23/05/2024 12:04 GMT+7

'Có những việc trước đây quyết mà giờ không dám quyết, cứ hỏi cấp trên'

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ tình trạng sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức để có giải pháp hữu hiệu.

Ông Đồng Ngọc Ba (đại biểu đoàn Bình Định) nêu những bất cập trong sắp xếp vị trí việc làm - Ảnh: N.AN

Ông Đồng Ngọc Ba (đại biểu đoàn Bình Định) nêu những bất cập trong sắp xếp vị trí việc làm - Ảnh: N.AN

Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. 

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng thời gian qua thấy rõ tinh thần Chính phủ hành động và quyết liệt, đóng góp các lĩnh vực, đặc biệt trong ba khâu đột phá là thể chế, nhân lực, hạ tầng (hạ tầng giao thông). 

Do chất lượng xây dựng vị trí việc làm hay quy định không rõ ràng?

Tuy nhiên điều đáng lo ngại là tình trạng một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt, kịp thời, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, mặc dù đây là trách nhiệm phải thực hiện, là nghĩa vụ của cán bộ công chức.

Dẫn ra số liệu năm 2023 và đầu năm nay đã xử lý kỷ luật với gần 18.000 trường hợp cán bộ công chức, ông Ba đặt câu hỏi là vậy có bao nhiêu trường hợp vi phạm liên quan đến đạo đức công vụ, trốn tránh và thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc?

Phân tích nguyên nhân, ông Ba cho rằng chất lượng xây dựng các vị trí việc làm có vai trò quan trọng để đánh giá năng lực nhưng kết quả thực hiện vẫn còn nhiều việc phải bàn. 

Bởi qua báo cáo, công tác tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức.

Thậm chí, có những cơ quan, đơn vị đã có vị trí việc làm nhưng tỉ lệ cán bộ, lãnh đạo vẫn rất cao, có những trường hợp chiếm tới 50%, tỉ lệ số lượng lãnh đạo/nhân viên là mất cân đối. 

Chưa kể, quy định liên quan đến phương pháp đo lường để xác định vị trí việc làm còn bất cập chưa được sửa đổi, việc xác định vị trí việc làm trên cơ sở biên chế hiện không phù hợp.

Do đó đại biểu Ba cho rằng nếu không có đánh giá bài bản, hệ thống cả với cơ quan đã ban hành vị trí việc làm, đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Cán bộ công chức, đánh giá chất lượng vị trí việc làm gắn với cải cách tiền lương thì khó có thể đạt hiệu quả. 

Nhìn nhận từ góc độ khác, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức có liên quan tới những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

Bởi thực tế đang có mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật khiến cho các cán bộ công chức phải giữ gìn lấy sự an toàn. 

Vì vậy, việc đánh giá cán bộ né tránh trách nhiệm cần nhìn nhận đầy đủ, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để không xảy ra hậu quả pháp lý. 

Làm rõ thực trạng né tránh, sợ trách nhiệm

“Không ai dám làm khi những việc pháp luật quy định không rõ ràng vì khi làm sẽ bị rủi ro pháp lý và thực tế một bộ phận cán bộ đã chịu sự rủi ro pháp lý. Anh nào liều, cương quyết làm thì khi có sự kiện xảy ra, thanh kiểm tra vào thì sẽ rủi ro pháp lý. Nếu nhắm mắt làm thì đi tù, vậy có ai muốn chịu rủi ro như vậy?” - bà Luyến nói. 

Cũng sốt ruột về tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đại biểu Quốc hội Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) nói Thủ tướng đã có 4 công điện, bộ trưởng Bộ Nội vụ đã chỉ đạo nhưng "tình hình không có chuyển biến".

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Quochoi.vn

Nêu thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp thì doanh nghiệp vẫn phản ánh việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy.

“Có những việc trước đây vẫn quyết mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, theo ông Thanh đánh giá.  

Đề cập đến nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn quá trình triển khai thi hành nghị định này.

Bởi qua thông tin của báo chí thời gian qua, kể cả lãnh đạo các tỉnh cũng nói tình trạng đùn đẩy, né tránh, không chịu làm, sợ trách nhiệm ngày càng trầm trọng, trong khi đã có nghị định 73 rồi. Chỗ này cần phải báo cáo Quốc hội", ông Giang nói.

Phó thủ tướng: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việcPhó thủ tướng: Có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc

Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ nhiều văn bản nợ từ các kỳ báo cáo trước, có nhiều nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên