25/05/2022 08:23 GMT+7

Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học

PHAN HỒN NHIÊN
PHAN HỒN NHIÊN

TTO - Trong dòng chảy bộn bề của sự kiện, hầu hết các cuộc thi văn chương đang dần suy giảm độ hấp dẫn với cả người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, Văn học tuổi 20 là một ngoại lệ.

Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học - Ảnh 1.

Ban tổ chức, hội đồng chung khảo và các tác giả đoạt giải Văn học tuổi 20 lần bảy (hàng trên, cầm hoa, từ trái qua): Hiền Trang, Nguyễn Thu Hằng, cha của Duy Ân (nhận thay tác giả Duy Ân), Yang Phan, Lê Quang Trạng, Nguyên Nguyên và Hoàng Công Danh - Ảnh: LÊ ĐỨC TRUNG

Ở lần thứ bảy được tổ chức, với chủ đề "Tuổi 20 hôm nay - Cuộc sống và góc nhìn", cuộc thi là cuộc tập hợp đáng để tham dự nhất với các cây bút đang trên hành trình khẳng định bản thân trên địa hạt văn chương và cả những ai mới vừa thử sức với công việc sáng tác.

Con số 511 tác phẩm gửi dự thi và 12 tác phẩm được chọn vào chung khảo cho thấy sức hút cũng như độ cạnh tranh thực sự của cuộc thi. Từ góc độ độc giả, để nhận diện các nhân tố độc đáo và tiềm năng cho văn học tương lai, hay chỉ đơn giản tìm đọc một số tác phẩm đặc sắc của người trẻ ngay tại thời đoạn này, rõ ràng Văn học tuổi 20 là từ khóa đáng tin cậy.

Diện mạo tinh thần giới trẻ

12 tác phẩm vào chung khảo đại diện khá trọn vẹn cho các xu hướng sáng tác của người viết trẻ hôm nay. Ở mùa giải lần sáu, sự đa dạng thể tài và hình thức thể hiện đã ghi dấu đẹp thì ở lần thứ bảy, những vấn đề của cuộc sống và thế giới đương đại được thể hiện bằng góc nhìn mới lạ, thậm chí khác biệt, chính là điểm nhấn đáng kể nhất.

Trong những năm gần đây đã hình thành nên một thế hệ nhà văn trẻ mà các cây bút của Văn học tuổi 20 là những cái tên cần được quan tâm. Như ở hai cây bút Hiền Trang và Nguyên Nguyên, thế giới chúng ta đang sống được trình bày theo cách thức mới mẻ: những đường biên về nơi chốn hay danh tính nhân vật được làm mờ đi, bối cảnh và nhân vật có thể thuộc về bất kỳ nơi đâu trên thế giới này. Để tồn tại, người trẻ không thể không nhận diện bản thân và tự đối diện.

Với tập truyện ngắn Có thú dữ trong thành phố, Nguyên Nguyên chỉ ra được các tình thế của người trẻ hiện đại, những áp lực mà họ phải đương đầu, trạng thái trống vắng, nỗi cô độc và sự bất định. Còn với Chopin biến mất, thông qua các suy nghiệm từ âm nhạc, Hiền Trang đặt vấn đề tìm kiếm bản thể của mỗi cá nhân, ý nghĩa của sự tồn tại và cái chết. Diện mạo tinh thần giới trí thức trẻ phần nào có thể nắm bắt từ hai tác phẩm này.

Đậm chất "đời" hơn, sử dụng linh hoạt yếu tố tín ngưỡng, Bảy bảy bốn chín của Hoàng Công Danh chia sẻ một góc nhìn khá thú vị về nhân duyên, đặt ra phản đề về sự xa lạ giữa vợ và chồng - các cá nhân lẽ ra gần gụi và hiểu nhau hơn cả. Những bất trắc và thất vọng của con người hôm nay phải chăng chính vì họ đã mất đi khả năng thấu hiểu người sống bên mình?

Viết như là sống, quan niệm này thể hiện rõ nét ở hai tập truyện ngắn Vệt sáng của bụiChuồng cọp trên cao. Trên lớp nền hiện thực cuộc sống hôm nay, nhà văn phát hiện các biến đổi đời sống bên trong của con người, chia sẻ cách họ sinh tồn trong sự biến thiên của thời cuộc. Khi đặt dưới góc nhìn thấu hiểu và nhiều rung cảm, không gian miền Tây sông nước của Lê Quang Trạng hay nông thôn Bắc Bộ của Nguyễn Thu Hằng mang đến cho những ai yêu mến dòng văn học hiện thực niềm hứng thú và hài lòng nhất định.

Giải thưởng Văn học tuổi 20: Những cá tính cần cho văn học - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - giải nhất Văn học tuổi 20 lần hai - tặng hoa cho Yang Phan - giải nhì Văn học tuổi 20 lần bảy - Ảnh: L.Đ.T.

Tôi chọn Văn học tuổi 20 bởi tính cởi mở và phát hiện của cuộc thi. Giải thưởng không hẳn tìm những cây bút lão luyện. Tôi nghĩ đôi khi ta luôn trông chờ những viên kim cương được dọn sẵn. Hoặc người ta săn đón những món đồ đắt khách. Nhưng can đảm là ta đào sâu lớp đất để kiếm vàng thô, xấu xí. Văn học tuổi 20 đã dũng cảm làm được điều đó.

Yang Phan (tác giả Vụn ký ức - giải nhì VHT20 lần thứ bảy)

Viết như hành trình đào sâu tri thức

Một thời đại có quá nhiều phương tiện kết nối nhưng con người mất đi mối liên kết với thế giới xung quanh là chủ đề đang được quan tâm. Công nghệ thay đổi con người và xã hội, mỗi cá nhân đều bị nhào nặn theo những cách thức mà chính họ cũng không ngờ.

Chọn ngôn ngữ - phương tiện kết nối nền tảng - làm chất liệu chính cho tập truyện ngắn Nửa lời chưa nói, Duy Ân mang đến góc nhìn khác lạ, chuyên sâu nhưng vẫn đầy sảng khoái về vai trò của ngôn từ, sự biến đổi và tác động vô hình của nó trong cách mỗi người chúng ta thể hiện bản thân và giao tiếp với nhau.

Cũng trên nền chủ đề kết nối, Vụn ký ức của Yang Phan chạm đến độ sâu cần thiết của văn chương khi anh viết về khoảng trống mỗi cá nhân có thể gửi lại trong thế giới này. Có những câu đặt ra buộc người đọc phải suy nghĩ như "Anh không quen việc gắn kết với ai đó trọn đời. Anh muốn sống thế này, chẳng thuộc về người nào cả". Chúng ta mưu cầu tự do và đã đạt được nhiều biểu hiện về tự do. Nhưng thoát ra khỏi liên kết của tình thân như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thì ta còn lại gì? Để trả lời câu hỏi ấy, cần đến những trang viết như Vụn ký ức.

Đặt ra các câu hỏi nhân sinh và tự tìm lời đáp là cách những nhà văn của Văn học tuổi 20 khẳng định cái "tôi" chính mình cũng như thế hệ mà các bạn đại diện. "Tôi" không phải thứ có sẵn, mà được nuôi dưỡng khi mỗi cá nhân bước ra cuộc sống ngoài kia, chắt lọc thành trang viết. Với mùa giải lần bảy, những cá tính cần thiết cho văn học đã hiện ra. Dù tác phẩm được giải hay không, dù giải cao hay thấp, bạn đọc và giới viết đặt nhiều kỳ vọng ở Hiền Trang, Mai Thanh Nga, Lê Quang Trạng, Yang Phan, Nguyên Nguyên, Duy Ân, Hoàng Công Danh...

Viết với nhà văn trẻ là hành trình không được phép ngơi nghỉ. Đào sâu tri thức, mở rộng không gian nghệ thuật, chấp nhận đổi thay để sáng tạo, tìm kiếm mục đích mới để theo đuổi, lắng nghe trái tim và những điều tốt đẹp của cuộc sống này... Những thông điệp cốt lõi của Văn học tuổi 20 vẫn ở đấy, luôn đáng giá, dù thế giới chẳng còn như cũ năm năm sau, mười năm sau.

Như là có lỗi với kỳ vọng...

Sau 5 lần liên tiếp tìm ra giải nhất với Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc và Nhật Phi, Văn học tuổi 20 lại vừa có hai lần liên tục chỉ trao được giải nhì. Dù là hai giải nhì, như lần thứ bảy này, thì đó vẫn là một nỗi buồn, nỗi "trống vắng" cho chính những người chấm giải. Như là có lỗi với sự kỳ vọng!

Nhưng biết làm sao. Những tập truyện ngắn viết chưa đều tay, những truyện dài chưa thật dày vốn sống, những diễn đạt đôi chỗ vụng về, những dông dài nhiều khi không đáng có, những mới lạ đôi lúc rơi vào xa lạ... đều có thể là những lý do để tác phẩm này hay tác phẩm khác chưa được điểm 10 trọn vẹn trong mắt ban giám khảo.

Và như không thể khác, tác phẩm của hôm nay, người viết của bây giờ, người đọc của hiện tại, nên giải thưởng của lúc này cũng không hẳn là một "cam kết" trước một con đường còn dài thăm thẳm với không ít những gập ghềnh và lắm khúc quanh. Bảy mùa giải đã trao, nhiều cây bút trẻ đã cất cánh và cũng không ít người trẻ đã bỏ cuộc chơi lâu rồi.

Cuộc thi khép lại, nhưng với nhiều người viết trẻ, sự chờ đợi vẫn ở phía trước. Giải thưởng dù thế nào cũng chỉ là một lời cổ vũ, một bệ đỡ nho nhỏ cho một khát vọng văn chương cần thiết sự dấn thân.

THÚY NGA (nhà báo, thành viên hội đồng chung khảo)

'Vụn ký ức' và 'Nửa lời chưa nói' đoạt giải nhì Văn học tuổi 20

TTO - Giống như mùa giải lần thứ 6, Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 tiếp tục không có giải nhất. Hai giải nhì được trao cho truyện dài 'Vụn ký ức' của Yang Phan và tập truyện ngắn 'Nửa lời chưa nói' của Duy Ân.

PHAN HỒN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên