Sáng 23-5, phát biểu thảo luận tổ về kinh tế - xã hội ở Quốc hội, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho hay báo cáo của Chính phủ nêu một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm, không dám đề xuất.
"Nhưng bây giờ có cảm giác không phải một bộ phận mà là số đông", ông Sỹ nêu.
Vì sao cán bộ sợ sai, không dám làm?
Ông nói việc khắc phục tình trạng sợ sai, né tránh trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ công chức, Thủ tướng đã có 4 công điện, bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tích cực chỉ đạo việc này nhưng tình hình không có chuyển biến.
Vị đại biểu này cũng đặt vấn đề Chính phủ đã ban hành nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
"Nhưng không biết có địa phương, cơ quan nào thực hiện được không? Tôi nghĩ không ai thực hiện được? Nguyên nhân vì đâu, chúng ta phải làm rõ...", ông Sỹ nêu.
Ông cho rằng phải chăng do trong quá trình đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, chúng ta đã vào cuộc, đạt hiệu quả rất tốt, nhưng đi đôi với đó dẫn đến một số cán bộ sợ trách nhiệm?
Về nguyên nhân của tình trạng "sợ sai, né tránh trách nhiệm", đại biểu Sỹ cho hay trước đây, nhiều ý kiến đại biểu, trong đó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đều kiến nghị xem xét sửa lại điều 219 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
"Chúng ta phải sớm phân loại làm rõ, luật cần bổ sung thêm các yếu tố có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng", đại biểu Sỹ kiến nghị.
Ông Sỹ dẫn chứng việc tính giá đất, Bình Thuận có vụ việc lúc đầu tính giá đất hơn 4.000 tỉ đồng, sau tính lần 2 còn 2.900 tỉ đồng, lần 3 còn 2.200 tỉ đồng, lần 4 còn 1.500 tỉ đồng. Mà việc này do các cơ quan trung ương thực hiện.
Hay trong một vụ án hình sự vừa khởi tố, ban đầu từ thất thoát hơn 3.000 tỉ, sau chỉ còn hơn 670 tỉ.
"Bình Thuận có những dự án rất lớn và có dự án gần 1.000ha, chỉ cần 1m2 lệch chỉ khoảng 100.000 đồng thôi là lệch không biết bao nhiêu tiền rồi, dù anh em không có tiêu cực, tham nhũng.
Rất khó khăn, đây chính là cái dẫn đến anh em sợ không dám làm. Gần như bị khởi tố về tội này rất nhiều, dù không chứng minh được yếu tố vụ lợi trong này", ông Sỹ nêu.
Ông cho rằng quá trình xử lý phải phân loại, đánh giá trường hợp nào có tiêu cực, trường hợp nào tham nhũng phải xử lý nghiêm.
Trường hợp nào trong quá trình tính toán có thể có sai sót, không có động cơ vụ lợi thì "chúng ta nên xem xét xử lý hợp lý hơn".
"Có như vậy, cán bộ, công chức mới mạnh dạn hơn. Giống phòng chống dịch, phân loại những ai mua các thứ (thiết bị, vật tư y tế) có thể không đúng nhưng không có động cơ vụ lợi thì xử hành chính.
Còn tiêu cực, tham nhũng xử lý hình sự", ông nói và chỉ rõ nếu làm được như vậy mới khắc phục được tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm không dám làm.
"Nếu không nghị định 73 sẽ không được thực hiện trên thực tế", ông Sỹ lo ngại.
Cần hướng dẫn kỹ về nội dung thẩm định giá đất
Đại biểu Sỹ đồng tình đề xuất Luật Đất đai nên áp dụng sớm từ 1-7-2024, trong đó phải quy định để cách tính giá đất dễ thực hiện và cán bộ trong cơ quan tham mưu công tác này thuận tiện trong cách làm.
"Hiện nay các cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra thì thành phần trong hội đồng thẩm định giá đất, thậm chí tổ giúp việc hội đồng cũng thuộc diện xem xét điều tra, một số bị bắt giam", ông Sỹ nói.
Theo ông Sỹ, trong thẩm định giá đất, công ty tư vấn đi khảo sát, thẩm định, còn hội đồng chỉ thẩm định lại các bước làm có đúng quy định không.
"Chủ tịch tỉnh là chủ tịch hội đồng thẩm định giá đất có đi khảo sát số liệu đâu, ông chỉ căn cứ số liệu của đơn vị tư vấn. Nhưng quy trách nhiệm thì quy hết", ông Sỹ nói.
Ông dẫn chứng tại Bình Thuận có 2 vụ án, có những người chỉ đi họp một buổi và có chữ ký trong đó cũng bị điều tra.
"Cả những anh em trong tổ giúp việc cho hội đồng, làm nhiệm vụ đánh máy, lo tài liệu bây giờ cũng diện đó (điều tra - PV). Điều này làm dường như anh em sợ hết. Vì vậy, nếu Luật Đất đai không có hướng dẫn kỹ về nội dung thẩm định giá đất sẽ rất khó cho sau này", ông Sỹ nói.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm chưa có dấu hiệu thuyên giảm như đại biểu phản ảnh.
Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Trà nói công nhận hệ thống thể chế có mặt chưa đồng bộ, thống nhất, có những mặt khi tiếp cận còn có cách hiểu khác nhau… dẫn đến khi thực thi công vụ khó khăn, lúng túng.
Cùng với đó, năng lực, trình độ hiểu biết pháp luật để thực thi các quy định một số nơi chưa tốt.
Bên cạnh đó, khi siết chặt kỷ cương, kỷ luật, khi xử lý nghiêm khắc, kiên quyết, kiên định và thẳng tay những vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, đúng là có một số cán bộ có tâm lý e dè, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, việc này không được.
"Ở đây cần lưu ý đến trách nhiệm người đứng đầu. Ở đâu trách nhiệm người đứng đầu tốt sẽ phát triển tốt, mọi việc vẫn tốt", bà Trà nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận