Giá dầu thế giới đối diện tương lai bất định vì căng thẳng Mỹ - Iran - Ảnh: REUTERS
Theo Wall Street Journal, giá dầu bấn loạn trên thị trường toàn cầu ngày đầu tuần khi mối lo ngại về nguồn cung lấn át mối lo về nhu cầu.
Giá dầu West Texas tăng 0,3% lên 57,66 USD/thùng trên sàn giao dịch New York ngày 8-7, giờ địa phương. Giá dầu Brent, chuẩn mực của giá dầu toàn cầu, giảm 0,2% xuống còn 64,11 USD/thùng trên sàn giao dịch London.
Kịch bản điên rồ: 325 USD/thùng
Căng thẳng địa chính trị Iran - Mỹ tiếp tục hà hơi đẩy giá dầu lên cao. Iran mới đây tuyên bố làm giàu hạt nhân vượt mức giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015. Ngoài ra, Iran cũng dọa trả đũa việc Anh bắt một tàu chở dầu Iran hồi tuần trước.
"Việc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân có thể khiến châu Âu áp đặt trừng phạt lên Iran, chẳng hạn như cấm vận ngành dầu mỏ của Tehran như đã từng làm từ năm 2012 đến 2015" - tờ Marketwatch dẫn lời nhà phân tích năng lượng Carsten Fritsch của Commerzbank.
Hiện Iran đang chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thật ra, châu Âu đã không mua dầu của Iran kể từ cuối năm 2018 do trừng phạt của Mỹ và đây được cho là lý do khiến Iran tức giận gây sức ép lên châu Âu thông qua việc hủy bỏ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Về phía Mỹ, Lầu Năm Góc cũng đang cân nhắc khả năng Tehran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, đồng nghĩa với việc chặn dòng chảy của hơn 20 triệu thùng dầu mỗi ngày, đồng thời ngăn các lực lượng Mỹ và đồng minh tiếp cận khu vực. Tháng trước, Mỹ đã gửi quân đến Trung Đông sau khi cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu nước ngoài trên vịnh Oman.
Theo tờ Marketwatch, kịch bản đóng cửa eo biển Hormuz sẽ có tác động mạnh mẽ lên giá dầu mà mức độ tùy thuộc vào thời gian tuyến hàng hải vận chuyển dầu bị cắt đứt. Nếu Mỹ và các đồng minh có thể khôi phục tuyến hàng hải trong vòng vài ngày, giá dầu có thể nhảy vọt lên hơn 100 USD nhưng sẽ sớm cân bằng trở lại.
Trong kịch bản nghiêm trọng hơn là eo biển này bị đóng trong 45 ngày, giá dầu có thể tăng không phanh ngay lập tức. "Các nguồn dự trữ dầu chiến lược toàn cầu dư sức bù đắp sự thiếu hụt... Nhưng việc rút dầu (quy mô lớn) từ các nguồn dự trữ chiến lược là một thách thức" - tờ này đánh giá.
Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu xăng dầu King Abdullah tại Saudi Arabia nhận định giá dầu có thể bị đẩy lên đến 325 USD/thùng trong kịch bản khủng hoảng như vậy.
Trong kịch bản "tận thế", với hạ tầng dầu mỏ vùng vịnh Ba Tư bị tàn phá và eo biển Hormuz đóng cửa trong ba tháng, không chỉ giá dầu mất kiểm soát mà kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái sâu.
Nhu cầu giảm?
Bên cạnh đó, giá dầu hiện tại được nâng đỡ bởi nỗ lực hạn chế sản lượng. Tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) và đối tác gồm Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến tháng 3-2020.
Tuy nhiên giá dầu cũng chịu áp lực giảm từ mối lo sụt giảm nhu cầu, một phần do cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc đặt ra sức ép đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khiến kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.
Đó là lý do căng thẳng Iran và thỏa thuận của OPEC không thể đẩy giá dầu tăng chóng mặt như cách đây mấy tháng.
Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ dự kiến công bố báo cáo triển vọng năng lượng ngắn hạn trong tuần này. Cùng lúc, OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế đều sẽ công bố báo cáo hằng tháng vào cuối tuần.
"Dù chúng tôi không kỳ vọng sự suy giảm mạnh nhu cầu từ bất kỳ nguồn nào, chúng tôi ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay sẽ giảm. Dữ liệu sản xuất ở Mỹ và ở nước ngoài đang phát đi những tín hiệu ngày càng rõ ràng về hướng tăng trưởng kinh tế chậm lại trên hầu hết thế giới" - tờ Wall Street Journal dẫn phân tích của Tổ chức tư vấn năng lượng Ritterbusch & Associates nói.
Ảnh hưởng giá dầu ở Việt Nam
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, giá dầu thô thế giới có tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Giá dầu thô thế giới chi phối giá cơ sở của Nhà nước, do đó giá dầu thô thế giới tăng sẽ kéo theo giá bán xăng dầu trong nước tăng và ngược lại.
Tuy nhiên, một số thời điểm giá dầu thô thế giới tăng hoặc giảm nhưng giá xăng dầu trong nước lại không tăng giảm tỉ lệ thuận là do Nhà nước sử dụng quỹ bình ổn để điều tiết một phần. Cứ theo chu kỳ 15 ngày, Nhà nước sẽ công bố giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam cho biết hiện nay các nhà máy lọc dầu ở Việt Nam vừa sử dụng dầu thô trong nước, vừa sử dụng dầu thô nhập khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đồng thời nhập hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước lẫn từ các nước trong khu vực. Do đó, giá xăng dầu thành phẩm trong nước sẽ tương đương với xăng dầu nhập khẩu để đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường.
NGỌC HIỂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận