28/08/2022 11:46 GMT+7

Cao tốc - những con đường phát triển - Kỳ cuối: Điểm dừng ở xã và mạng lưới 'Ngọc trai xanh'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Đường cao tốc A75 nối liền Clermont-Ferrand với Béziers thuộc khu vực cao nguyên Massif Central ở Trung Nam nước Pháp.

Cao tốc - những con đường phát triển - Kỳ cuối: Điểm dừng ở xã và mạng lưới Ngọc trai xanh - Ảnh 1.

Biển báo điểm dừng ở xã Aumont-Aubrac trên cao tốc A75 - Ảnh: Marc Mongenet

Tuyến đường dài 335km với mỗi chiều hai làn xe. A75 bắt đầu khởi công vào năm 1991 và hoàn tất thi công năm 2014. Dự án được đầu tư bằng ngân sách nhà nước nên không thu phí (trừ cầu cạn Millau).

Để trở thành vùng đất thân thiện, các địa phương phải làm đẹp (làm sạch môi trường, chiếu sáng các di tích...), xóa bỏ các điểm đen (bãi rác, nhà đổ nát...), nâng cấp các công trình nông nghiệp cũ.

ISABELLE MALLET

Một cao tốc có đến 64 nút giao

Trong khuôn khổ chính sách đổi mới nông thôn, năm 1987 Pháp đã thực hiện kế hoạch xây dựng năm đường cao tốc A20, A71, A72, A80 và A75 với hai mục đích. 

Một là mở tuyến đi qua miền Trung, đồng thời giải tỏa lưu lượng trên hai cao tốc A6 và A7. 

Hai là thúc đẩy phát triển khu vực Massif Central cao nguyên lộng gió. Massif Central rộng hơn 1/7 diện tích nước Pháp, bao trùm ba vùng và 11 tỉnh, nhưng dân số chỉ 3,8 triệu người mà trong đó đa số làm nông.

Trong nghiên cứu với tiêu đề "Đường cao tốc và phát triển du lịch ở Massif Central của Pháp: Làm thế nào một tuyến đường cao tốc có thể góp phần phát triển du lịch vùng nông thôn?", tác giả Isabelle Mallet (Pháp) nhận định có nhiều tác nhân chung tay phát triển du lịch địa phương từ đường cao tốc A75.

Đầu tiên là hiệp hội La Méridienne Thế giới Nông thôn - một tổ chức xã hội chuyên chăm lo phát triển nông thôn. 

Hiệp hội mong muốn có nhiều giao lộ để các địa phương thuận tiện phát triển dịch vụ và đi lại trao đổi với các vùng lân cận. 

Do đó, cao tốc A75 đã được thiết kế có tới 64 nút giao, tức trung bình 5,5km lại có một nút giao. Mọi hoạt động kinh tế đều được thiết kế có tính đến yếu tố cao tốc A75.

Kế đến là Liên minh Các phòng thương mại và công nghiệp Massif Central (UCCIMAC). Tổ chức này đã hỗ trợ các công ty du lịch thiết lập các sản phẩm du lịch để thu hút du khách đi trên cao tốc A75. 

Với thông điệp "không chờ những người sử dụng đường cao tốc mang lại lợi nhuận du lịch mà nỗ lực để du khách quay lại lần nữa", UCCIMAC đã tổ chức lại mạng lưới phân phối và cung cấp ở các xã ven cao tốc. 

Năm 2006, UCCIMAC cùng nhiều giáo sư đại học đã thành lập Trung tâm Tài nguyên và tài liệu về cao tốc A75 nhằm phân tích tác động của cao tốc đến kinh tế địa phương.

Cao tốc A75 đã kích thích kinh tế địa phương phát triển với các khu bán hàng đông khách hơn, các địa điểm cung cấp mở rộng dần, nhiều doanh nghiệp mới ra đời gần các giao lộ A75. 

Hai thành phố Clermont-Ferrand và Montpellier đã dần dần mở rộng và trở thành vành đai của cao tốc. Không khí cạnh tranh mới đã được cảm nhận giữa các thành phố gần giao lộ vì địa phương nào cũng muốn trở thành nơi ưu đãi thương mại tốt nhất.

Muốn thu hút du khách, đầu tiên phải nâng cao giá trị cảnh quan. A75 và A20 là hai đường cao tốc đầu tiên ở Pháp thử nghiệm chính sách "1% cảnh quan và phát triển" do Tổng cục Đường bộ khởi xướng từ năm 1989. 

Nhà nước cam kết dành 1% số tiền đầu tư xây dựng đường cao tốc cho các dự án địa phương về cảnh quan và/hoặc phát triển, đổi lại chính quyền địa phương phải tăng gấp đôi tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án.

Chính sách này chủ trương tôn trọng các yếu tố tự nhiên, nâng cao giá trị cảnh quan, phát triển kinh tế và du lịch trong không gian gần đường cao tốc. 

Các yêu cầu này phải hòa hợp với môi trường và địa hình để du khách có thể cảm nhận được cảnh quan và muốn quay lại tham quan kỹ hơn. Muốn đường cao tốc hòa nhập tốt với cảnh quan, trong quá trình xây dựng phải càng làm cảnh quan ít biến dạng càng tốt.

Cao tốc - những con đường phát triển - Kỳ cuối: Điểm dừng ở xã và mạng lưới Ngọc trai xanh - Ảnh 3.

Biển báo màu hạt dẻ ven cao tốc A75 quảng bá suối nước nóng Chaudes-Aigues - Ảnh: lamontagne.fr

Các sáng kiến mời mọc khách phương xa

Đường cao tốc chỉ có thể giữ vai trò là công cụ xúc tiến du lịch nếu có các sáng kiến đi kèm nhằm thu hút du khách dừng lại, tò mò và khám phá. Nhà nghiên cứu nông thôn Isabelle Mallet đã giới thiệu ba sáng kiến.

Điểm dừng ở xã là xã nông thôn dọc cao tốc có khả năng cung cấp các dịch vụ bổ sung cho các chặng dừng. 

Sáng kiến này được thử nghiệm từ mùa hè năm 1995 trên cao tốc A20 và năm 2000 mở rộng trên nhiều cao tốc khác. Du khách nhận ra điểm dừng ở xã nhờ các biển báo có biểu tượng một chữ "é" màu trắng trên nền ngôi làng.

Điểm dừng ở xã cung cấp đủ thứ dịch vụ như bãi đậu xe, điểm thông tin du lịch, khu cắm trại và trò chơi, khu tản bộ cùng các cửa hàng bán bánh mì, tạp hóa, thức ăn, nhà hàng, khách sạn, tiệm thuốc lá, hiệu sách, quầy bán báo. 

Các dịch vụ phải bảo đảm điều kiện về chất lượng, tuân thủ các yêu cầu về giá cả, giờ mở cửa, thanh toán bằng thẻ tín dụng. Trên cao tốc A75 có ba xã được công nhận là điểm dừng ở xã.

Mạng lưới "Ngọc trai xanh" là sáng kiến liên kết sáu xã nhỏ dọc cao tốc A75, ra đời khoảng năm 1997 - 1998. Khi cao tốc bắt đầu hoạt động chạy tránh các xã này, số du khách sụt giảm đáng kể, do đó họ đã liên kết lại. Đầu tiên sáu xã phối hợp với văn phòng du lịch khai trương mạng lưới "Ngọc trai xanh" bằng cách quảng cáo và nhiều hình thức truyền thông.

Từ năm 2003, công ty du lịch phát sổ tay hành trình cho du khách dừng chân. Sổ tay gồm ba phần: 

1) Quảng bá mạng lưới "Ngọc trai xanh" là ý tưởng hay để đi nghỉ hè, một hành trình độc đáo đắm mình trong thiên nhiên thật, văn hóa thật và hương vị thật.

2) dành hai trang cho mỗi xã nêu các địa chỉ cần tham quan.

3) lộ trình đi qua mỗi xã. Mỗi xã có thể phát vé giảm giá tham quan, du khách đến thăm lần thứ tư sẽ nhận được quà "khủng".

Các tuyến đường khám phá thường nằm giữa hai nút giao trên cao tốc A75 và được chọn căn cứ vào chất lượng cảnh quan. Biển báo trên cao tốc sẽ hướng dẫn cách đi. Du khách rời cao tốc tham quan tối đa một tiếng, sau đó trở ra cao tốc mà không cần quay lại. 

Hiệp hội La Méridienne Thế giới Nông thôn đã xuất bản sách hướng dẫn các tuyến đường này và lập hẳn một trang web giới thiệu.

Nhà nghiên cứu Isabelle Mallet kết luận: "Đừng quên khách du lịch luôn là người quyết định cuối cùng. Nếu đường cao tốc tạo khả năng tiếp cận một địa điểm nhất định, các tác nhân ở địa phương phải biến khả năng tiếp cận này thành sức hấp dẫn riêng thì du khách mới đến thường xuyên và mang lại lợi ích kinh tế".

Các biển báo màu hạt dẻ

Còn hai công cụ nữa có thể quảng bá đặc sản du lịch địa phương dành cho du khách đi trên cao tốc A75 không có thời gian ghé qua hay không thích rời cao tốc. Đó là biển hoạt hình du lịch cùng các khu nghỉ ngơi và khu dịch vụ.

Biển hoạt hình du lịch còn được gọi là biển báo màu hạt dẻ, được bố trí ven cao tốc từ năm 1974. Trên biển là hình vẽ giới thiệu lâu đài cổ, bảo tàng, khu thiên nhiên, suối nước nóng ở địa phương.

Khu nghỉ ngơi và khu dịch vụ là chặng dừng thường được du khách ghé qua, vì vậy có thể sử dụng nơi đây để quảng bá di sản lịch sử, ẩm thực, tổ chức sinh hoạt hè hoặc làm các "ngôi nhà đồng quê" để du khách trải nghiệm và mua sản vật địa phương.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên