Cô Đinh Thị Chúc và học trò - Ảnh: NVCC
Như vậy là đã 7 năm 3 tháng 23 ngày cô chính thức về hưu. Và cũng là ngần ấy thời gian chúng em không còn được học cô nữa.
Lớp Sư phạm Ngữ văn K36 chỉ được học cô vỏn vẹn một năm, nhưng khoảng thời gian ấy sao mà đáng trân trọng biết bao. Đặc biệt em - cậu lớp trưởng vẫn được cô dìu dắt và tận tình chỉ bảo.
Em nhớ cô, nhớ những kỉ niệm thời sinh viên được cô la mắng đầy yêu thương để rồi xem cô là "thần tượng" của riêng mình tự khi nào không hay.
Cô là cô Đinh Thị Chúc - thạc sĩ, nguyên giảng viên khoa Xã hội, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là Trường ĐH Khánh Hòa).
Năng lực bình giảng văn chương tuyệt vời
Cô là người gốc Bắc chính hiệu, là một phụ nữ Hà thành "đặc sệt" từ giọng nói đến cách ứng xử, rất nhẹ nhàng và từ tốn. Nhưng cô khiến tôi ngưỡng mộ bởi khả năng bình giảng văn học mà đến tận lúc này đây, tôi vẫn chưa tìm ra người thứ hai có thể giảng hay hơn cô.
Quá tuyệt vời! Mỗi tiết dạy của cô là một sự trải nghiệm tinh tế, từ các nhân vật trong tác phẩm đến thế giới nghệ thuật cứ hiện lên thật chân thật. Tất cả như đang tái hiện trước mắt.
Từ cái say mèm, tiếng chửi đổng của Chí Phèo đến "giấc mộng văn chương" của Thứ; từ cái điên loạn trong thơ Hàn Mặc Tử đến nỗi khao khát yêu đương của Xuân Diệu… khiến tôi nghe lại chợt nổi da gà.
Giọng cô bình giảng nghe rất say và rất lạ. Mỗi lần cô nhập tâm đến mức mà chúng tôi vẫn truyền tai nhau rằng: Cô đang "lên đồng" đấy! Cô đang sống và thổn thức cùng giá trị của tác phẩm. Sống cùng với suy nghĩ và hành động của nhân vật.
Em thật ngưỡng mộ cô! Học ở cô là học từ cái đam mê văn chương đến cách cảm nhận cá nhân, từ nghệ thuật ngôn từ đến cả bầu trời nội tâm độc đáo của chủ thể. Nhưng biết bao giờ em mới có thể học hết được những phẩm chất tuyệt vời từ cô!
Một năm học trôi qua nhanh như chớp mắt, cô nhận quyết định về hưu và tạm biệt lớp. Ngày Đại hội chi đoàn Văn K36 cũng là ngày chia tay cô. Hôm ấy có hoa, những tràng pháo tay và cả những giọt nước mắt nuối tiếc...
Đến lúc này em phải thú thật với cô, ngày hôm ấy em đã kìm chặt giọt nước mắt của mình để không chạy đến ôm chầm lấy cô. Vì cô đã dạy em con trai là phải mạnh mẽ, không được mềm yếu. Em đã nghe lời cô cho đến tận hôm nay đấy cô ạ!
Những tiết học ở năm hai và năm ba không có cô trực tiếp giảng dạy và chủ nhiệm sao mau chán thế. Không hay. Chẳng lôi cuốn. Chả hấp dẫn với em. Nó cứ nhàn nhạt trôi qua, để lại trong em nỗi nhớ cô dâng trào. Em muốn cô quay lại với lớp để dạy cho 72 đứa con tinh nghịch này.
Sự trớ trêu của số phận
Nhưng cuộc đời luôn xoay vần bởi một chữ "ngờ". Khi tụi em tốt nghiệp chưa lâu thì được tin chồng cô đột ngột mất.
Chú là người mà cô vẫn hay kể cho tụi em nghe với đầy lòng ngưỡng mộ, cũng là đồng nghiệp, là nơi nương tựa, là nguồn vui lúc cô về già nhưng đã bị căn bệnh ung thư đại tràng quái ác cướp mất khỏi vòng tay cô.
Cô thẫn thờ, bàng hoàng và trở nên trầm lặng. Lần đầu tiên từ lúc biết cô em mới thấy cô như vậy. Số phận thật quá nhẫn tâm, sao lại nỡ lấy mất niềm hạnh phúc của cô, để rồi trong khoảng thời gian còn lại cô sẽ sống như thế nào đây?
Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, em sẽ vứt bỏ hết mọi bận rộn để phóng vội xe thật nhanh để đến nhà cô và hai cô trò lại ngồi tâm sự với nhau như chưa có khoảng thời gian xa cách.
Thỉnh thoảng lại có tân sinh viên của khoa hỏi em: Anh ơi, cô Chúc là người như thế nào vậy anh? Em mỉm cười và trả lời: "Cô là một người rất tuyệt vời, em ạ!".
Nhưng cô ơi, em chỉ muốn một lần nào đó để nói với cô một điều mà em ấp ủ bấy lâu nay:
Nếu ai không thích sự nghiêm khắc thì đừng chọn cô.
Nếu ai không thích tính lạnh lùng thì không nên chọn cô.
Nếu ai không thích sự giận dữ thì càng không nên chọn cô.
Nhưng:
Nếu ai thích một người thầy giỏi thì hãy chọn cô.
Nếu ai thích một một trái tim yêu thương thì hãy chọn cô.
Nếu ai thích một giờ giảng văn tuyệt vời thì hãy chọn cô.
Chỉ đơn giản rằng: Cô đã khơi dậy lòng yêu văn chương trong em.
Cảm ơn cô! Cảm ơn người đã truyền cảm hứng cho em!
Cô Đinh Thị Chúc…
Những ngày tháng 11 này, bao thế hệ học trò không khỏi bồi hồi khi nhớ về những người thầy, người cô đã từng thầm lặng nâng bước mình vào đời.
Thay lời tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, mời bạn đọc chia sẻ bài viết về những người thầy, người cô yêu quý của mình với Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận