25/07/2019 06:46 GMT+7

Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Những gì bạn sắp đọc là chuyện hoàn toàn sự thật: hành trình của cậu bé gánh muối thuê đến giảng đường và buổi bảo vệ luận án tiến sĩ xuất sắc ở Pháp.

Tôi gánh muối thuê vào ban ngày và tự học vào ban đêm dưới ánh đèn dầu. Không có sách, tôi mượn vở của người học trước. Không có giấy, tôi ghi chép trên mặt sau tập phiếu xuất kho cũ của người chị họ cho.

TRƯỜNG LÂN

Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ - Ảnh 2.

Tác giả khi còn trẻ - Ảnh: NVCC

...Cảm thấy đau vai, tôi đặt gánh muối xuống nghỉ. Tôi vẫn chưa thể đổi vai dù đã gánh được một tháng. Nhiều năm đã qua, tôi vẫn nhớ cảm giác này khi mở lại trang nhật ký đời mình.

Gánh muối và đường đến Pháp

Tháng 10-1979

Vai phải tôi đã nổi cục chai. Cục chai ấy lớn dần theo số muối tôi gánh dù tôi chưa bao giờ để ý, trừ hai lần - lần đầu khi bạn gái hỏi và lần thứ hai vào hai mươi bảy năm sau...

Nhớ ngày gánh thuê đầu tiên, vai phải tôi phồng rộp, đau nhức không ngủ được. Mẹ tôi khóc nghẹn vì đứa con 15 tuổi ốm yếu và hậu đậu của bà phải kiếm sống ở tuổi vị thành niên, hơn nữa lại làm cái nghề mà láng giềng dè bỉu.

Tôi lớn lên ở xóm chài ven biển ấp Đức Thắng, thị xã Phan Thiết (chưa là thành phố như ngày nay). Nhà tôi nghèo như loài còng gió đào hang trong cát, kiếm thức ăn phù du theo con nước lớn, ròng và lênh đênh theo dòng đời vô định.

Ba má tôi tảo tần, tằn tiện nuôi anh em tôi ăn học với ước mơ các con biết chữ, biết đạo làm người và có nghề đủ sống.

Tôi lại đặt gánh lên sau khi vuốt nhẹ vai áo mà mẹ tôi đã thức đêm để vá. Đường vẫn còn xa. Bên kia cầu, học sinh tan trường đang lũ lượt về nhà, trong đó có nhiều bạn từng chung lớp, từng nhờ tôi chỉ bài.

Năm học mới đã bắt đầu hơn một tháng, và tôi đang ở đây trong khi bạn bè đến trường. Chính khoảnh khắc này đã làm thay đổi đời tôi.

Hít một hơi thật dài, tôi tiếp tục gánh. Tôi muốn đi học. Đường vẫn còn xa, xa lắm, nhưng dù thế nào tôi cũng sẽ đi học.

Tháng 12-2006

Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ diễn ra vào một chiều cuối năm ở thành phố Grenoble, trên dãy Alpes ở miền đông nam Cộng hòa Pháp, nơi có Đại học Joseph Fourier nổi tiếng.

Bên ngoài, nhiệt kế chỉ ba độ dưới không. Tuyết lặng lẽ rơi trên những hàng tiêu huyền trụi lá, trơ cành xương xẩu. Trong phòng, không khí nóng lên vì cứ vài phút lại có người bước vào và câu hỏi đặt ra cho nghiên cứu sinh càng lúc càng khó.

Tôi đứng trước máy tính, bên cạnh màn hình lớn và lần lượt trả lời từng câu hỏi của hội đồng. Có một câu rất khó, khi tôi chưa kịp trả lời, chủ tịch hội đồng đã nêu câu hỏi khác. Vừa trả lời câu hỏi mới, tôi vừa phải tìm cách giải quyết câu hỏi cũ.

Tất cả bỗng ùa về trong đầu tôi: chiếc gánh trĩu nặng trên vai ngày xưa và niềm khao khát đến trường; tiếng khóc không thành lời của mẹ và hình ảnh xóm chài quê hương; lời thì thầm của biển và tiếng sóng vỗ bờ cùng những con còng gió...

Trả lời xong câu hỏi cuối cùng, tôi xin phép quay lại giải quyết câu hỏi trước và được chấp thuận. Kết thúc phần trả lời, tôi nhìn thấy chủ tịch hội đồng mỉm cười và khán phòng đã đông nghẹt.

Sau phiên họp kín, chủ tịch hội đồng tuyên bố nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tin với xếp loại "xuất sắc cộng với lời khen của hội đồng" - xếp loại cao nhất ở Pháp thời đó.

Gửi lời cảm ơn đến mọi người, tôi nói rằng học vị tiến sĩ không phải là mục đích cuối cùng, mà chỉ là khởi đầu cuộc viễn du trong thế giới khoa học bao la, nơi tôi chỉ là một phần rất nhỏ...

Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ - Ảnh 3.

Tác giả (hàng đầu, thứ tám từ trái qua) tại lễ tốt nghiệp khóa quản trị giáo dục 1996-1997 ở CIEP (Paris, Pháp) - Ảnh: NVCC

Tôi vẫn muốn là chú bé 15 tuổi

Tháng 8-1979

Hôm nay, Trường Phan Bội Châu niêm yết kết quả thi tuyển vào lớp 10. Bên phải tên thí sinh là điểm thi và chữ Đ hoặc H, tương ứng với kết quả đỗ hoặc hỏng. Tôi đạt điểm cao nhất trong hơn tám trăm thí sinh dự tuyển.

Cạnh điểm thi của tôi, ai đó đã dùng bút đỏ gạch chữ Đ, thêm vào hai chữ xét lại và chữ ký mà chẳng buồn ghi rõ họ tên.

Vì sao xét lại, xét lại cái gì, như thế nào và đến bao giờ? Trường không nêu thêm thông tin nào khác, chỉ có hai chữ xét lại lạc loài trong rừng kết quả gồm đỗ hoặc hỏng.

Ban đầu, tôi tưởng mình đọc sai. Sau khi xem lại cẩn thận, tôi nghĩ chắc trường ghi nhầm và sẽ điều chỉnh ngay lập tức. Cho đến khi tiếng xì xào vang lên xung quanh, tôi mới hiểu rằng mình chưa đỗ.

Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác ấy. Trong một khoảnh khắc dài như vô tận, tôi đi từ ngạc nhiên đến xấu hổ rồi tủi thân, chán nản và cuối cùng là trống rỗng. Tôi cúi xuống, lẳng lặng bước đi mà không nhớ đã về nhà như thế nào và nói với cha mẹ ra sao.

Cha mẹ, các em và tôi đã mỏi mòn chờ kết quả xét lại trong lo âu lẫn hi vọng. Một ngày, một tuần, một tháng, rồi một năm trôi qua vẫn không có thông tin nào khác.

Mẹ ngã bệnh! Cha vắng nhà. Tôi đi làm nuôi gia đình. Từ một học sinh hoạt bát, tự tin, tôi trở thành người gánh thuê trầm lặng, rụt rè nhưng vẫn mơ ngày trở lại mái trường.

Sau này, tôi hiểu mình đã trải qua kỳ thi trong tình cảnh đất nước vẫn còn nặng nề về lý lịch.

Giữa tháng 10-1979 và tháng 12-2006

Tôi gánh muối thuê vào ban ngày và tự học vào ban đêm dưới ánh đèn dầu. Không có sách, tôi mượn vở của người học trước. Không có giấy, tôi ghi chép trên mặt sau tập phiếu xuất kho cũ của người chị họ cho. Năm sau, tôi thi lại vào lớp 10 và trúng tuyển.

Trong hai mươi bảy năm này, tôi còn gặp nhiều trở ngại tương tự như kỳ thi vào lớp 10 lần đầu. Một năm gánh thuê và chờ đợi đã giúp tôi biết yêu người nghèo, biết quý thời gian, biết đứng dậy sau thất bại và luôn khát khao học tập.

Sau rất nhiều thăng trầm, tôi đã bảo vệ luận văn thạc sĩ với số điểm tuyệt đối và nhận được học bổng của AUF (Tổ chức đại học Pháp ngữ) để làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Pháp.

Cậu bé gánh muối và ông tiến sĩ - Ảnh 4.

Tác giả (đứng) tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Phan Thiết - Ảnh: NVCC

Năm 2019

Dù tham gia giảng dạy nhiều nơi, tôi vẫn sống và làm việc ở xóm chài quê hương. Có lẽ vì tôi thích ăn bốc cơm nguội với cá khô nướng - món ăn dân dã nhưng hấp dẫn của những tháng năm nghèo khổ mà tôi luôn hoài niệm trong ba năm làm nghiên cứu sinh tại đất nước của Victor Hugo.

Có lẽ vì tôi nghĩ đến những người dân nghèo duyên hải rụt rè bỏ dép, bước lên nền gạch hoa của công sở với bàn chân trần cháy nắng, lấm lem cát biển. Có lẽ vì tôi nhớ lại ước mơ mãnh liệt của đứa trẻ nghèo muốn đi học nhưng phải đứng nhìn bạn mình cắp sách đến trường...

Giờ đây, khi đã bước qua tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", tôi vẫn luôn khát khao học tập và nhìn đời bằng cặp mắt hồn nhiên của chú bé 15 tuổi, không lùi bước trước khó khăn dù đường vẫn còn xa, xa lắm: Chỉ muốn làm mây trắng/Bay cho chiều bình yên (Trần Đăng Khoa).

Cục chai trên vai tôi

Ngài viện trưởng thân mật vỗ vai và mời tôi gia nhập đội ngũ cộng sự của ông ở Pháp. Nếu nhận lời, tôi biết mình sẽ có dịp thăm Paris vào ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ mát ở Địa Trung Hải vào mùa hè hay trượt tuyết ở Grenoble vào mùa đông.

Cái vỗ vai cũng làm tôi nhận ra sự hiện hữu của cục chai hai mươi bảy năm trước, làm tôi nhớ lại thời niên thiếu nghèo khổ, nhớ lại ước mơ được đến trường và khoảnh khắc thay đổi đời mình.

64934139_1127083360811444_8185015653837570048_n

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi viết KHOẢNH KHẮC THAY ĐỔI ĐỜI TÔI lần 2 năm 2019

* Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi qua email.

* Độ dài: 1.000 - 1.700 chữ.

* Tiêu chí: Câu chuyện CÓ THẬT của chính người dự thi. Khoảnh khắc có tính bước ngoặt trong đời, có cú hích với bản thân, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động người đọc.

Bài chưa đăng báo và mạng xã hội.

Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm: Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn, Tuổi Trẻ Video Online, fanpage Tuổi Trẻ.

Bài được chọn đăng, Tuổi Trẻ có quyền tiến hành xác minh, biên tập và giữ bản quyền.

Bài đã gửi, ban tổ chức sẽ không trả lại.

* Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam (trong và ngoài nước). Các phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ không dự thi.

Mỗi tác giả gửi tối đa hai (02) bài.

* Giải thưởng: 1 giải nhất: 30 triệu đồng; 1 giải nhì: 20 triệu đồng; 1 giải ba: 10 triệu đồng; 10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng.

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi: từ ngày 21-6-2019. Kết thúc nhận bài: ngày 21-12-2019 và tổ chức trao thưởng vào tháng 1-2020.

Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Bài dự thi gửi về địa chỉ: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.

Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

logo hdbank

Que thử thai hiện lên hai vạch thiên thần, nước mắt tôi lăn dài trên má Que thử thai hiện lên hai vạch thiên thần, nước mắt tôi lăn dài trên má

TTO - Khoảnh khắc que thử thai báo 'hai vạch' - que thứ mấy chục mà tôi đã dùng nhưng là cái đầu tiên báo 'hai vạch' - khiến trái tim tôi dường như ngừng đập và ngay sau đó lại nghi ngờ, lo sợ que thử bị sai.

TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên