06/12/2024 18:29 GMT+7

Cảnh báo ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường lớn

Các yêu cầu về xanh hóa và số hóa ngày càng cao từ thị trường và các chính sách bảo vệ môi trường đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp nhựa Việt Nam.

Ngành nhựa Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa thay đổi lớn - Ảnh 1.

Người tiêu dùng quan tâm đến các giải pháp tái sinh nhựa ngày càng nhiều hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại buổi họp mặt hội viên năm 2024 do Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - cho biết mặc dù thế giới đang đối mặt với một số khó khăn, nhưng Việt Nam có thể tự tin rằng tình hình kinh tế sẽ ổn định và thích ứng tốt với các thay đổi toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam hiện đang tập trung mạnh mẽ vào việc cải cách thể chế và tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp. Hai nghị quyết quan trọng của Quốc hội về đất đai và bất động sản sẽ được thông qua, tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp.

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp nhựa Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Nhu cầu về sản phẩm nhựa đang tăng mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng và điện tử. Việt Nam cũng có lợi thế về nguồn cung nguyên liệu và năng lực sản xuất, cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hóa chất và nhựa.

Tuy nhiên, ngành nhựa cũng đối mặt với không ít thách thức. Các yêu cầu về xanh hóa và số hóa ngày càng cao từ thị trường và các chính sách bảo vệ môi trường đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài ngày càng gay gắt, trong khi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dễ bị gián đoạn nguồn cung. Xu hướng tiêu dùng thay đổi, với sự ưu tiên cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, đòi hỏi ngành nhựa phải nhanh chóng thích ứng.

"Thế giới hiện nay đang thích ứng nhanh chóng với các thay đổi, khi ngay lập tức có thể chuyển sang các nguồn năng lượng khác, như điện hạt nhân, khi cần thiết. Do đó ngành nhựa cần xây dựng chiến lược phát triển riêng cho ngành. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch dài hạn để tận dụng các cơ hội từ chính sách phát triển công nghiệp của Chính phủ", TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế cũng lưu ý thêm cơ cấu ngành cho thấy ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc vào một số thị trường lớn, cần mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác và chủ động tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu từ các đối tác trong nước và quốc tế.

Việt Nam sẽ áp dụng thiết kế sinh thái

Ông Hoàng Quốc Vượng, phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng để xây dựng một ngành công nghiệp nhựa phát triển bền vững, Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường tái chế. Chính phủ cần quy định tỉ lệ sử dụng nhựa tái chế trong sản phẩm, tạo điều kiện cho ngành tái chế phát triển ổn định, tránh tình trạng bấp bênh do cạnh tranh với nhựa nguyên sinh.

"Thứ nữa là xây dựng các tiêu chuẩn thiết kế bao bì hướng tới khả năng tái chế. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ bắt đầu triển khai dự án xây dựng tiêu chuẩn thiết kế sinh thái trong tháng tới, với sự tài trợ của một tổ chức quốc tế", ông Vượng thông tin.

Phó chủ tịch hiệp hội cũng thông báo tin vui là các nước phát triển đã cam kết dành tối thiểu 300 tỉ USD mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển chống biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích tiềm năng cho Việt Nam.

"Chúng ta cần thay đổi hoàn toàn quan niệm về nhựa và tái chế, hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn thực sự. Điều này không chỉ giúp ngành nhựa phát triển mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia", ông kết luận.

Báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết năm 2024 ngành nhựa Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Hiện Việt Nam có 4.000 doanh nghiệp nhựa hoạt động, trong đó 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sản phẩm nhựa Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 170 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường lớn nhất là Mỹ, kế đến là một số thị trường tiềm năng như Nhật, châu Âu, Trung Quốc...

Dự báo sản lượng nhựa Việt Nam sẽ đạt 11,65 triệu tấn trong năm nay và tăng trưởng ấn tượng lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm 8,44%. Doanh thu ngành năm 2024 đạt 31,1 tỉ USD, tăng 23,9% so với năm trước.

Ngành nhựa Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa thay đổi lớn - Ảnh 2.Tái chế hay không tái chế : Sao ngành nhựa mập mờ đến thế?

TTCT - Câu đố: biểu tượng gì khi đứng một mình thì rượt đuổi nhau, nhưng khi đi cùng những con số thì hơn 80% tiến thẳng ra bãi rác?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên