Tiến sĩ Trần Long chia sẻ về tập tục khai bếp đầu xuân của gia đình Việt
PV: Thưa tiến sĩ, vì sao nói gian bếp quyết định thịnh vượng của một gia đình?
TS Trần Long: Khoa học phong thủy truyền thống cho rằng bếp chính là nơi khởi nguồn tài lộc và vượng khí cho gia đình.
Tài lộc ở đây chính là mơ ước của con người về việc được sở hữu vận may, của cải do tự nhiên mang tới như trúng số, bắt được vàng…
Hàm ý ngôn ngữ của hai chữ tài lộc có quan hệ nhân quả. Hễ có tài thì có lộc, có tài ắt lộc sẽ kéo đến, mà "tài" lại bắt nguồn và được vun đắp từ những món ngon trong gian bếp của mẹ. Điều này đã được dân gian đúc kết qua câu nói "ăn vóc học hay".
Một gian bếp được bài trí hợp phong thủy sẽ "thắp lửa" tài lộc cho gia chủ, đồng thời giúp các thành viên trong gia đình sức khỏe dồi dào để lao động và tích lũy tài trí.
Gần đây nghe nói nhiều về tập tục khai bếp đầu năm. Hoạt động này có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào, thưa tiến sĩ?
TS Trần Long: Nếu truy về nguồn gốc, có thể lý giải, hoạt động khai bếp được hình thành dựa trên tập tục giữ lửa của người Việt.
Dưới một góc nhìn khác, tập tục này có cơ sở từ thuyết âm dương ngũ hành. Ý nghĩa cốt lõi của hoạt động khai bếp là tạo sự ấm áp trong nhà, gắn kết tất cả thành viên trong gia đình, khơi dậy sinh khí từ những ngày đầu năm.
Tuy vậy, không nên xem đây là một nghi thức phức tạp, mọi nhà đều có thể thực hiện một cách linh hoạt tùy theo điều kiện và hoàn cảnh sống của gia đình.
Đó có thể là hành động bật bếp đầu năm để sưởi ấm gian bếp ngày Tết, để hâm nồi thịt kho, hay đơn giản là đun một ấm nước sôi chế trà.
Khai bếp đầu xuân là hoạt động hội tụ yếu tố ngũ hành, giúp gia chủ nghênh đón tài lộc trong năm mới
Tiến sĩ có thể lý giải cụ thể hơn yếu tố ngũ hành được thể hiện như thế nào qua tập tục khai bếp đầu xuân?
TS Trần Long: Để hoạt động khai bếp trở thành hiện tượng văn hóa cũng cần có cơ sở triết học. Thuyết âm dương ngũ hành vốn quen thuộc với người Việt.
Ngũ hành là sự kết hợp của 5 hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hội đủ ngũ hành là cơ sở để vạn sự được hanh thông, thuận lợi. Trong gian bếp Việt hiện đại vẫn có thể nhìn theo hệ thống ngũ hành như sau:
- Hành Kim được thể hiện qua các vật dụng để nấu bằng kim loại như nồi, chảo, xoong đều có hình tròn tượng trưng cho một năm trọn vẹn.
- Hành Mộc chính là đôi đũa thực vật, một đầu tròn một đầu vuông tượng trưng cho âm dương hòa hợp, hạnh phúc lứa đôi được vuông tròn.
- Hành Thủy nên được hiểu không nhất thiết là nước mà rộng hơn là chất lỏng (ví như dầu ăn, tượng trưng cho của cải đủ đầy).
- Hành Hỏa chính là bếp, tượng trưng cho năng lượng, sức khỏe dồi dào.
- Hành Thổ chính là người khai bếp, trung tâm của gian bếp, thường gắn với hình ảnh "nội tướng" trong gia đình.
Người phụ nữ hiện đại dù đảm nhiệm nhiều vai trò trong xã hội nhưng vẫn gắn bó với gian bếp, vẫn giữ trọng trách "đàn bà xây tổ ấm". Lý giải thực tế này dưới khía cạnh văn hóa như thế nào ạ?
TS Trần Long: Từ rất lâu, phụ nữ Việt Nam dù bình dân hay quý tộc đều gắn bó với gian bếp, là người giữ lửa, giữ tài khí cho gia đình.
Chính vì vậy, chúng ta mới có quan niệm bếp có ấm thì gia đạo mới an khang, bếp ấm, gia đạo an khang là nền tảng thuận lợi để vượng khí sinh sôi.
Giữ văn hóa bếp, giữ truyền thống khai bếp đầu xuân được hiểu là một cách giữ gìn hạnh phúc và tài lộc cho gia đình.
Người Việt Nam có những phong tục tập quán thú vị nào liên quan đến gian bếp không thưa tiến sĩ?
TS Trần Long: Có rất nhiều tập tục liên quan đến bếp trong ngày Tết và nổi bật nhất là đưa ông Táo, nấu bánh chưng, bánh tết và khai bếp đầu xuân.
Tục cúng ông Táo là một cách thể hiện niềm tin với thần thánh, để ông Táo nói tốt cho gia đình mình khi về chầu Ngọc Hoàng nhưng trong sâu thẳm của mọi người là mong ước tài lộc, điều tốt lành trong năm mới.
Tục nấu bánh chưng, bánh tét đem lại không khí ấm cúng, gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Quanh nồi bánh, mọi chuyện quá khứ như khép lại để mở ra một tương lai tốt đẹp hơn. Đây là một tập tục rất hay, giàu ý nghĩa nhưng đang dần mai một đặc biệt ở các đô thị lớn do bị giới hạn về thời gian và không gian.
Và khai bếp đầu xuân, như đã chia sẻ, nếu trở thành nếp văn hóa sẽ bù đắp vào sự thiếu vắng hơi ấm của nồi bánh chưng ngày Tết.
Có thể nói, hoạt động khai bếp - do đơn giản và dễ thực hiện hơn - có thể dần dần đảm trách vai trò tạo ra "chất keo" gắn kết gia đình, giữ hơi ấm đầu năm, là tiền đề cho gia chủ nghênh đón tài lộc, vạn sự thuận lợi, hanh thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận