10/02/2023 19:21 GMT+7

Cáp quang quốc tế chập chờn, doanh nghiệp Việt quyết tâm tự làm kết nối mới

Số tuyến cáp quang biển Internet kết nối đi quốc tế của Việt Nam đến năm 2025 sẽ tăng lên gấp đôi hiện nay, giúp Việt Nam có cơ hội trở thành hub kết nối đi quốc tế.

Cáp quang quốc tế chập chờn, doanh nghiệp Việt quyết tâm tự làm kết nối mới - Ảnh 1.

Trong năm 2023, Việt Nam sẽ có thêm các tuyến cáp quang kết nối Internet quốc tế do các tập đoàn VNPT, Viettel và CMC đầu tư xây dựng - Ảnh: T. H

Đại diện nhà mạng Viettel cho biết trước mắt Viettel sẽ chia sẻ dung lượng 100G để hỗ trợ cho VNPT ứng cứu sự cố, đảm bảo kết nối Internet đi quốc tế. Viettel sẽ tiếp tục hỗ trợ VNPT mở thêm dung lượng kết nối đi quốc tế.

Đây là giải pháp hàng đầu được Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp thống nhất triển khai nhằm khắc phục tình trạng nghẽn mạng từ đêm nay 10-2.

Theo đó, các nhà mạng sẽ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mở thêm dung lượng trên đất liền và chia sẻ dung lượng đi quốc tế với nhau để đảm bảo kết nối của Việt Nam đi quốc tế, phục vụ người dùng được tốt hơn trong khi các tuyến cáp chưa được khắc phục.

Ông Nguyễn Hồng Thắng - cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp chia sẻ dung lượng quốc tế cho nhau khi nhiều tuyến cáp quang biển gặp sự cố.

Giải pháp này được đưa ra sau cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền thông với đại diện các nhà mạng do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì.

Đặc biệt, ngoài việc xử lý khắc phục hậu quả sự cố, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông có giải pháp dài hơi hơn cho các tình huống tương tự

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, đồng thời thúc đẩy nhanh thêm các tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm vai trò dẫn dắt, làm chủ của Việt Nam. 

Trong bất kỳ phương án nào, dù có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải bảo đảm giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến mới.

Trao đổi với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Khi mà các tuyến cáp quang biển kết nối đi Hong Kong và Singapore gặp nhiều khó khăn thì chúng ta lại nhìn thấy cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế. Hiện nay với công nghệ và dung lượng tăng mạnh cũng là cơ hội cho Việt Nam mở các tuyến cáp quang biển mới".

Tại cuộc họp này, đại diện các doanh nghiệp viễn thông cũng đồng tình với định hướng của bộ trưởng: khi hướng đi Hong Kong và Singapore đang khó khăn là cơ hội để Việt Nam trở thành hub kết nối đi quốc tế.

Được biết, ngay trong năm 2023 sẽ có thêm ba tuyến kết nối Internet đi quốc tế mới từ việc VNPT và Viettel đã tham gia xây dựng tuyến ABC, SJC 2 cập bờ Quy Nhơn sẽ hoàn thành trong năm nay. Bên cạnh đó, Tập đoàn CMC sẽ xây dựng một tuyến cáp quang biển mới trong năm 2023.

Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có tối thiểu 10 tuyến cáp quang biển đi quốc tế, gấp đôi so với hiện nay.

Hơn một tháng rưỡi nữa mới sửa cáp quang biển, Internet tiếp tục rùa bòHơn một tháng rưỡi nữa mới sửa cáp quang biển, Internet tiếp tục rùa bò

Lỗi trên tuyến cáp quang biển APG dự kiến sẽ được sửa từ ngày 22-3 đến 9-4; lỗi trên tuyến AAG được sửa từ ngày 30-3 đến 4-4-2023; lỗi trên tuyến IA chưa rõ thời gian sửa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên