13/11/2017 08:59 GMT+7

Biết ơn cô, người đã làm ngơ cho đứa học trò 'quay sách'

THANH MAI
THANH MAI

TTO - Trong mắt nhiều người tôi là đứa dị biệt, trốn tiết, học hành be bét, bạn bè khó cảm thông. Nhưng cô đã luôn gần gũi tôi, an ủi và chia sẻ.

Biết ơn cô, người đã làm ngơ cho đứa học trò quay sách - Ảnh 1.

Cô Lệ trong ngày hội trường THPT Mỹ Đức A

Một học sinh như thế nào thì được thầy cô yêu mến? Ai cũng có thể trả lời được ngay: học giỏi, chăm chỉ, lễ độ, năng động và sáng tạo. 

Học sinh nào thì dễ bị thầy cô khoanh vùng, để ý? Học dốt, nghịch giặc, không có chí hướng rõ ràng, quậy phá. 

Liệu có trường hợp nào ngoại lệ không? 

Tôi nghĩ là có. Có những thầy cô đã sẵn lòng đồng hành chia sẻ buồn vui với học trò, đã đóng một lúc thật nhiều vai trò: cô giáo, mẹ hiền, người bạn, người chị thân thiết gỡ rối giúp học sinh lấy lại niềm tin, niềm vui trước trang sách và cuộc đời. 

Tôi có may mắn được gặp những người thầy rộng lượng, bao dung và yêu thương học trò vô điều kiện như thế.

Tôi trở về quê nhà học lớp 12 trong nỗi buồn mênh mang vì mình không thể thích nghi với môi trường học tập năng động ở thị xã. Tôi thấy mình lơ ngơ, lạc lõng, quê mùa, lúc nào cũng thấy mình vô dụng và thừa thãi trong nhịp sống hối hả, bạn bè thông minh, trẻ trung và ăn diện. 

Tôi đã chán học từ những lý do cỏn con như thế. Thay đổi môi trường sống và học tập thật sự là điều khó khăn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nó đánh gục ý chí ham học, khiến tôi luôn cảm thấy chán chường, mệt mỏi. Bây giờ, người ta gọi đó là bệnh trầm cảm học đường.

Về quê học, tôi thấy mình vẫn phải đối diện với nhiều áp lực, khó khăn nhất là việc trả lời các câu hỏi liên quan đến việc chuyển trường. Tôi học kém đi rất nhiều, chủ yếu đối phó, học cho qua bài. 

Tôi học khối xã hội, lớp 12 cần ôn luyện 3 môn thi đại học là văn - sử - địa. Cô Lệ dạy sử lớp tôi, cô trò chuyện với học trò rất thoải mái và thân tình, luôn khiến học trò phá lên cười vì một câu đùa tếu nào đó. 

Tôi thấy học sử rất khó nhằn, chuyên đề ôn đại học dài lê thê, biết bao sự kiện phải nhớ, phải thuộc lòng vì sử không thể bịa đặt hay thêm thắt hoa lá cành. 

Cô giảng nhiệt tình nhưng tôi ngồi học sử mà tâm trạng cứ trên mây trên gió, vì tôi còn mải ngắm cây lá ngoài sân trường, mải nghĩ làm một câu thơ nào đó. 

Tôi không còn nhớ bất cứ bài giảng nào cô Lệ. Tôi chỉ nhớ ánh mắt sâu lắng, cử chỉ yêu thương gần gũi mà cô dành cho mình"

Thanh Mai

Tiết kiểm tra sử, tôi ngồi cuối lớp và vẫn lén lút quay cóp để làm bài. Cô ở trên bục giảng chắc chắn có phát hiện thấy nhưng cô đã phớt lờ. Cô biết tôi chán học.

Cô dạy ôn thi đại học ở trường, tôi đi học được vài buổi lại chán. Tôi chuyển sang ôn luyện đại học với cô giáo khác trong trường.

Đã chán học thì có chữ nào đọng lại trong đầu, tôi đi học để bố mẹ tạm yên tâm mà thôi. Không lẽ lớp 12, bạn bè quay cuồng đi học thêm, ôn luyện khắp nơi mà mình ru rú ngồi nhà thì khác gì bắt bố mẹ ngồi trên đống lửa.

Lúc ấy, tôi chỉ thích ngồi viết thơ, những bài thơ không đầu không cuối. Có lẽ càng buồn thì thơ viết càng dễ dàng và xúc động chăng? 

Năm ấy trường cấp 3 tôi học có ngày hội giao lưu thơ với học sinh các trường khác trong tỉnh. Tôi viết thơ, gửi thơ đi dự thi cũng chỉ mang tính chất giải khuây. Ngày hội thơ nhưng tôi trốn ở nhà, không tới trường. 

Cô Lệ phi xe đến tận nhà đón tôi xuống trường. Tôi khi ấy, mặt mũi lúc nào cũng rầu rĩ, chán nản, tâm trạng thật thảm hại, ít khi thấy tôi vui hay cười tươi hết cỡ. 

Cô đứng ngắm nhìn mấy tấm bằng khen treo tường nhà của tôi. Có lẽ cô đã giấu đi tiếng thở dài khi tôi chán học, bỏ quên hết sách vở, chỉ biết vùi mình vào nỗi buồn khó hiểu... 

Dọc đường đi, cô trò chuyện thân tình với tôi, không phải những bài giảng đạo đức quen thuộc mà tôi hay phải gồng mình lắng nghe. 

Cô chỉ kể những câu chuyện đời thường, kéo tôi trở lại thực tại. Cô nói thích những bài thơ nho nhỏ tôi làm, xuống trường em nhớ đọc thơ diễn cảm nhé... 

Trong giờ học, thỉnh thoảng cô đi xuống cuối lớp, lại gần bàn tôi ngồi, nói đùa vài câu, cốt để tôi không chán đời, ngủ gục. Cô chưa nặng lời với tôi lần nào, chỉ lặng lẽ cảm thông và thương xót, muốn vực dậy tinh thần của học trò.

Lúc ấy, trong mắt nhiều người tôi là đứa dị biệt, trốn tiết, bỏ học, học hành be bét, bạn bè khó cảm thông. Nhưng cô giáo đã luôn gần gũi tôi, an ủi và chia sẻ, luôn mỉm cười ấm áp.

Mất vài năm chống chọi với bệnh tật, tôi mới tìm lại được cuộc sống bình dị và êm đềm, bằng lòng với công việc phổ thông đơn giản, quên hết những chuyện vui buồn thời đi học. 

Tôi không thích ai nhắc lại chuyện ngày xưa, mình từng là học sinh giỏi có bao bạn bè ngưỡng mộ, thế mà gục ngã bất ngờ và khó hiểu. Giải thích những chuyện đã qua, thật sự mệt mỏi và không cần thiết.

Nhưng tôi lại rất nhớ ánh mắt ấm áp và gần gũi của cô giáo dạy sử. 15 năm sau, tôi mới quay lại gặp cô ngày hội trường. Cô cầm tay, vỗ vai tôi, cô cười tươi rói, hỏi "mới lên ti vi hả, oách thế" và tôi gãi đầu, cười ngượng ngập và sung sướng. 

Những kỉ niệm năm xưa bỗng ùa về, như mới hôm qua, cô để yên cho tôi chép sách làm bài kiểm tra mà không bắt phạt, như mới hôm qua, cô chở xe máy xuống trường nói "em xuống trường, đọc thơ diễn cảm nhé".

Tôi có người bạn học cùng chuyên văn, bạn tôi nói "Nhớ đến thầy cô dạy mình, tớ luôn luôn biết ơn bạn à". 

Nhiều năm trôi qua, tôi không còn nhớ đến bất cứ bài giảng nào cô Lệ đã dạy. Tôi chỉ nhớ ánh mắt sâu lắng, cử chỉ yêu thương gần gũi mà cô dành cho mình. Tôi luôn biết ơn cô, vì tình yêu thương trìu mến ấy...

Những ngày tháng 11 này, bao thế hệ học trò không khỏi bồi hồi khi nhớ về những người thầy, người cô đã từng thầm lặng nâng bước mình vào đời.

Thay lời tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, mời bạn đọc chia sẻ bài viết về những người thầy, người cô yêu quý của mình với Tuổi Trẻ Online qua email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

THANH MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên