Cần một tổng chỉ huy phân bổ hợp lý

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Chương trình, sách giáo khoa (SGK) đang trở thành gánh nặng của ngành giáo dục, đó là những ghi nhận tại các buổi làm việc với cơ sở giáo dục ở TP.HCM trong ba ngày từ 8 đến 10-4 của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đừng đổ hết cho sách giáo khoaNặng đầu giáo viên, quá tải học sinh

chnT2T4x.jpgPhóng to
Ông Ngô Minh Oanh - Ảnh: Minh Đức

Đoàn đã trực tiếp lắng nghe những góp ý, kiến nghị của ngành giáo dục mà đại diện là những người trực tiếp đứng lớp, về những bất cập của chương trình, SGK và lối thi cử hiện nay.

Theo các giáo viên, hướng dẫn giảm tải chương trình, SGK của Bộ GD-ĐT được ban hành năm 2011 với hi vọng giảm bớt gánh nặng dạy và học, song trên thực tế lại khiến giáo viên phải vất vả “vá” những lỗ hổng của chương trình, còn HS thì lúng túng với mớ kiến thức dang dở.

Giảm hình thức, không thực chất

Tại buổi làm việc của đoàn với giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thầy Trịnh Quốc Hùng, giáo viên môn hóa, nói: “Trong từng bài học, ngoài nhiệm vụ dạy chuyên môn chúng tôi còn phải truyền hứng thú cho HS. Dạy bài rượu chúng tôi cần phải nói thêm về tác hại của rượu, dạy về vàng phải biết vàng ở đâu nhiều trên thế giới hay quy đổi vàng ra sao. Thế nhưng dạy không kịp bài thì lấy đâu thời gian để nói các kiến thức đó. Bộ phân phối chương trình cho lớp 11 nặng quá, chúng tôi phải lấy bớt một chương đem về dạy ở lớp 10 để giảm nhẹ cho các em lớp 11. Hiện lớp 12 chúng tôi đã tăng giờ và dạy gần xong chương trình để thời gian còn lại ôn thi cho các em. Với cách thi cử hiện nay, tôi phải chia những em thi ĐH môn hóa cho ngồi riêng, những em không thi ngồi riêng. Phân như vậy để các em học vừa đủ thi tốt nghiệp và em nào thi đại học thì phải nâng cao hơn. Giờ nói thật giáo viên chúng tôi toàn phải nhìn xem bộ ra đề thế nào để dạy HS”.

Thầy Trần Văn Quang, tổ trưởng tổ địa lý của trường này, nêu ý kiến: “Hiện nay môn địa lý được giảm tải khoảng 10% nhưng theo tôi là không đáng kể, lẽ ra phải giảm tải đến 30%. Trong đó, nhiều phần được giảm tải không hợp lý. Có những bài khó, như bài “Trái đất trong không gian” chẳng hạn, bốn tiết dạy không xong nhưng bộ giảm chỉ còn hai tiết. Nhiều bài tập khó quá làm một tiết không xong, nhiều giáo viên ngại dạy sẽ chỉ lướt qua. Mặt khác, Atlat phục vụ cho việc thi cử lại có quá nhiều sai sót vẫn chưa điều chỉnh. Cảng Đà Nẵng là cảng quốc tế nhưng Atlat chưa cập nhật, các nhà máy thủy điện đã xây xong nhưng trong Atlat ghi là đang xây”. Đồng quan điểm, cô Đoàn Thị Hải Lý, tổ trưởng tổ văn, cho rằng: “Thời lượng cho từng bài học hơi ngắn nên không đủ thời gian cho HS tiếp cận với tác phẩm, các em khó cảm thụ hết. Chúng tôi thường phải để HS về nhà đọc trước mà việc này thì khó kiểm soát được. Phân môn làm văn còn ít, đến lớp 12 càng ít nên các em ít được ứng dụng những gì đã học”.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nhận xét: “Việc giảm tải hiện nay là cách giảm cơ học, không hệ thống, chỉ là hình thức nhưng không thực chất. Nhiều kiến thức thừa nhưng cũng nhiều kiến thức thiếu, có kiến thức bị lặp lại mà không nâng cao. HS lớp 3 có bài tập nhìn một bức tranh trên đá để miêu tả cảnh làm ruộng của người dân Hi Lạp. Hay môn sinh học, học thực hành mổ ếch lại vào mùa không có ếch hoặc có nhưng rất đắt. Cần có những người tổng chỉ huy để phân bố chương trình hợp lý, đồng bộ trong mối quan hệ giữa các lớp, các môn và nhóm biên soạn SGK phải có thành phần là giáo viên dạy phổ thông”.

Dạy theo... đề thi

Nhiều ý kiến giáo viên cho rằng việc phân chương trình cơ bản và nâng cao còn bất cập - hiệu quả không cao mà lại gây khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy. Với kiểu “thi gì học nấy” như hiện nay thì không HS nào mặn mà với chương trình nâng cao. Nhiều giáo viên thẳng thắn cho biết họ dạy theo... đề thi của bộ. Đề như thế nào thì dạy HS thế ấy.

Thầy Lê Minh Tuấn, giáo viên môn toán, thẳng thắn góp ý: “Chương trình môn toán hiện nay hay nhưng quá nặng. Nặng nhưng lại nông quá và dàn trải quá. Chúng tôi là giáo viên lâu năm còn đuối huống gì là giáo viên mới ra trường hay HS ở vùng sâu vùng xa. Hiện nay có ban cơ bản và ban nâng cao, nhưng đề cho phép chọn cơ bản hoặc nâng cao, thế thì tội gì chọn nâng cao. Hiện nay quy định của bộ là học gì thi nấy, nhưng như thế thì không HS nào học nổi. Một bài khó, nếu dạy hay phải mất 12 tiết nhưng bộ chỉ cho có bốn tiết. Như vậy không thể thực hiện học gì thi nấy được”.

“Chương trình của hai bộ sách cơ bản và nâng cao chênh nhau hơn hai chương, HS được tự chọn nên hầu như không HS nào chọn nâng cao. Giáo viên nhiều trường cũng khuyên HS chọn đề cơ bản vì thời lượng dạy giống nhau nhưng khối lượng kiến thức của ban nâng cao quá nhiều. Theo tôi, nên thống nhất dùng một bộ sách, có thêm phần tham khảo, nâng cao dành riêng cho HS khá giỏi. Mặt khác, hiện nay hai bộ sách cơ bản và nâng cao do hai nhóm khác nhau thực hiện, trong đó một số vấn đề không thống nhất về quan điểm, nên giáo viên rất khó khăn khi dạy song song hai bộ sách cũng như khi ra đề thi” - thầy Nguyễn Hồng Lâm, giáo viên môn vật lý, nêu ý kiến.

Quy trình biên soạn SGK ở các nước như Mỹ, Úc đều có nghiên cứu rất kỹ về số lượng HS, sức mua của phụ huynh, tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí nghiên cứu HS cấp nào thì quan sát SGK ra sao, khi mở sách thì dừng lại ở đâu lâu nhất... Chuyện này ở nước ta chưa thực hiện được. Đội ngũ biên soạn sách rất giỏi nhưng lại ít gần gũi, am hiểu về giáo dục phổ thông. Cần phải có giáo viên phổ thông tham gia biên soạn bởi họ sống, làm việc với HS, nắm rõ chương trình. Ở Úc, SGK viết xong bảo vệ bản quyền, được thiết kế rất chuyên nghiệp, từ 6 màu trở lên, nhiều hình ảnh. Nhiều trường tự soạn chương trình riêng cho mình dựa trên định hướng của Bộ GD-ĐT, kết hợp nhiều loại sách khác nhau.

Ở Úc, nếu người dân phát hiện lỗi sai trong SGK, tác giả và nhà xuất bản phải trả cho họ 5 đôla/lỗi. Chương trình của họ chỉ từ 5-7 môn. Số tiết của tất cả các môn bằng nhau nên không phân biệt môn chính, môn phụ như ở VN.

PGS.TS NGÔ MINH OANH (viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục)

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên