27/01/2020 00:00 GMT+7

Căn bếp Thạch Sanh của mẹ

TRẦN TRÀ MY
TRẦN TRÀ MY

TTO - Những ngày cuối năm với bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cuộc hẹn gặp đối tác, bạn bè, liên hoan tổng kết, tất niên, tân niên. Đến những bữa tiệc thức ăn đầy bàn, lòng tôi nôn nao nhớ đến căn bếp của mẹ tôi…

Căn bếp Thạch Sanh của mẹ - Ảnh 1.

Mẹ tôi làm nghề đầu bếp. Từ ngày biết nhận thức, lúc nào tôi cũng thấy mẹ ở trong bếp. Công việc bếp núc không tên mà làm mãi chả bao giờ hết, bếp nhà rồi lại bếp người. 

Ngày thường, mỗi khi có người đặt làm mâm cỗ cưới hỏi, kỵ giỗ, đầy tháng, tân gia, mẹ phải quần quật từ hai, ba giờ sáng đến hơn mười giờ đêm. Những ngày giáp Tết mẹ lại càng vất vả với những mâm cơm cúng tất niên, tiệc cuối năm.

Nhà tôi rộn ràng không khí Tết từ rằm tháng chạp. Mùi thơm của thức ăn ngào ngạt: nào gà luộc, heo quay, nào xôi, nào lẩu, nào mùi thơm của món tôm xóc tỏi đến mùi hành ngò từ những món bò né, cá hấp… Tiếng người ra kẻ vào cứ í ới vang vang.

Mẹ còn nấu được cả những món chay rất ngon nên càng đông khách. Có ngày cao điểm nhận nấu đến mấy đám tất niên, những người phụ việc vắt chân lên cổ cũng không xoay kịp với tốc độ làm việc của mẹ. 

  Tất bật như vậy nhưng không bao giờ mẹ quên làm những món Tết để biếu họ hàng nội ngoại, thông gia, bạn bè hay đối tác làm ăn của chồng con. Nào bánh chưng, bánh tét, nào dưa món củ kiệu, dưa cải dưa cà, hành muối, nào chả bò, chả heo cứ nối tiếp nhau ra đời dưới bàn tay thoăn thoắt của mẹ. 

Tôi gọi bếp của mẹ là "bếp Thạch Sanh". 

Nhắc đến Tết, tiềm thức tôi ngửi thấy ngay mùi hành ngò thơm phức, mùi mặn mặn ngọt ngọt nước mắm nấu đường phèn làm dưa món, mùi củ kiệu, cà rốt, đu đủ sấy khô, hay mùi chua chua của dưa cải muối… 

Những ngày Sài Gòn cuối năm se lạnh, vô tình gió đưa đến một làn hương mặn ngọt ấy là lòng tôi quặn lại, chỉ mong mỏi được về ngay "căn bếp Thạch Sanh" của mẹ.

Ngày ở nhà, tôi là cô con gái không may của cha mẹ khi bị trận sốt bại liệt khiến chân yếu, tay co, nói không tròn vành rõ chữ. Không đi học được, tôi cũng không vào bếp phụ giúp mẹ bao giờ. 

Chỉ lê ra mâm cơm đã được mẹ dọn sẵn sàng, ấy vậy mà tôi còn khó tính, nhiều lúc nhăn mặt chê ỏng chê eo mẹ xào rau này chín quá, kho cá kia cay quá…

Vào TP.HCM tự lập bảy năm nay, tôi đã không ít lần bật khóc ngon lành khi vô tình nhìn thấy gia đình ai đó quây quần bên mâm cơm, khi mày mò vật lộn với khuyết tật và cả sự hậu đậu của mình để nấu được một bữa ăn cô độc. 

Có lúc nồi cá tôi kho cháy khét, có hôm chảo bông bí tôi xào nát nhừ, có khi cả tuần liền tôi ăn mì gói qua bữa và sau đó phải nhập viện. Xa nhà, tha phương rồi tôi mới nhận ra bữa cơm gia đình vô lo vô nghĩ ngày xưa quý giá biết bao, mới biết mẹ đã vất vả thế nào trong “căn bếp Thạch Sanh” ấy.

Bếp của mẹ tôi không chỉ có thức ăn, tấm lòng thơm thảo của mẹ còn nổi tiếng hơn cả tay nghề nấu bếp. Ngày tôi còn nhỏ, kinh tế gia đình đổ lên vai cha, mẹ chỉ quanh quẩn ở nhà chăm bốn con nhỏ. 

Nhà tôi vì thế mà rất nghèo, bếp của mẹ chưa phải là “bếp Thạch Sanh” nhưng vẫn luôn đỏ lửa. Tết, mẹ nấu nước mắm làm dưa món dưa kiệu và trước tiên vẫn là mang biếu mang tặng bà con xóm giềng. 

Có lúc, chiều 30 Tết, sau khi thở phào đã biếu cho khắp lượt, nhìn quanh bếp mẹ phát hiện không còn hũ dưa nào cho chính chúng tôi, thế là lại lục tục đun nước mắm. 

Có lần, mẹ làm một mẻ bánh lọc trần thơm nức, chúng tôi thắc thỏm chờ ăn thì mẹ đã xếp phần ra đĩa mang biếu hàng xóm trước. Có lúc tôi khóc ấm ức: “Sao trong nhà có gì ngon là ba mẹ đều chia cho người ngoài hết vậy?”. 

Có khi tôi giận mẹ ngay trong ngày Tết vì đến Tết mới có một món ngon nhưng mẹ cũng lại đem chia. Lúc đó mẹ tôi chỉ cười bảo: “Mình cho họ để mai sau họ cho lại mình”. Tuổi thơ non nớt, lại mang nhiều mặc cảm tủi thân, tôi chẳng thể nào biết được “mai sau” mẹ nói ấy là khi nào. 

Nhưng rồi mẹ cũng tập được cho chị em chúng tôi hình thành thói quen hễ có đồ ăn ngon, có đồ chơi đẹp là mau mắn tự giác sẻ chia cho mấy đứa trẻ hàng xóm hay mấy đứa em con chú, con bác để cùng “chung vui”.

Khi con út đến tuổi đi học, mẹ tôi chọn cho mình công việc đầu bếp để ổn định kinh tế gia đình. Bếp của mẹ thành “bếp Thạch Sanh” từ đó. Hễ ai bước vào nhà tôi vào những ngày giáp Tết, lúc ra về thì trên tay đều có quà tặng là một món gì đó mẹ vừa làm xong, ít nhất cũng là một hũ dưa muối. 

Tôi cũng đã đủ lớn để không còn sợ hết, sợ Tết nhà không có thức ăn. “Căn bếp Thạch Sanh” của mẹ càng tặng càng cho thì lại càng đầy, có khi chỉ những tiếng cười cảm ơn là đủ ấm bụng.

Tháng năm tha phương, nhọc nhằn tự lập lại theo đuổi những hoạt động cộng đồng khiến có những ngày tôi rơi vào trạng thái không còn một xu dính túi. 

Chưa kịp ứa nước mắt thương thân thì lạ thay đã có người bạn đón về nhà ăn một bữa cơm, lại có khi ai đó nấu ăn rồi đùm gói mang sang phòng trọ, cũng có lúc có người chuyển vào tài khoản cho một khoản tiền đủ đóng tiền nhà… 

Những sự giúp đỡ dù nhỏ nhưng thật đúng lúc. Tôi nhớ câu nói năm xưa của mẹ mà thấm thía: “Mình cho họ để mai sau họ cho lại mình”. Mai sau của mẹ là dành cho tôi hôm nay đây.

Tết sắp đến rồi, và tôi lại sắp được về với “căn bếp Thạch Sanh” ấm sực...

'Bếp ấm của mẹ' và hồi ức xúc động về những bữa cơm lành

TTO - Những người từng đến nhà họa sĩ Lê Thiết Cương và được thưởng thức món ngon mẹ anh nấu, đã nhiều lần tha thiết đề nghị bà phải ra sách.

TRẦN TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên