh vừa không sợ kẻ xấu lợi dụng nơi vắng vẻ để hành sự" - một người đi bộ nêu lý do.

Còn tại cầu bộ hành số 2 tuyến đường Phạm Văn Đồng cả ngày không một bóng người đi lại. Cây cầu này được xây dựng khang trang nhưng đã không đáp ứng được mục đích dành cho người đi bộ qua lại. 

Thay vào đó, những người dân trong khu vực cho biết khi trời tối, cây cầu này lại trở thành chỗ ngủ cho nhiều người vô gia cư. Còn ban ngày cầu vắng nên người dân sống quanh đó đã tận dụng làm chỗ phơi đồ.

Tương tự, ghi nhận tại cầu bộ hành ngã tư Gò Dưa gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng chỉ đếm được khoảng chục người đi qua cầu. 

Trên cầu rác rến vứt bừa bãi, nhếch nhác. Qua nhiều năm xây dựng, cây cầu này đã xuống cấp, các bậc thang, tay vịn lên cầu đã bong tróc, gỉ sét. 

Không chỉ vậy, nhiều đoạn gạch nền vỡ bong ra, người đi bộ không cẩn thận có thể bị vấp ngã. Vào ban đêm, cây cầu cũng dần trở thành nơi tụ tập của nhiều người ăn xin, thậm chí một số con nghiện lấy nơi đây làm tụ điểm tiêm chích.

Chị Trương Thị Hoa - người dân ở gần ngã tư Gò Dưa - cho biết cây cầu xây dựng đã nhiều năm nay nhưng rất ít người đi lại trên cầu. 

Thay vào đó, đa số người dân chọn cách băng ngang qua đường, leo qua các barie để đi nhanh hơn. 

"Nhiều hôm, cứ gần khuya, 5-7 người xuất hiện trên cầu vượt này mở nhạc ầm ĩ, nhậu nhẹt, có khi tiêm chích ma túy... Khi trời sáng, những người này rời đi để lại đầy rác, thậm chí cả kim tiêm. 

Người dân chúng tôi sống ở đây rất mong các cơ quan chức năng có thể cải tạo, nâng cấp cây cầu, khuyến khích người dân đi lại để tránh lãng phí. Công an địa phương nên cử người tuần tra, giải tán những nhóm người thường xuyên tụ tập trên cầu để hạn chế phát sinh tệ nạn xã hội", chị Hoa nói.

Cần lắp camera để quản lý

Chia sẻ về những vấn đề trên, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP.HCM cho biết ngành giao thông TP triển khai xây dựng nhiều cầu vượt bộ hành nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. 

Từ đó đảm bảo an toàn cho người dân trong việc đi lại tại các giao lộ, cổng các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bệnh viện, khu du lịch... Thế nhưng hiện việc khai thác các cầu này chưa hiệu quả.

Ông Phạm Minh Hải - phó giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TP - cho hay sẽ rà soát lại hệ thống các cầu bộ hành trên địa bàn TP. Đối với các cầu bộ hành bị xuống cấp, nhếch nhác sẽ được quét dọn vệ sinh mặt cầu, hành lang cầu thường xuyên hơn. 

Đơn vị cũng sẽ cung cấp thông tin đến chính quyền địa phương để xử lý hành vi lấn chiếm, xả rác thải, tụ tập... trên các cây cầu. 

"Những vị trí cầu bộ hành nào gần bệnh viện, trường học sẽ lắp đặt mái che, bố trí mảng xanh, tăng cường chiếu sáng vào ban đêm cho người dân an tâm đi lại" - ông Hải nói.

Ngoài ra, theo ông Hải, trung tâm sẽ nghiên cứu đề xuất các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương lắp đặt camera trên cầu bộ hành để tiện quan sát, sớm phát hiện các vấn đề để kịp thời xử lý, tạo sự yên tâm cho người dân. 

Tuy nhiên, ông Hải đề nghị chính quyền địa phương cần tăng cường thông tin, khuyến cáo, đề nghị người dân sử dụng cầu bộ hành.

Chia sẻ thêm, TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông Việt Đức - cho rằng việc xây dựng các cây cầu vượt ở khu vực đông người là rất cần thiết. 

Tuy nhiên, người dân vẫn còn mang nặng tâm lý "đi ngang về tắt", miễn sao nhanh và đỡ tốn sức nên dẫn đến tình trạng cầu bộ hành bị "bỏ hoang" lãng phí. 

Việc chọn cách đi bộ băng ngang đường gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho chính người đi đường và người khác. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm hình thức khuyến khích người dân sử dụng, có biển báo yêu cầu người dân đi lên cầu bộ hành. 

Thậm chí có thể nghiên cứu chế tài người đi bộ băng ngang qua đường ở khu vực có cầu bộ hành, không có vạch dành cho người đi bộ.

Người đi bộ băng ngang đường sai quy định sẽ bị phạt

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP.HCM - cho biết theo nghị định 100/2019/NĐ-CP, các trường hợp người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt tiền 60.000-100.000 đồng/trường hợp.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, từ trước đến nay lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, ít thực hiện xử phạt người đi bộ băng ngang đường. Chính điều này tạo tâm lý chủ quan, người dân chưa có ý thức chấp hành.

Do đó, Ban An toàn giao thông TP đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi này.

Đặc biệt, phải lưu ý xử lý người đi bộ băng ngang đường ở các khu vực trường học, bệnh viện... có cầu bộ hành nhưng người dân không đi.

Ngoài ra, thời gian tới Ban An toàn giao thông TP sẽ có kế hoạch tuyên truyền, vận động nhắc nhở người dân đi đúng quy định, khuyến khích sử dụng cầu bộ hành để đảm bảo an toàn, không gây cản trở giao thông.

21/33 cầu bộ hành người dân ít sử dụng

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện trên toàn TP có 33 cầu bộ hành phục vụ người dân đi lại. Trong đó có 12 cầu bộ hành người dân thường xuyên đi lại, khai thác hiệu quả, còn 21 cầu ít được người dân sử dụng.

Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết đang cùng với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ rà soát, có kế hoạch khai thác các cầu bộ hành hiệu quả hơn. Cũng theo Sở GTVT TP, các đơn vị đang triển khai xây thêm 7 cầu bộ hành trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh), tuyến quốc lộ 1 (Q.Thủ Đức).

TP.HCM xây 10 cầu vượt bộ hành trên xa lộ Hà Nội nối các ga metro TP.HCM xây 10 cầu vượt bộ hành trên xa lộ Hà Nội nối các ga metro

TTO - 10 cầu vượt bộ hành sẽ được xây dựng qua trục đường xa lộ Hà Nội và Điện Biên Phủ, tạo thuận lợi và an toàn cho người dân đến các nhà ga metro.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên