Gần 500 khán giả đã lấp kín khán phòng buổi trò chuyện tại hội trường Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Nhiều bạn sinh viên sẵn sàng ngồi dưới đất để lắng nghe các diễn giả trao đổi suốt hơn hai giờ.
Nhiều vấn đề hóc búa đã được đặt ra: Cần yếu tố gì để văn học trẻ Việt Nam vươn ra thế giới? Văn học trẻ đang đối mặt khó khăn và thách thức gì? Văn học dịch có hỗ trợ văn học sáng tác? Những ảnh hưởng của văn học mạng? Ràng buộc nào khiến những cây bút trẻ không dám bứt phá? Văn học đại chúng có thể sống lâu dài không? Tác giả trẻ cần chủ động quảng bá cho tác phẩm của mình ra sao?...
Để vươn ra thế giới, trước hết phải viết hay
Theo nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, để văn học trẻ vươn ra thế giới, trước tiên tác phẩm phải hay. Muốn sáng tác hay, người viết phải có tài. Ngoài năng khiếu, còn cần sự khổ luyện và chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, ngôn ngữ, sự hiểu biết, từng trải của riêng mỗi người.
Văn học trẻ Việt Nam đang có những bước tiến rõ ràng. Thế hệ 7X có những tác giả mang tầm vóc văn chương như Nguyễn Ngọc Tư, Vũ Đình Giang. Thế hệ 8X, 9X, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Trường An... đang khẳng định tài năng.
Các bạn mạnh dạn viết về lịch sử, đặt ra những vấn đề, câu hỏi mới mà thế hệ cha anh chưa chạm đến. Khác với thế hệ trước có quá nhiều tính báo chí trong tác phẩm, đôi khi quên mất cái vỏ tải quan trọng nhất là ngôn ngữ. Thế hệ trẻ chú trọng nhiều hơn đến cách biểu đạt.
Đồng tình với nhà văn Bích Ngân, TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng nhiều cây bút trẻ Việt trước đây có phỏng theo các nhà văn thế giới, nhưng hiện tại, các bạn mang đến nhiều thú vị khi thể nghiệm các chất liệu cổ tích, sử dụng bút pháp siêu thực...
Văn học dịch tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Và theo dịch giả Hương Châu, đó cũng là động lực để văn học trẻ vươn ra thế giới.
Đọc văn học dịch, những cây bút Việt sẽ có thêm góc nhìn về thế giới, nhận ra những tác giả lớn cũng từng đối mặt khó khăn như mình. Từ đó, các bạn bớt lo âu, có dũng khí để viết và viết chân thực hơn, dám mạnh mẽ lên tiếng về những vấn đề xã hội.
Việc dịch tác phẩm Việt ra tiếng nước ngoài cũng mang lại động lực cho sự hội nhập văn chương.
Tin tưởng ở người viết trẻ
Về văn học mạng, các diễn giả đều đồng ý văn học mạng giúp giảm áp lực về xuất bản, kiểm duyệt, giúp các bạn trẻ dám viết và có được bước nhảy khởi đầu. Nhưng sáng tác là chiến đấu với cô đơn. Nếu các tác giả của văn học mạng không biết tiết chế, thu mình để giữ cái tôi khi sáng tác thì rất nguy hiểm.
Theo nhà văn Bích Ngân, tác giả phải chân thực với chính mình, sống thế nào viết thế ấy, và phải tiếp tục đòi hỏi bản thân luôn trau dồi vốn văn hóa.
Là dịch giả chuyên về văn học Hàn Quốc, TS Nguyễn Thị Hiền chia sẻ văn học Hàn đang dần định vị trên bản đồ văn học thế giới nhờ có chiến lược. Tác phẩm phải vừa toàn cầu hóa vừa địa phương hóa, sử dụng chất liệu truyền thống nhưng bút pháp hiện đại.
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang bổ sung một số nhà văn trên thế giới có chiến lược khi viết, có người quản lý. Nhưng vậy có trung thành với điều mình viết, có còn giữ được bản sắc? Anh luôn tự nhắc: hãy đi đến tận cùng bản thân thì sẽ gặp được nhân loại.
Có mặt tại buổi trò chuyện, GS.TS Huỳnh Như Phương bày tỏ niềm vui khi trong một ngày, ông được dự hai sự kiện là giải Văn học trẻ 2022 và buổi tọa đàm văn chương với những trao đổi rất sâu sắc này.
"Mọi giá trị văn hóa, văn học hiện tại đang trôi quá nhanh, các tài năng bị bỏ lại cũng nhanh. Nhiều điều mình cần tiếp cận khác. Văn học có thể không cần đòi vĩnh cửu, không phải luôn toàn bích dẫu đó là đích đến.
Khi một người lựa chọn ngôn ngữ viết, ví như chọn tiếng Việt, bản thân việc lựa chọn đã là bản sắc. Tôi luôn tin lớp trẻ sẽ làm nên chuyện, và có những cảm hứng lan tỏa từ chính những cuộc trò chuyện thế này" - GS Huỳnh Như Phương chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận