15/04/2013 14:47 GMT+7

Cần tách bạch chương trình học với sách giáo khoa

TS LÊ VINH QUỐC
TS LÊ VINH QUỐC

TTO - Hiện nay nhiều người rất quan tâm đến vấn đề đổi mới chương trình và sách giáo khoa các cấp học phổ thông. Việc đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các cơ sở giáo dục ở TP.HCM lấy ý kiến những người đang trực tiếp đứng lớp cho thấy vấn đề đã trở nên hết sức cấp bách.

Đừng đổ hết cho sách giáo khoaNặng đầu giáo viên, quá tải học sinhCần một tổng chỉ huy phân bổ hợp lý

xLfkYNhn.jpgPhóng to
Học sinh tìm hiểu về các loại sách giáo khoa được bán tại nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TTO

Hầu hết thông tin phản hồi từ cơ sở đều rất xác đáng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng chứa đựng những định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, để việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) hiệu quả, trước hết cần có sự phân biệt rạch ròi giữa chương trình học với SGK.

1. Theo khoa học giáo dục hiện đại, chương trình học là văn kiện pháp quy được ban hành để mọi giáo viên trong các trường thực hiện. Chương trình học vạch rõ tôn chỉ của cả hệ thống giáo dục, mục đích của từng cấp học và mục tiêu của mỗi lớp và từng môn học. Để đáp ứng các mục tiêu đó, chương trình học quy định nội dung từng bộ môn (kèm theo tổng số thời gian dành cho nó) bao gồm các chủ đề phải được dạy; đồng thời nêu những gợi ý về các phương pháp dạy học cần áp dụng và cách thức để đánh giá học sinh đã đạt các mục tiêu đó như thế nào. Mọi việc quản lý, thanh tra chuyên môn hay đánh giá trình độ học sinh (bao gồm cả đề thi tốt nghiệp) đều chiếu theo chương trình học.

Còn SGK là sản phẩm khoa học của các nhà chuyên môn, được biên soạn dựa theo chương trình học, nhưng chỉ là công cụ của giáo viên và học sinh để tiến hành việc dạy học. Do đó, ở các nước công nghiệp tiên tiến (và cả ở Việt Nam trong quá khứ), các cơ quan hữu trách về giáo dục chỉ soạn thảo chương trình học để cung cấp cho giáo viên thực hiện; còn SGK thì bất cứ ai có khả năng đều có thể biên soạn, nên mỗi môn học thường có nhiều SGK để giáo viên và học sinh tự do lựa chọn. Bài Xem người Phần Lan làm sách giáo khoa của Nguyễn Khánh Trung (Tuổi Trẻ Cuối Tuần 14-4) cho ta một thí dụ không chỉ ở nước này mà là cách thức được áp dụng ở tất cả các nước tiên tiến khác.

Trong khi thực hiện công việc quan trọng nhất của mình là thiết kế bài học (ta thường gọi là soạn giáo án), giáo viên có toàn quyền quyết định sử dụng SGK nào hay tự biên soạn sách của mình.

2. Ở nước ta trong suốt mấy thập kỷ nay, việc quản lý điều hành giáo dục được thực hiện theo quan điểm độc quyền cung cấp học vấn theo lối áp đặt từ trên xuống. Quan điểm này đã đi vào thực tiễn bằng việc áp dụng trên toàn quốc duy nhất một bộ SGK do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành.

Theo đó, chương trình học được biên soạn chỉ để làm đề cương viết SGK; còn giáo viên, thay vì nhận được chương trình học để thực hiện bằng khả năng của mình lại chỉ được sử dụng SGK để giảng dạy (với thời gian quy định cho từng bài ngay trong đó) theo sự chỉ đạo “SGK là pháp lệnh”, nghĩa là phải bám sát SGK đến từng chi tiết.

Như vậy, chức năng của chương trình học và của SGK đã lẫn lộn với nhau. Sự lẫn lộn này đã biến giáo viên trở thành công cụ thuyết minh SGK, hạn chế mọi khả năng sáng tạo của các thầy cô, dẫn tới tình trạng “thầy đọc trò chép”, để học sinh học theo phương pháp thuộc lòng như vẹt những kiến thức rỗng.

Khi tiến hành đổi mới dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, giáo viên rất khó xoay xở trong phạm vi một cuốn SGK duy nhất được sử dụng. Mặc dù bộ đã “cởi trói” cho giáo viên bằng cách không còn coi SGK là “pháp lệnh”, kêu gọi các thầy cô “nói không với đọc chép”, soạn “giáo án điện tử”, rồi bộ lại tổ chức biên soạn các sách “chuẩn kiến thức - kỹ năng” thay cho SGK (?), nhưng việc đổi mới dạy học vẫn còn rất khó khăn và nặng tính hình thức.

3. Trên cơ sở tách bạch chức năng giữa chương trình học với SGK, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sẽ được thực hiên, mà trọng tâm là xây dựng một chương trình học phân ban ở bậc THPT (từ lớp 10 đến lớp 12). Các chương trình phân ban trước đây đã thất bại, vì chúng chỉ dựa trên các môn văn hóa và khoa học cơ bản có tính chất “hàn lâm” mà thiếu hẳn định hướng nghề nghiệp và dạy nghề cho học sinh.

Vì vậy, chương trình phân ban mới phải được xây dựng theo hướng cắt giảm những môn học với những kiến thức hàn lâm nặng nề quá tải, xa rời yêu cầu cuộc sống, tăng cường định hướng nghề nghiệp và dạy nghề cho học sinh. Với một chương trình học như vậy, học sinh sẽ được giảm bớt gánh nặng của sự quá tải trong quá trình học; sau khi tốt nghiệp THPT các em sẽ thẳng đường học lên đại học theo phân ban đã chọn, đồng thời những em khác sẽ sẵn sàng vào đời với nghề nghiệp đã được đào tạo ngay ở trường trung học, rồi sẽ học lên đại học khi có ý muốn và đủ điều kiện.

TS LÊ VINH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên