
GS Vũ Minh Khương tại buổi công bố - Ảnh: LKYSPP
GS Vũ Minh Khương đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP) chia sẻ góc nhìn chính sách về 5G tại buổi công bố báo cáo "Tận dụng 5G để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi do AI dẫn dắt tại ASEAN" chiều 22-7 ở Singapore.
Bản thiết kế chính sách cho 5G và AI
Báo cáo 148 trang là kết quả của các khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu với hơn 400 chuyên gia tại 8 quốc gia thành viên ASEAN do GS Vũ Minh Khương chủ biên, đã chỉ rõ công nghệ 5G một mình có thể đóng góp tới 130 tỉ USD cho kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2030.
Tuy nhiên, hiện nay mức độ triển khai 5G giữa các quốc gia ASEAN vẫn còn rất chênh lệch, từ hơn 48% tại Singapore đến dưới 1% ở một số nước thành viên khác. Nếu không thu hẹp khoảng cách này, ASEAN có thể bị tụt hậu trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu.
"5G và AI chính là hạ tầng cho đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho các ngành sản xuất thông minh, nông nghiệp chính xác và giao thông tự hành. Nhưng ASEAN không thể chần chừ. Cánh cửa cho vai trò dẫn đầu đang nhanh chóng khép lại", GS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Ông cho biết báo cáo vì thế là một "bản thiết kế chính sách" giúp các nước định hướng chiến lược tích hợp 5G và AI một cách đồng bộ và hiệu quả.
Theo đó, ASEAN đang đứng trước một thời điểm mang tính quyết định trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu, khi việc triển khai và ứng dụng 5G trở thành điều kiện tiên quyết để khai mở tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) và nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực.
"5G không chỉ là công nghệ kết nối, mà là hạ tầng cho tăng trưởng bền vững và bao trùm", GS Khương nhấn mạnh. Vì thế, ASEAN cần có hành động dứt khoát trong 5 năm tới để đẩy nhanh tốc độ triển khai 5G, nếu không các nước ASEAN sẽ bị tụt lại so với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc.
Dự báo đến năm 2030, tỉ lệ phủ sóng 5G của ASEAN chỉ đạt khoảng 42%, so với 79% của Ấn Độ, một khoảng cách có thể làm suy giảm vai trò chiến lược của khu vực trong nền kinh tế số toàn cầu.
Hành động chậm sẽ tụt hậu
Bên cạnh đó, giáo sư Vũ Minh Khương chỉ ra rằng sự kết hợp giữa 5G và AI tạo nên hiệu ứng cộng hưởng đặc biệt mạnh mẽ, có khả năng thúc đẩy chuyển đổi trong các lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, y tế, giáo dục và logistics.
Để tận dụng hiệu quả tiềm năng này, các quốc gia cần dịch chuyển tư duy chiến lược theo ba hướng chính: từ "kết nối" sang "tạo giá trị", từ "nội dung số" sang "giải pháp số", và từ "tài sản riêng lẻ" sang "tư duy hệ sinh thái".
Phân tích về nguyên nhân khiến tiến độ triển khai 5G tại ASEAN còn chậm, giáo sư Khương cho rằng nhiều nước trong khu vực đang theo đuổi chiến lược "người theo sau thông minh" (smart follower), tức chờ giá thiết bị giảm và công nghệ chín muồi để triển khai. Tuy nhiên, cách tiếp cận này sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu đi kèm với những nỗ lực mạnh mẽ trong xây dựng nền tảng số và kỹ năng số.
Để vượt qua những thách thức hiện tại, việc xây dựng một chiến lược chung cấp khu vực và ban hành các chính sách điều phối linh hoạt là rất quan trọng, trong đó có việc thành lập cơ quan chuyên trách, ban hành chính sách tần số phù hợp, phát triển KPI để giám sát tiến độ, tăng cường năng lực cho nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và phát triển hệ sinh thái 5G - AI toàn diện.
"Cơ hội cho ASEAN không còn kéo dài mãi mãi. Hành động chậm là tụt lại. Cần một cách tiếp cận chiến lược, phối hợp khu vực và tận dụng sức mạnh tổng hợp nếu chúng ta muốn chuyển mình thành khu vực dẫn đầu trong kết nối thông minh", giáo sư Vũ Minh Khương kết luận.
Theo LKYSPP, doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy tác động kinh tế của 5G. Một số mô hình điển hình đã xuất hiện trong khu vực: Singapore ứng dụng 5G vào cảng thông minh giúp giảm độ trễ tới 50%; Thái Lan tích hợp AI vào hệ thống cảnh báo thiên tai; Malaysia đẩy mạnh chia sẻ hạ tầng viễn thông, đạt tỉ lệ phủ sóng dân số 82%.
Nhìn về tương lai, nghiên cứu vẽ ra một viễn cảnh nơi ASEAN có thể dẫn đầu trong kỷ nguyên 5G kết hợp AI doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ thông minh, nông dân tối ưu hóa năng suất nhờ AI, học sinh vùng sâu tiếp cận giáo dục tiên tiến.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa viễn cảnh này, khu vực cần sự phối hợp chiến lược, cam kết dài hạn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận