12/03/2014 07:30 GMT+7

Xây nhà cho học sinh

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Chứng kiến cảnh học trò của mình sống trong căn nhà rách tả tơi, thầy hiệu trưởng đã đứng ra vận động mọi người chung tay xây nhà cho học trò nghèo...

xK845PYv.jpg
Thỉnh thoảng thầy Chỉnh đến thăm và chỉ bài cho Bảo trong căn nhà ấm áp - Ảnh: Minh Tâm

Đó là câu chuyện về thầy Võ Đức Chỉnh - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Xót cảnh trò nghèo

Hoàn cảnh của cậu học trò Chung Quốc Bảo được thầy Chỉnh biết đến vào thời điểm đầu năm học mới khi Bảo đặt chân vào trường THPT này. Thông qua giáo viên chủ nhiệm, thầy biết lọt lòng 7 ngày tuổi Bảo đã mất mẹ, cha làm ăn xa rồi lập gia đình mới. Thương đứa cháu sớm mồ côi, người bác sống bằng đủ thứ nghề: phụ hồ, đắp đất, làm cỏ thuê... đã đem về nuôi dưỡng. Bản thân Bảo cũng phụ bác trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn bằng việc phụ hồ, phụ bếp ở các khu du lịch...

Thầy đã nhiều lần gặp Bảo động viên, tâm sự và đã đến tận nhà cậu học trò nghèo ấy. Thầy chia sẻ: “Nói là căn nhà thì hơi quá, chính xác hơn đó là căn chòi rách tả tơi, tạm bợ, lỗ chỗ lỗ thủng, nắng xuyên mưa dột tứ bề. Chủ nhân nghèo nàn đến nỗi chỉ biết dùng tấm nilông che chỗ ngủ cho đừng dột. Nghe hai bác cháu Bảo tâm sự kiếm miếng ăn còn khó, lấy đâu ra tiền dựng lại nhà, nên cứ lây lất sống trong căn chòi rách tả tơi, liêu xiêu chực đổ ấy”.

Hoàn cảnh học trò nghèo đã thôi thúc thầy Chỉnh bàn với mọi người: “Nào giờ trường không có phong trào xây nhà cho học trò nghèo, nhưng trước trường hợp này mình nên ưu tiên, ngoài hỗ trợ học bổng còn nên cất thêm căn nhà để bác cháu họ có chỗ trú ngụ”. Một cuộc vận động diễn ra sau đó. Lời kêu gọi được hưởng ứng với sự chung tay đóng góp của các em học sinh từ 1.000-2.000 đồng. Rồi thầy góp tiền lương của mình và vận động bạn bè mỗi người chung tay một ít... Bền bỉ vận động suốt gần hai năm mới đủ tiền để cất cho học trò căn nhà mới. Không thể tả hết nỗi vui mừng khôn xiết, xúc động của hai bác cháu họ trước tấm lòng của thầy hiệu trưởng...

Biết nhận và cho

Ngày khởi công, học trò của trường tự nguyện kéo đến rất đông để quyên góp ngày công cất nhà giúp bạn. Nhóm thì dỡ mái nhà, nhóm quét dọn, nhóm khiêng gạch, trộn hồ, nhóm phụ các thầy cô nấu nướng để lo cho hai thợ chính xây nhà và nhóm học sinh phụ cất nhà cho Bảo. Thầy tâm sự: “Nhờ thầy cô, bạn bè phụ giúp như vậy nên tiền công giảm, vì vậy dồn vào chất lượng ngôi nhà được kiên cố hơn...”.

Có được ngôi nhà khang trang, tránh được mưa dột nắng chiếu nhưng không có tiền vô điện nên hai bác cháu Bảo phải câu nhờ điện hàng xóm. Sợ dùng nhiều sẽ quá tải, hàng xóm bị phạt nên hai bác cháu chỉ xài điện đến 20g. Có lần Bảo vô mùng đốt đèn dầu học bài, ngủ quên quơ tay khiến đèn dầu đổ. May mà người bác hay kịp nên từ đó Bảo không dám đốt đèn dầu nữa, 20g là đi ngủ. Biết chuyện này, thầy Chỉnh đã xuất tiền túi gắn đồng hồ điện để Bảo có thể không bị hạn chế thời gian học bài...

Vậy đó, bằng tấm lòng nhân hậu của mình, thầy đã “phù phép” biến căn nhà tranh rách nát của hai bác cháu Bảo thành ngôi nhà mới khang trang. Đối với thầy không phải xây nhà, trao học bổng là kết thúc, mà thầy vẫn duy trì mối quan hệ thân mật với học trò bằng cách thỉnh thoảng đến thăm để động viên phải nỗ lực hơn nữa cũng như giải đáp những vướng mắc về môn lý mà thầy dạy. Tình yêu thương của thầy hiệu trưởng đã dạy cậu học trò nghèo này biết “cho” và “nhận” như lời thổ lộ của Bảo: “Em đã nhận được từ thầy nhiều thứ: học bổng, căn nhà, lòng nhân ái, sẻ chia của mọi người... Giờ em đang học lớp 12 nên cố gắng học thi vào ngành nông nghiệp sau này có nghề và giúp đỡ người khác như cách mà em đã “nhận” được từ thầy...”.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên