Năm nay, thành phố Bethlehem ở Bờ Tây đã hủy bỏ toàn bộ sự kiện liên quan đến lễ đón Giáng sinh bởi tình hình chiến sự căng thẳng tại Trung Đông.
Nhiều tuyến đường đi đến địa điểm hành hương nổi tiếng này đã bị lực lượng Israel phong tỏa, trong khi nhiều thị trấn khác trong khu vực cũng bị tấn công dữ dội.
Địa điểm từng chào đón hàng nghìn tín đồ và du khách tham quan hiện tại chìm trong sự vắng lặng chưa từng có.
Thông thường, Bethlehem là một thành phố đông đúc, đầy khách du lịch - anh Abood Suboh, 30 tuổi, chia sẻ với Đài AFP khi đang đứng trong cửa hàng bán khăn quàng cổ và túi xách da trống vắng.
"Cuộc chiến này đã chấm dứt mọi thứ", anh ngậm ngùi nói.
Tháng 11, lãnh đạo giáo hội ở thủ đô Jerusalem và hội đồng thành phố Bethlehem đã quyết định hủy bỏ "các lễ hội không cần thiết" để bày tỏ tinh thần đoàn kết với người dân Gaza trong khi chỉ còn vài tuần ngắn ngủi nữa là đến Giáng sinh.
Tuy nhiên, từ lâu người dân địa phương đã sống dựa vào việc bán hàng cho du khách trong dịp lễ này.
Ông Jack Giacaman, chủ cửa hàng lưu niệm Christmas House, cho biết 80% doanh số cửa hàng là ở giai đoạn cuối năm.
Ông cho biết đã phải vay tiền để vực dậy công việc kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Mọi chuyện đang tiến triển theo đúng dự định thì đột nhiên chiến tranh xảy đến.
"Bây giờ chúng tôi không biết làm thế nào để trang trải chi phí", ông nói thêm.
Nhà thờ Giáng sinh đã dựng tiểu cảnh Chúa hài đồng nằm giữa đống đổ nát với những ngọn nến xung quanh.
"Đây chính là Giáng sinh ở Palestine. Nó là một thông điệp", mục sư Munther Isaac của nhà thờ Giáng sinh Tin Lành Lutheran khẳng định.
Một tác phẩm sắp đặt tương tự cũng sẽ được dựng ở Quảng trường Manger trước đêm Giáng sinh.
Giữa bom đạn chiến tranh, những đứa trẻ ở Gaza cố gắng gom nhặt chút niềm vui Giáng sinh ít ỏi còn sót lại.
Chúng tụ tập giữa những căn lều bên ngoài thị trấn Rafah - nơi trú ẩn của hàng trăm nghìn người Palestine, để đàn hát, nhảy múa, trò chuyện, khiêu vũ và nhào lộn.
Nizar Shaheen, 15 tuổi, nói với Hãng tin AFP rằng cậu thấy "nghẹt thở" bởi cuộc sống gắn liền với trại tị nạn.
"Em muốn quên đi những lo lắng và những người đã mất", cậu bé nức nở.
"Em muốn sống lại tuổi thơ như trước đây. Chúng em không biết phải đi đâu cả. Giờ không có thức ăn, nước uống và cũng chẳng có gì cả", Shaheen nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận