Gần như người dân, nhất là ở thành thị, không biết phải làm gì trước những nguy cơ có thể xảy ra đối với cuộc sống của họ cũng như người xung quanh, không biết phải làm gì nếu xảy ra tình huống khẩn cấp ngoài việc tự nhủ là không đi ra đường nếu không có chuyện cần kíp. Do đó, tôi nghĩ rằng chính quyền cần gấp rút trang bị cho từng gia đình những kỹ năng cần thiết để ứng phó trước rủi ro. Cụ thể như sau:
Trước hết, cần xây dựng một trang web trong đó hướng dẫn cách thức nhận biết cũng như cách ứng phó trước từng loại nguy cơ như ngập nước, bão lũ, động đất, cháy nổ... Chẳng hạn khi có tình huống khẩn cấp xảy ra thì người dân nếu phải sơ tán cần mang theo những gì (loại và số lượng quần áo, các loại giấy tờ nào là quan trọng cần mang theo: giấy tờ nhà, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, khai sinh, thẻ bảo hiểm...), cách xử lý trước nguồn điện năng, bình gas trong nhà, cách sơ cấp cứu nếu chẳng may bị chấn thương, bảo vệ trẻ em như thế nào...
Bên cạnh đó, cần phát hành cuốn cẩm nang với những ngôn từ dễ hiểu, trong đó đưa ra những chỉ dẫn tối cần thiết cho người dân về cách thức ứng phó trong các tình huống khẩn cấp. Quyển cẩm nang này cũng cần kèm theo hình ảnh minh họa để mọi người dù không biết chữ cũng có thể biết cách áp dụng.
Như tại vùng Clermont-Ferrant (Pháp), chính quyền đã đưa lên trang web những hướng dẫn cụ thể cho người dân khi lũ lụt xảy ra, chẳng hạn: Trước khi lũ lụt xảy đến thì cần trữ nước uống, thu gom giấy tờ quan trọng, chuẩn bị một số loại thuốc uống cần thiết (tiêu chảy, cảm cúm...). Trong khi xảy ra lũ cần đóng tất cả cửa trong nhà, lên tầng cao (nếu nhà có tầng), tắt hết nguồn điện và gas, không nên đến trường tìm con vì ở trường đã có thầy cô chăm sóc các em, nghe radio, xem truyền hình và lắng nghe các hướng dẫn của giới chức có thẩm quyền. Sau khi lũ lụt xảy ra thì cần mở cửa thông gió cho tất cả phòng trong nhà, kiểm tra (hoặc nhờ thợ) các đường dây điện, ống dẫn gas trước khi bật lại công tắc điện, làm khô mọi thứ thật sớm...
Nếu chưa thể soạn và in được cuốn cẩm nang thì ít ra khi chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, cần triệu tập các cuộc họp tại tổ dân phố để phổ biến và hướng dẫn những kỹ năng cơ bản trong ứng phó với rủi ro cho các hộ dân.
Đồng thời, cần đưa vào giảng dạy các kỹ năng ứng phó với từng tình huống nguy cơ: động đất, bão lũ, cháy nổ cho học sinh ngay từ cấp tiểu học và phải lặp đi lặp lại việc giảng dạy các kỹ năng đó, sao cho các em có thể phản xạ tự nhiên khi đứng trước từng tình huống khẩn cấp.
Đất nước ta thường xuyên đối diện với rủi ro từ thiên tai, do vậy cần thiết phải có kế hoạch ứng phó và trang bị kỹ năng ứng phó cho từng người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận