
Trang TikTok Dưỡng Dướng Dường Phong Thủy - Ảnh chụp lại màn hình
Theo báo cáo xu hướng tìm kiếm vừa công bố đầu tháng 4-2025 của trình duyệt Cốc Cốc, hàng loạt từ khóa liên quan đến bê bối quảng cáo sai sự thật và thiếu minh bạch trong từ thiện tăng vọt trong ba tháng đầu năm 2025 tại Việt Nam.
Xói mòn niềm tin xã hội
Sau vụ việc quảng cáo sai sự thật về sản phẩm "kẹo rau củ Kera" bị xử phạt vào ngày 20-3, lượng tìm kiếm về "Hằng Du Mục" tăng 270%, "Nguyễn Thúc Thùy Tiên" tăng 27%.
Hay trong vụ lùm xùm liên quan đến hoạt động từ thiện của Phạm Thoại, từ khóa "Phạm Thoại" tăng 153%, và "mẹ bé Bắp" - người liên quan trực tiếp - tăng tới 13.100%. Những con số này phản ánh rõ sự chuyển biến trong thái độ của công chúng: từ ngưỡng mộ sang hoài nghi, từ tin tưởng sang yêu cầu minh bạch và trách nhiệm xã hội.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Kiều Trang, trưởng phòng truyền thông Cốc Cốc, cho rằng sức ảnh hưởng ngày càng lớn của các KOL, KOC, reviewer hay livestreamer trên mạng xã hội trong việc định hướng hành vi tiêu dùng. Khi hoạt động một cách có trách nhiệm, dựa trên chuyên môn và trải nghiệm thật, họ chính là cầu nối hiệu quả giữa thương hiệu và người tiêu dùng.
Thông tin được chia sẻ khách quan, trung thực không chỉ giúp người dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt, mà còn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, xây dựng niềm tin thị trường và lan tỏa niềm tự hào với hàng Việt.
Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, sự phát triển nóng này cũng kéo theo mặt trái đáng lo ngại. Đó là khi nội dung thiếu trách nhiệm hoặc bị dẫn dắt bởi lợi ích ngắn hạn, hệ quả là sự lẫn lộn giữa thật - giả trong một ma trận thông tin ngày càng khó kiểm soát.
"Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, mà còn đẩy người tiêu dùng vào trạng thái hoài nghi, mất niềm tin - thứ vốn rất khó gây dựng và dễ dàng đánh mất", bà Trang nhận xét.
Theo nhiều chuyên gia truyền thông, trong bối cảnh thông tin mở như hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người phát ngôn của một thương hiệu.
Việc một số cá nhân tự xưng là chuyên gia, sử dụng các thủ thuật công nghệ hoặc chiêu trò để xây dựng uy tín ảo, sau đó quảng bá sản phẩm thiếu khách quan, thiếu chính xác đang bào mòn đáng kể niềm tin của người tiêu dùng.
Khi các cá nhân lợi dụng danh xưng chuyên gia, hoạt động không qua kiểm duyệt hay ràng buộc pháp lý nào, nguy cơ người tiêu dùng rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Có những trường hợp khi sự thật được phanh phui thì hậu quả đã không còn đơn thuần là một cú click nhầm. Hệ lụy lúc này không chỉ dừng ở một vài lời "chém gió" vô hại mà đã ảnh hưởng thực sự đến túi tiền, niềm tin và thậm chí là cả sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng.
Cần có quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp
Nhận xét về tình trạng loạn KOL, KOC hiện nay, bà Hoàng Hường - CEO Công ty Unikon - cho rằng trong nhiều năm qua, các chế tài và luật đã không theo kịp trong công tác quản lý nhóm người mới này như một nghề nghiệp.
"Đây dường như vẫn là định nghĩa một "nghề tự do", ai ai cũng bất chấp các chuẩn mực để trở thành "nhà sáng tạo nội dung", để câu view, để có người theo dõi và kiếm tiền từ việc đó", bà Hường cho biết.
Cụ thể, từ việc là người ảnh hưởng đi quảng cáo hỗ trợ việc bán hàng, tới khi định hình được cộng đồng thì nhiều cá nhân có thể tự biến mình thành nhà sản xuất, chủ doanh nghiệp để sản xuất, cung ứng và phân phối sản phẩm từ A-Z. Từ đây tạo nên "quyền lực" vô tận cho nhóm người ảnh hưởng này.
Về lâu dài tạo nên sự mất cân bằng và cạnh tranh thiếu lành mạnh cho thị trường, kèm theo đó là tiêu chuẩn chất lượng cũng trở thành những khái niệm mơ hồ. Trong khi đó người mua không được bảo vệ quyền lợi, cũng không có những kỹ năng và hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.
"Tất cả đánh đổi bằng niềm tin, mua hàng bằng niềm tin, lắng nghe và bị chi phối các cảm xúc và không có gì đảm bảo hay bảo vệ họ. Bởi không có luật pháp quy định rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của những người hành nghề "sáng tạo nội dung" trên mạng xã hội", bà Hường chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Trang cũng cho rằng: "Đã đến lúc cần thiết lập một bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp dành riêng cho người sáng tạo nội dung thương mại, tương tự như phóng viên báo chí". Cơ quan chức năng có thể xem xét việc cấp chứng chỉ hành nghề, kết hợp ứng dụng công nghệ để giám sát và đánh giá định kỳ hoạt động của nhóm người nêu trên.
"Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo sự công bằng về giá trị đóng góp và lợi ích chia sẻ giữa người tạo nội dung, thương hiệu và người tiêu dùng, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường mạng minh bạch và an toàn hơn", bà Trang đề xuất.
Phạt tiền thôi chưa đủ, cần nghiêm phạt hình sự
Nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế xử phạt cần đủ mạnh để răn đe và ngăn chặn những hành vi cố ý gây hại cho cộng đồng. Việc xử phạt không chỉ dừng ở việc gỡ video hay phạt hành chính. Những trường hợp cố ý quảng cáo, lan truyền thông tin sai lệch có thể cần được cơ quan chức năng xử lý theo hướng vi phạm pháp luật, chứ không còn là lỗi truyền thông đơn thuần.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng quảng cáo sai sự thật về sản phẩm là hành vi rất nguy hiểm.
Nhiều trường hợp cá nhân không thực sự mắc bệnh, không sử dụng sản phẩm, nhưng lại giả vờ như đã khỏi bệnh nhờ sản phẩm đó để thu hút sự tin tưởng từ người hâm mộ. Lợi dụng tâm lý tin tưởng thần tượng của công chúng, các nhãn hàng đã thuê họ để quảng bá đẩy mạnh doanh số.

Hoạt động bán hàng online của người nổi tiếng hiện chưa chịu nhiều kiểm duyệt hay ràng buộc pháp lý - Ảnh: T.T.
Luật sư Hùng khuyến cáo người tiêu dùng nên cẩn trọng, chỉ mua sản phẩm từ các nguồn uy tín và không nên mù quáng tin theo người nổi tiếng để tránh "tiền mất tật mang".
Luật sư Đậu Đức Ninh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) cho biết việc người có ảnh hưởng quảng cáo thổi phồng và sai lệch thông tin đang ngày càng phổ biến, gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng. Ông cho rằng việc xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe, vì mức phạt quá nhẹ so với lợi nhuận mà họ thu được.
Do đó cần xem xét xử lý hình sự những trường hợp lợi dụng niềm tin để quảng cáo sai lệch, trục lợi bất chính và chiếm đoạt tài sản của người khác.
Cần có luật riêng cho người ảnh hưởng mạng xã hội
Một số nước như Trung Quốc từ nhiều năm trước đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ với nhóm người ảnh hưởng trên mạng. Cơ quan chức năng phối hợp các nền tảng phát sóng xác thực danh tính thật; xây dựng bộ hướng dẫn, quy chuẩn đạo đức và hệ thống chấm điểm xếp hạng, xử phạt dựa trên các quy chuẩn này.
Trung Quốc cũng xây dựng danh sách những nội dung cấm phát tán và cơ chế kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt. Song song đó là các quy định về quảng cáo, như đăng bài có yếu tố quảng cáo, giới thiệu bắt buộc phải gắn nhãn rõ ràng; quy định về phạm vi quảng cáo hay không đưa ra thông tin gây hiểu nhầm...
Đặc biệt cơ quan chức năng yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp phù hợp với một số KOL trong các lĩnh vực chuyên môn như y tế, giáo dục, tài chính...
Bà Hoàng Hường, CEO Công ty Unikon, cho biết Luật An ninh mạng của Việt Nam có quy định về người dùng và phát ngôn trên mạng xã hội nói chung nhưng chưa rõ ràng về quy định và chế tài cho nhóm người có thể có phạm vi ảnh hưởng rộng như nhóm KOL.
Ngoài ra các quy định xử phạt còn cần quy định rõ trách nhiệm liên đới của các nền tảng phát sóng hoặc các nền tảng mạng xã hội, để tạo ra những cơ chế quyết liệt hơn trong việc gợi ý các nội dung ảnh hưởng tới người dùng và khách hàng của nền tảng.
"Sau gần 20 năm phát triển, mạng xã hội đã không còn là một không gian "ảo" mà chính là đời sống thật. Nó cần những quy định nghiêm ngặt về quản lý thông tin và nghề nghiệp, các tiêu chuẩn đạo đức và hướng dẫn sử dụng một cách rõ ràng cho các bên liên quan", bà Hường kiến nghị.
Hàng loạt TikToker, YouTuber sa vào vòng lao lý
Hoạt động trên mạng xã hội giúp nhiều người trở nên nổi tiếng, kiếm bộn tiền, có cả fan hâm mộ. Tuy nhiên trong số đó lại có những người sẩy chân, rơi vào vòng lao lý.
Mới giữa tuần này, Mai Văn Dưỡng (Quảng Nam) - một TikToker có lượng theo dõi cao, sở hữu tài khoản Dưỡng Dướng Dường - vừa bị Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố, bắt giam.
Thực tế việc chửi bới người khác, tạo ra các thông tin thị phi cũng là một trong những con đường nhanh chóng khiến TikToker này được nhiều người biết đến.
Tận dụng độ lan tỏa, anh này cũng tranh thủ bán các vật phẩm phong thủy, nụ trầm hương, bột xông nhà... Trong nhóm bị vướng vào vòng lao lý, có những người không chỉ dừng ở phát ngôn sai phạm, mà còn do thực hiện nhiều hành vi nguy hại, lừa đảo.
Trong những năm gần đây, nhiều YouTuber cũng bị bắt về hàng loạt tội danh khác nhau. Nổi danh trên mạng xã hội, tạo dựng vẻ ngoài uy tín kèm theo sự giàu có, nhưng nhiều người cũng bị sa vào lưới pháp luật, vi phạm trong quá trình kinh doanh, quảng cáo hay bán hàng dỏm, giả, không rõ xuất xứ.
Hồi cuối năm vừa qua, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường đã tạm giữ kho hàng chứa hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Nội. Đây là kho được TikToker Phan Thủy Tiên (hơn 4 triệu lượt tài khoản theo dõi) năng nổ bán hàng, quảng cáo rầm rộ.
Những người có ảnh hưởng phải có chứng chỉ hành nghề
Đã đến lúc phải quản lý chặt chẽ hoạt động của người có ảnh hưởng (KOL/KOC) trên mạng xã hội nhằm chấm dứt tình trạng "loạn cào cào" hiện nay.
1. Cần cập nhật luật và xác định rõ đối tượng
Luật Quảng cáo cần được cập nhật, bổ sung định nghĩa pháp lý cho nhóm "người chứng thực" - bao gồm KOL, KOC, influencer ở mọi cấp độ. Việc này giúp phân biệt họ với người dùng thông thường để áp dụng quy định quản lý phù hợp.
Những cá nhân có lượng theo dõi từ 50.000 người trở lên nên được yêu cầu đăng ký với cơ quan chức năng, tương tự như việc đăng ký website kinh doanh với Bộ Công Thương.
2. Chứng chỉ hành nghề và quy tắc đạo đức
KOL/KOC cần tham gia khóa đào tạo về đạo đức truyền thông, pháp luật quảng cáo và được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là giải pháp để hạn chế tình trạng "tự phong" và nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp.
Ngoài ra cần có bộ quy tắc đạo đức bắt buộc, nhấn mạnh đến tính minh bạch và trung thực trong quảng cáo, nhất là với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Các KOL/KOC phải kiểm chứng thông tin, nguồn gốc sản phẩm trước khi giới thiệu.
3. Minh bạch nội dung quảng cáo
Mọi nội dung quảng cáo cần được gắn hashtag nhận diện như #QuangCao, #TaiTro hoặc nhãn hiển thị trực tiếp trên video để người dùng nhận biết dễ dàng. Hợp đồng quảng cáo cũng cần được công khai theo yêu cầu pháp lý.
4. Chế tài đủ mạnh để răn đe
Mức phạt hiện hành (20 - 100 triệu đồng theo nghị định 119/2020) chưa đủ sức răn đe so với thu nhập thực tế của KOL/KOC. Do đó cần tăng mức phạt lên gấp 10 - 20 lần, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài phạt tiền, biện pháp bổ sung như cấm hoạt động, xóa nội dung trên tất cả nền tảng, công khai danh sách vi phạm... cũng được đề xuất.
5. Tăng cường giám sát, phối hợp nền tảng
Hoạt động giám sát cần kết hợp giữa công nghệ (AI để phát hiện quảng cáo không công khai), phối hợp với các nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook và phản ánh từ người dùng. Đồng thời cần có kênh tiếp nhận tố giác và cơ chế xử lý nhanh.
VÕ QUỐC HƯNG (giám đốc tăng trưởng Công ty truyền thông Tonkin)
Thăm dò ý kiến
Sau những ồn ào gần đây liên quan một số người nổi tiếng livestream bán hàng, bạn nghĩ gì về các hoạt động livestream của người nổi tiếng:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận