02/01/2023 08:45 GMT+7

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét

Tối 2-1, lực lượng cứu hộ đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét. Theo kế hoạch, trong đêm nay sẽ tiếp tục khoan sâu và làm mềm thêm 5m đất còn lại để đưa trụ bê tông sâu 35m lên, phấn đấu đưa trước sáng mai 3-1.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 1.

ông Lê Hoàng Bảo - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp trả lời báo chí tối 2-1 - Ảnh: MINH KHANG

 Tối 2-1, ông Lê Hoàng Bảo - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp - cho biết đến thời điểm này, lực lượng cứu nạn, cứu hộ tỉnh Đồng Tháp đã khoan làm mềm đất đến 30/35m chiều dài trụ bê tông.  

Theo kế hoạch, trong đêm nay sẽ tiếp tục khoan sâu và làm mềm thêm 5m đất còn lại để đưa trụ bê tông lên, phấn đấu đưa trước sáng mai 3-1. 

“Tụi tui làm rất cực lực, kế hoạch đưa ra như thế nhưng còn phụ thuộc vào điều kiện, địa chất, địa tầng, quan trọng nhất là đất. Đặc biệt là điều kiện, thiết bị do phải điều động từ xa đến nên phụ thuộc vào yếu tố này rất nhiều, dẫn đến chậm. 

Đến nay, chúng tôi đã cơ bản đạt được kế hoạch của mình nên cố gắng thực hiện theo kế hoạch này. Tôi rất cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã có nhã ý hỗ trợ Đồng Tháp giải cứu bé mắc kẹt trong trụ bê tông rỗng sâu 35m” - ông Bảo nói.

Cũng trong tối 2-1, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, cán bộ kỹ thuật tại các công trường dự án Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thuộc thẩm quyền quản lý của bộ trên khu vực… sẵn sàng ứng trực, huy động nhân lực, máy móc thiết bị đặc chủng sẵn có, phù hợp để cứu nạn.

"Bộ Giao thông vận tải cử cán bộ có chuyên môn về xây dựng công trình vào trực tiếp phối hợp, bàn giải pháp với các lực lượng tại hiện trường thực hiện phương án cứu nạn cháu bé. Tinh thần là thống nhất được phương án nào, trên các công trường dự án giao thông trong khu vực có máy móc, thiết bị gì có thể đáp ứng được sẽ huy động ngay"- đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 2.

Máy móc, thiết bị được tăng cường đưa đến hiện trường - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 2-1, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - cho biết: Ủy ban đã có công văn trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp triển khai các biện pháp để tìm kiếm bé trai rơi xuống trụ bê tông sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 9 điều động 92 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ cùng 11 trang thiết bị chuyên dụng để tìm kiếm cứu nạn trong sập đổ công trình. Lực lượng này có mặt tại hiện trường vào sáng 2-1 để triển khai các biện pháp cứu nạn. 

Theo thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, do cọc bê tông đóng sâu dưới lòng đất nên ma sát với đất xung quanh cọc rất lớn. Do vậy, biện pháp hiện nay mà lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang sử dụng là dùng khoan nhồi để hút đất xung quanh cọc nhằm giảm ma sát. Sau đó sử dụng thiết bị chuyên dụng đưa cọc lên. 

Tuy nhiên, đến 17h30 ngày 2-1 thông tin từ hiện trường báo về Ủy ban vẫn chưa có kết quả tìm kiếm. “Hiện các lực lượng cứu hộ quyết liệt thực hiện các biện pháp cứu nạn cháu bé và Ủy ban theo dõi, chỉ đạo thường xuyên”- thiếu tướng Tỵ cho biết.

16h30, hơn 350 người gồm lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, đại diện các sở, ngành cùng lực lượng cứu hộ, cứu nạn công an tỉnh Đồng Tháp, công an huyện Thanh Bình, lực lượng công binh Quân khu 9 đã có mặt tại hiện trường để tham gia cứu hộ.

16h, ông Nguyễn Hoàng Hơn - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp - đã có văn bản cập nhật mới nhất về diễn biến công tác cứu nạn tại công trình cầu kênh Rọc Sen. 

Tại hiện trường có 2 cần cẩu, 4 máy đào, 5 sà lan, 1 giàn cọc khoan nhồi, 1 thiết bị hút bùn, 1 giàn khoan guồng xoắn, 2 giàn khoan địa chất… và các máy móc phụ trợ khác. 

Hiện nay đang tập kết thêm một dàn khoan guồng xoắn, ống vách đường kính lớn để phối hợp với giàn khoan đã có tại hiện trường. 

Phương án cứu nạn: Dùng phương pháp khoan nhồi và khoan guồng xoắn để phá vỡ các kết cấu chặt của lớp địa chất xung quanh cọc để cẩu trụ bê tông lên.

Lực lượng chuyên nghiệp Quân khu 9 được chi viện 

14h chiều 2-1, ông Đoàn Tấn Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đã trả lời một số câu hỏi của báo chí xung quanh vụ tai nạn. 

Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đã huy động trên 230 cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia cứu hộ. 

“Đây là vụ tai nạn khẩn cấp, nguy kịch. Do đó, các lực lượng đang khẩn trương tìm kiếm các giải pháp cứu bé nhanh nhất và tập trung mọi nguồn lực cho việc cứu hộ, cứu nạn này. Hy vọng là sẽ có kết quả sớm nhất để chấm dứt sự lo lắng của người dân và gia đình”, ông Bửu nói.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online lý do vì sao không dùng thiết bị camera thả xuống đường ống để xem tình hình sức khỏe của bé trai, ông Bửu cho biết không thể áp dụng song song 2 biện pháp vừa cứu hộ vừa thăm dò vì đang tận dụng nguồn lực để cứu hộ bé trai. Hiện công tác bơm oxy đang được tiến hành trong suốt quá trình cứu hộ.

Ngoài lực lượng tại chỗ, lực lượng Quân khu 9 được chi viện, sử dụng các thiết bị chuyên dùng để cưa khối bê tông, bất kể ngày đêm. Đây là đội cứu hộ chuyên nghiệp, có thiết bị chuyên dụng. 

“Đây là vụ tai nạn hy hữu khi bé rơi thẳng vào trong lòng trụ bê tông hẹp, trong điều kiện không có không khí, không được ăn uống thì rất nguy hiểm. Chúng tôi sẵn sàng các phương án trong mọi điều kiện để cố gắng giảm tổn thương cho gia đình” - ông Bửu nói thêm. 

Về phương án cụ thể hiện nay, các lực lượng tập trung làm mềm đất xung quanh, giảm bám dính ma sát, khi nào đủ điều kiện sẽ rút trụ bê tông lên bằng các thiết bị chuyên dùng. Khi đưa trụ lên sẽ dùng thiết bị thăm dò tình hình của bé.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 3.

Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, bé Nam còn mắc kẹt trong trụ bê tông rỗng sâu 35m - Ảnh: BỬU ĐẤU

Dùng trục xoay để làm mềm đất quanh trụ bê tông

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp đang khẩn trương dùng trục xoay để làm mềm đất quanh trụ bê tông, tìm cách cứu bé trai 10 tuổi đang mắc kẹt.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc lực lượng tìm kiếm có biết được tình hình sức khỏe của bé trai hiện tại ra sao không? Ông Bửu nói: "Hiện nay ưu tiên tối đa là triển khai các giải pháp cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, chúng tôi tiên lượng sức khỏe của bé là xấu nhưng phải cố gắng hết sức để giải cứu cháu".

Trực tiếp: Lực lượng cứu hộ đang giải cứu bé trai rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu 35m

Sáng cùng ngày, ông Huỳnh Văn Nờ - chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, Đồng Tháp - cho biết các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tạm dừng tìm kiếm để chờ các phương tiện, kỹ thuật khác giải cứu bé trai rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu 35m.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hiện trường xảy ra vụ tai nạn vẫn còn rất đông lực lượng cứu hộ và thợ chuyên nghiệp phục vụ việc giải cứu bé trai rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu 35m. Thời tiết mưa phùn từ rạng sáng cũng gây khó khăn cho việc giải cứu. Từ khuya đến sáng 2-1, máy khoan cọc nhồi công suất lớn ngừng hoạt động không rõ nguyên nhân.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 5.

Lực lượng công binh đến hiện trường - Ảnh: BỬU ĐẤU

"Chúng tôi tạm dừng để chờ phương tiện, kỹ thuật khác để tiếp tục tìm kiếm bé trai. Nghĩa là thay đổi kỹ thuật so với phương án dự kiến ban đầu. Vẫn sử dụng máy lớn nhưng có thêm phần cọc, bao đưa xuống để đảm bảo không đổ, ngã. Phương án này hy vọng sẽ nhanh chóng tìm được bé và đảm bảo an toàn kỹ thuật", ông Nờ nói.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 6.

Lực lượng chức năng đang dùng trục xoay để xoáy vào đất, làm mềm đất, giảm ma sát để từ từ nhổ trụ bê tông lên - Ảnh: BỬU ĐẤU

Đến gần 9h30, ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh và ông Đoàn Tấn Bửu- phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - đã đến hiện trường. 

Hiện các lực lượng đang khẩn trương triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn bé trai nhanh nhất có thể.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 7.

Đang triển khai các giải pháp cứu bé trai - Ảnh: BỬU ĐẤU

Chiều 1-1, máy khoan cọc nhồi được lực lượng cứu hộ tỉnh đưa từ huyện Tháp Mười đến hiện trường bé trai gặp nạn ở ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình. Khi có thiết bị, lực lượng cứu hộ bắt đầu khoan nhồi với lực đóng 35 tấn, hút bùn, đất xung quanh cọc bê tông. 

Lực lượng cứu hộ dự tính, cùng với ba mũi khoan quanh cọc bê tông thực hiện gần 20 giờ qua, việc nhổ cọc hoàn thành trong đêm.

Đêm qua, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã đưa thiết bị chuyên dụng khoan cọc nhồi tải trọng 35 tấn, lực lượng cứu hộ đẩy nhanh công việc với mục tiêu sớm nhổ được cọc bê tông. Đến nay, nạn nhân mắc kẹt dưới hố sâu hơn 44 giờ. Ngành chức năng Đồng Tháp chưa cung cấp thông tin mới về việc cứu người.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 8.

Đến sáng nay 2-1, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp vẫn đang phong tỏa hiện trường - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trưa 31-12-2022, em Thái Lý Hạo Nam cùng ba người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt vào trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.

Một số người chứng kiến cho biết sau khi rơi vào cọc bê tông, bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.

Camera tại công trình ghi lại cảnh bé trai gặp nạn khi đang đi trên nền đất công trường lồi lõm, nhiều hố sâu. Nam bé nhỏ nhất trong nhóm, sẩy chân rơi xuống hố trong tích tắc. Miệng hố cách điểm cuối cùng trụ bê tông cắm vào đất khoảng 3m, không được đơn vị thi công lấp lại khi dời máy móc sang thi công mố cầu gần đó. Miệng hố như hình phễu, khi cháu bé sẩy chân đã rơi vào trụ bê tông rộng 25cm.

Được biết, trụ bê tông gồm hai đoạn dài 12m và một đoạn dài 10m, dưới cùng được bịt kín. Kết cấu này hạn chế bé trai bị rơi ra ngoài khi trụ được nhổ lên. Lực lượng chức năng sẽ xác định vị trí bé trai, sau đó mới tháo từng đoạn khớp nối trụ bê tông.

Dù phương án giải cứu được bàn bạc kỹ song chính quyền tỉnh Đồng Tháp không chắc chắn về sức khỏe hiện tại của bé Nam. Hiện bé không còn tương tác với bên ngoài dù oxy vẫn được nạp liên tục vào bên trong cọc.

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 10.

Xe cứu thương túc trực sẵn tại hiện trường - Ảnh: TTXVN

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 11.

Đưa thêm thiết bị vào hiện trường - Ảnh: TTXVN

Giải cứu bé trai trong trụ bê tông sâu 35m: Đã khoan làm mềm đất đến độ sâu 30 mét - Ảnh 12.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

BỬU ĐẤU - ĐẶNG TUYẾT - TUẤN PHÙNG

Vụ bé trai lọt vô trụ bê tông sâu 35m: Vụ bé trai lọt vô trụ bê tông sâu 35m: 'Nếu phương án thuận lợi, đêm nay sẽ có kết quả'

'Khoảng 11h30 ngày 31-12-2022, có một nhóm trẻ em từ 11 tuổi đến 12 tuổi lẻn vào công trường và được bảo vệ phát hiện đuổi ra. Tuy nhiên, đến 11h50 cùng ngày, công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ trên lại lẻn vào công trường phía mố MA'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên