30/09/2014 11:12 GMT+7

​Cân nhắc khi xóa bỏ chợ truyền thống

C.V.KÌNH - XUÂN LONG
C.V.KÌNH - XUÂN LONG

TT - Cần cân nhắc thận trọng việc dỡ bỏ chợ cũ để xây chợ mới - trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp, bởi nhiều dự án thực hiện mô hình này đã thất bại.

Một góc tại trung tâm thương mại Hàng Da, Hà Nội chỉ thấy người bán, ít thấy người mua - Ảnh: N.Khánh

 

 

Tình trạng xảy ra thường là chợ cũ biến mất và TTTM ế khách, chỉ còn lại văn phòng cho thuê hay căn hộ.

Ông Doãn Công Khánh, Viện Nghiên cứu thương mại, khuyến cáo như vậy khi trao đổi với chúng tôi về xu hướng chuyển chợ thành chợ - TTTM đang được nhiều địa phương triển khai.

Ông Khánh khẳng định: Nhiều chợ sau khi nâng cấp, xây mới không đạt mục tiêu, nếu không muốn nói là thất bại. Xây mới, cải tạo thì dễ. Vấn đề là khôi phục hoạt động chợ như thế nào.

Thực tế cho thấy một số chợ tại Hà Nội sau khi bị xóa bỏ để xây chợ kết hợp với TTTM, nhưng giờ chỉ thấy... ngân hàng, doanh nghiệp thuê làm văn phòng...

Như vậy về mục tiêu, hiệu quả phải xem lại. Không phải vị trí nào cũng có thể biến thành siêu thị, TTTM. Không thể áp đặt chủ quan, duy ý chí.

Nhà đầu tư làm dự án nâng cấp chợ phải tính toán lợi nhuận là đúng, nhưng cần cân nhắc lợi ích tổng thể, đảm bảo đáp ứng nhu cầu có chợ của dân.

Nhà quản lý cũng phải cân nhắc, đừng để sau này chỉ còn TTTM, chợ không còn, tiểu thương kinh doanh không được, phải bán lại thì hoàn toàn mất chợ, người dân cảm thấy mất đi một cái gì đó thân thuộc.

Ông Doãn Công Khánh (Viện Nghiên cứu thương mại)

* Nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn, có xu hướng chuyển đổi chợ thành các TTTM. Ông nhận định gì về xu hướng này?

- Thời gian gần đây, chúng tôi có tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường các chợ, kết quả cho thấy rất nhiều chợ đang bị ô nhiễm (rác thải, nước thải...), nhiều rác, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Vì vậy, việc nâng cấp, cải tạo để chợ đẹp hơn, vệ sinh và tiện lợi hơn là chính đáng.

Tuy nhiên, có một thực tế là hàng loạt chợ ở Hà Nội như chợ Hàng Da, chợ Mơ, chợ Ô Chợ Dừa, chợ Cửa Nam... vốn rất sầm uất và là một phần văn hóa của Hà Nội, nhưng sau khi chuyển sang mô hình chợ - TTTM thì rất ế khách.

Do đó, việc cải tạo các chợ, rồi TTTM mọc lên đúng vị trí đó nhưng dân không vào, hoặc tiểu thương phản đối thì phải cân nhắc lại mục tiêu và cách tổ chức, cách làm. Cách làm với mỗi chợ phải khác, chứ không nên làm theo một môtip giống nhau.

* Có ý kiến cho rằng nhiều chợ bị đập đi xây TTTM không hẳn vì mục tiêu có chợ hoặc TTTM khang trang hơn, mà người ta quan tâm hơn đến dự án văn phòng, căn hộ sẽ mọc lên ở những dự án đó?

- Dù phần lớn các chợ đều nằm ở vị trí đắc địa, nhưng nếu chỉ trông chờ vào chợ hay TTTM khi chuyển đổi, việc thu hồi vốn phải kéo dài nhiều năm chứ chưa nói đến lợi nhuận.

Do đó, chủ đầu tư thường tính đến phương án dành một vài tầng làm TTTM, còn lại là làm chung cư, văn phòng cho thuê để thu hồi vốn nhanh và đạt lợi nhuận cao.

Việc nhà đầu tư đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu cũng là điều dễ hiểu bởi kinh doanh phải tính toán đến lợi nhuận.

Nhưng về phía cơ quan quản lý, khi xét duyệt cần cân đối lợi ích. Cần tránh kiểu chuyển chợ thành TTTM, chủ yếu là lấy đất giao cho chủ đầu tư xây chung cư, văn phòng cho thuê...

Với những dự án kiểu này, chủ đầu tư có thể được lợi lớn từ lợi thế đất đai.

Khi đó, phần chợ hoặc TTTM không có khách cũng không sao cả, chỉ tiểu thương thiệt. Theo tôi, phải khách quan, có nơi không nhất thiết phải xây TTTM, mà có thể chỉ cần cải tạo, nâng cấp thành chợ có vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tốt hơn.

* Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại rằng nếu xóa chợ để xây TTTM, nhưng dân không vào các TTTM đó, lại dẫn đến tăng số chợ cóc tự phát - ngược với mục tiêu xóa bỏ chợ tạm?

- Đúng vậy. Có chợ ở Hà Nội được cải tạo thành tòa chung cư, có mấy tầng làm chợ, TTTM. Kết quả Hà Nội có công trình đẹp - một tòa nhà chung cư.

Nhưng chợ tại tầng dưới cứ thu hẹp dần. Khi nhu cầu của người dân vẫn còn thì hệ quả tất yếu là chợ cóc, chợ tạm tại các ngóc ngách xung quanh xuất hiện.

Nó làm khổ cả chính quyền địa phương, công an suốt ngày phải đi dẹp trật tự. Người dân cũng khổ, kéo theo ô nhiễm, vệ sinh môi trường.

* Theo ông, không nên cứ hiện đại là phải dẹp bỏ chợ truyền thống để xây TTTM?

- Chợ nổi ở miền Tây người ta vẫn rất thích, thậm chí cả người nước ngoài cũng thích. Chợ xập xệ quá thì đúng là không thích vào, nhưng không phải cứ bỏ tiền, đập đi xây mới là được.

Chợ chứa đựng yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống. Chợ tình Sa Pa nếu bêtông hóa thì chẳng ai muốn vào...

Hà Nội từng cấm bán hàng rong. Nhưng có học giả người Mỹ khi nghiên cứu lại bảo hàng rong là nét đẹp của thủ đô.

Chuyên gia Mỹ nói có thể tới đây, Hà Nội còn phải thuê người đóng vai bán hàng rong để tái tạo lịch sử.

Quan điểm của ông ấy là không nên cấm, mà quy hoạch, cho phép có địa điểm để bán hàng rong. Chợ truyền thống cũng vậy, nó cũng là nét đẹp văn hóa, lịch sử.

Nên phát triển đa dạng loại hình chợ, kết hợp yếu tố văn hóa vùng, miền. Tuy nhiên, nên có đầu tư, nâng cấp, cải tạo, để chợ văn minh hơn...

* Như vậy, giải pháp nào để hạn chế chợ tạm, chợ truyền thống nhếch nhác, nhưng vẫn đảm bảo có chợ tiện lợi cho người dân đến mua sắm?

- Hiện nhiều chợ nhếch nhác nhưng người ta vẫn đến vì nó thuận tiện. Đó là thực tế, nên phải chấp nhận nhiều nơi sau cải tạo vẫn phải là chợ, buôn bán những ngành hàng theo kiểu truyền thống. Cái rất quan trọng là khi lên phương án tu bổ, phải có dự báo, nghiên cứu.

Theo tôi, nếu khi cải tạo chợ, biến nó thành các TTTM thì trước đó có điều tra xã hội học sẽ rất tốt. Các chủ đầu tư hiện nay đều có tính toán, dự báo, nhưng tính khoa học, chính xác, thực tiễn phải suy nghĩ lại.

Trước khi làm, cần tìm hiểu kỹ, tham vấn ý kiến người dân như: nếu xây TTTM ở đây, ông bà có đến mua không?

Với những câu hỏi cụ thể như có hầm, phải bỏ tiền gửi xe ông bà có đến mua không? Khâu dự báo trên, theo tôi ở nhiều nơi còn bị coi nhẹ, tới đây cần làm bài bản.

* Theo ông, cách nào để hài hòa quyền lợi các bên khi chuyển chợ thành TTTM?

- Tại các chợ cóc, chợ tạm, khách hàng chỉ cần dừng xe lại là mua được, giá cả thuận mua vừa bán, lại không phải gửi xe.

Trong khi đó, khi mua hàng tại các chợ kết hợp với TTTM, khách hàng lại phải gửi xe, thậm chí gửi xe dưới hầm, mất tiền nên cảm thấy không thích. Đây là lý do nhiều chợ đang sầm uất nhưng sau khi bị biến thành TTTM lại ế khách.

Do đó, đập chợ đi xây TTTM phải tính đến truyền thống mua sắm, thói quen tiêu dùng của người dân. Không đơn giản chỉ là đẹp hơn, sạch hơn mà được.

Để hài hòa, đạt được mục đích cải tạo chợ, theo tôi, khi chuẩn bị cải tạo một chợ thành các TTTM hoặc hình thức nào đó, cần tham khảo rộng rãi ý kiến người dân.

Như Nhật Bản trước khi làm, họ đưa dự thảo, xin ý kiến người dân, từ hộ kinh doanh đến người dân sống ở địa bàn ấy...

Các tập đoàn nước ngoài khi đầu tư TTTM, siêu thị họ làm rất cẩn trọng. Họ dự tính cả lưu lượng khách từng giai đoạn, kênh cung cấp nguồn hàng, nhân lực, rồi còn phải marketing nữa... Phải thế mới tạo sự kích thích, hiệu quả khi cải tạo chợ.

 

C.V.KÌNH - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên