Ông ta nhận hối lộ tổng số tiền điều tra được lên tới 21,5 tỉ đồng. Vậy mà thản nhiên khai khi cầm tiền đút lót đã không nhận thức được đây là việc làm sai trái. Đúng là cạn lời!
Các thông tin cho thấy ông Dũng vốn là cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, có bằng cấp thạc sĩ. Ông là một trong những bị cáo có chức vụ cao nhất phải hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Ông được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự - đơn vị đầu mối nhận hồ sơ từ những doanh nghiệp tham gia các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đợt dịch COVID-19.
Ông cũng chính là người ký công văn xin ý kiến các bộ Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải, rồi sau đó ký đề xuất gửi lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch cho các chuyến bay. Rõ ràng vai trò của ông Dũng rất quan trọng, là người chủ chốt trong việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách mang đậm tính nhân đạo.
Quyền lực lớn, lẽ ra trong lúc nước sôi lửa bỏng, khắp nơi lao đao bởi biết bao nhân mạng đang bị uy hiếp, ông Dũng phải dùng quyền lực của mình để thực thi công vụ một cách hiệu quả nhất, nhanh lẹ nhất.
Đằng này ông lại khai thác thời điểm cực kỳ khó khăn để trở thành mắt xích của "liên minh ma quỷ", nhằm kiếm chác và thu lợi cá nhân. Tham nhũng, vốn là không thể chấp nhận, nhưng bất chấp đại dịch, đạp qua nỗi đau khổ của người khác, thẳng tay vơ vét những khoản tiền kếch xù thì lại càng thể hiện sự sa đọa tận cùng.
Từ cổ chí kim, màn kịch đưa hối lộ thường diễn ra sau cụm từ "xin đa tạ", mấy ai trắng trợn nói "đây là tiền hối lộ, ông cầm lấy". Những quan chức như ông Dũng vẫn dựa vào đấy để ngụy biện cho lương tâm và ngụy biện trước xã hội, trước cơ quan chức năng rằng đây là do đối tác "cảm ơn".
Tất nhiên là họ luôn kèm theo màn diễn "lần sau đừng đưa nữa", nhưng đưa là lại nhận tiếp, nếu đưa nữa thì lại nhận nữa, chẳng thế mà ông Dũng có tới 37 lần nhận "cảm ơn". Cái vòng ma mãnh đó liên tục xảy ra và được bao bọc dưới kiểu suy nghĩ hết sức ngây ngô đến nực cười: "Bị cáo nhận và không mở ra xem, chỉ nhận thức đấy là quà của doanh nghiệp".
Người học cao, tài rộng, chức tước trọng vọng ở tầm của ông Dũng hẳn hiểu rất rõ bản chất trò "cảm ơn", cứ thử quên "cảm ơn" là mọi chuyện sẽ ách tắc, bột đường hư hết, chớ mơ làm nên cơm cháo. Có thể ông Dũng không cần trực tiếp "bóp nặn" doanh nghiệp, cấp dưới trong đường dây thay ông làm cả.
Trước tòa, những bị cáo đưa hối lộ đều khai nhận từng bị o ép, quát nạt, ngã giá như thế nào. Có bị cáo còn nói thẳng: "Cục Lãnh sự không bảo hộ công dân mà hành dân". Hành để làm gì? Cụ Nguyễn Du giải thích trong Truyện Kiều là "chẳng qua vì tiền".
Không thể nói ông Dũng kém nhận thức khi cầm tiền lót tay của các doanh nghiệp. Phải khẳng định là ông ta hiểu rất rõ những việc làm của mình. Chẳng qua ông ta bị khuất phục bởi sự tha hóa, để cho bản năng tham lam thoát ra khỏi sự kiểm soát.
Khi mọi việc phơi ra ánh sáng thì đổ vấy cho điều nọ điều kia bằng những lời vớ vẩn, ngớ ngẩn. Nếu cứ im lặng chấp nhận cái lý lẽ hoang tưởng ấy, hóa ra pháp luật, đạo đức, tiêu chuẩn văn minh chỉ là một thứ ngôn từ hào nhoáng rỗng tuếch.
Bài học cho câu chuyện của ông cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao vẫn là câu nói cũ: công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ "có vấn đề". Để một người như ông Dũng lọt qua tất cả các bước quy trình là rất không ổn. Và ông Dũng không phải là trường hợp đơn lẻ. Thật đáng tiếc nếu sự việc tương tự tái hiện!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận