Con tôi khi học lớp 4 luôn là người giải toán nhanh nhất lớp, một lần cô giáo đã khen rằng: “Chắc chắn sau này em sẽ là một tài năng xuất chúng”. Và vì lời khen ngọt ngào của cô nên con tôi chưa thôi nghĩ mình hơn người. Nhưng đó chỉ là lời khen “thời sự” dành cho những lúc con tôi giải bài toán khó bằng nhiều cách, lại nhanh nhất.
Nhưng con tôi lại ngộ nhận rằng giải toán nhanh như vậy là tài năng của mình đã được cô giáo công nhận. Thế nên khi càng bước vào những năm sau, khi vào một lớp toàn những “tài năng xuất chúng” khác khiến con phải khó nhọc “bơi” để không bị thua xa các bạn.
Những lời khen của thầy cô đôi lúc lại thành “lợi bất cập hại”. Đó không phải là thước đo năng lực của mỗi người. Những lời khen quá nhiều, quá liều, quá hoa mỹ lại khiến các em bị chủ quan lúc nào chẳng hay.
Điều dễ nhận thấy đó là thầy cô dường như không dám chê vì sợ làm phật lòng phụ huynh. Lỗi này cũng đừng đổ cho giáo viên, bởi vì là phụ huynh mấy ai muốn nghe những lời chê bai dành cho con mình, dù những lời chê ấy có đúng đến đâu đi chăng nữa.
Học trò cũ và mới tặng hoa chúc mừng thầy Thanh ("Người thầy mê học sinh cá biệt", Tuổi Trẻ 24-11-2014) nhân Ngày nhà giáo VN 20-11 - Ảnh: Như Hùng |
Thứ nữa, nếu giáo viên chỉ khen vài em trong lớp thôi có khi lại vô tình làm chạnh lòng nhiều phụ huynh khác. Những lời phê bình, góp ý thẳng thắn của nhiều người thầy khó tính đôi khi còn không được chấp nhận, thậm chí bị phụ huynh phản đối vì nghe không lọt tai, còn học sinh thì bật khóc, tủi hờn.
Nhưng thực tế cho thấy không ít em bị chê lại trưởng thành hơn, biết được điểm yếu mạnh của mình, biết người biết ta hơn, nên không chỉ tiến bộ trong học tập mà cả thành công sau này. Tôi có đứa cháu vì trong lớp được thầy cô khen quá nhiều nên khi đặt bút đăng ký thi đại học, cháu không ngần ngại chọn trường đỉnh nhất và cuối cùng cháu chỉ đạt 14 điểm (ba môn). Khi trượt đại học, cháu tôi bị sụp đổ hoàn toàn, ngay cả anh chị tôi cũng hoang mang với hình ảnh long lanh của con mình bấy lâu nay.
Độ chân thật của những lời khen không phải em nào cũng biết, ngay cả phụ huynh cũng ngụp lặn trong mớ bòng bong khen là khen. Thế nên học sinh thì ngộ nhận mình giỏi, phụ huynh thì không biết con mình là ai đã không còn gì lạ lẫm. Nhiều em đi vào vết xe đổ chỉ vì nghe khen. Bố mẹ thì yên tâm vì con giỏi rồi, thần đồng rồi nên không có được sự tỉnh táo định hướng đúng đắn khiến con mơ hồ, nhiều em lại nghĩ mình là nhất nên coi trời bằng vung.
Xin đừng làm khổ các em bằng những lời khen. Đành rằng những lời chê đúng có thể làm phật lòng phụ huynh nhưng lại giúp ích cho các em, để các em không bị lạc đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận