25/09/2024 12:31 GMT+7

Cạm bẫy rình rập ngư phủ biển Tây - Kỳ cuối: Đi xin việc ngư phủ

Theo chỉ dẫn của người kinh nghiệm, phóng viên thử đến thị trấn biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) tìm việc trên tàu cá. Một số người dân nghe chuyện lắc đầu lo chúng tôi không biết gặp may hay rủi.

Cạm bẫy rình rập ngư phủ biển Tây - Kỳ cuối: Đi xin việc ngư phủ - Ảnh 1.

Nghề cá cần người có sức khỏe và kinh nghiệm - Ảnh: C.CÔNG

Thực tế nhiều người đi biển được như mong muốn, nhưng cũng có những người thất bại, thậm chí về tay trắng mà còn bị đánh đập đến thương tích...

Đủ loại "cò" săn đón

Ở một quán nhậu được cho là có tai mắt của "cò" ngư phủ, chúng tôi kể hoàn cảnh vừa từ Bình Dương trở về, thất nghiệp, nợ nần, cần ứng ít tiền và muốn đi biển để trả lại. Chưa tàn buổi nhậu đã có người hứa hỗ trợ chúng tôi tiếp cận chủ tàu để đi biển.

Yêu cầu "cò" đưa ra là chỉ cần chúng tôi giao cho họ căn cước công dân và chăm chỉ làm sẽ được chuyển tiền đều vào tài khoản.

Trước mắt, họ sẽ ứng cho chúng tôi 12 triệu mỗi người để xoay xở với điều kiện phải theo về "khu nhà trọ" của họ để ở đợi tàu đi biển. Mỗi chuyến đi khai thác xa bờ từ 4 đến 6 tháng.

Tàu sẽ vào các cửa biển để sửa chữa, tìm bạn đi tàu, tiếp nhiên liệu, bán hải sản. Khi đó, nếu chúng tôi muốn đi tàu khác hoặc vào đất liền, họ sẽ trừ các khoản tiền đã ứng và trả giấy để chúng tôi về.

Chúng tôi thử nói mong muốn được sớm đi biển đánh bắt. Ngay lập tức, một "cò" hướng dẫn đi xe xuống vùng Hà Tiên, Kiên Giang sẽ được "cò" khác đón và chờ con nước để được lên tàu ra biển.

"Nếu từng đi tàu biển, đi cào thì được lên tàu đi liền, mỗi chuyến khoảng 4 tháng mới vô bờ, quan trọng là biết làm thì có thể cho ứng trước khoảng 15 triệu vẫn được.

Còn người không biết làm, khi ra biển rồi làm không được thì lấy tiền đâu trả lại. Lúc đó tàu nó không cho mình vô đâu, không dễ đâu" - ông Hùng, một "cò" chuyên đưa người đi biển ở Kiên Giang, cho biết.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với một "cò" tên An tại huyện Kiên Lương (Kiên Giang) thì "cò" này sẵn sàng cho lên tàu đi biển liền với điều kiện: "Nếu trước đây có đi biển và biết đi cào thì sẵn sàng cho ứng khoảng 10 triệu, sau đó đưa lên tàu đi làm ngay. Nếu chưa từng đi biển thì không thể cho ứng trước tiền.

Cứ lên tàu, cung cấp số tài khoản thì sau đó sẽ được đào tạo cho làm, nếu làm được việc sẽ chuyển khoản về cho người thân. Còn nếu không biết làm và bị say sóng thì sẽ đợi khi nào có ghe thu mua thì sẽ gửi ghe cho vào lại đất liền", ông An nói cụ thể.

Trong khi đó, chị Lịnh, một "cò" được tin tưởng ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cho biết hiện tại "cò" có hai dạng. Dạng thứ nhất là "cò" giới thiệu người đi biển.

"Cò" này thường giới thiệu lao động đi những vùng biển gần bờ, chỉ đánh bắt theo con nước khoảng 20 ngày là vào bờ.

"Cò" giới thiệu thường là người quen biết và chỉ lấy thù lao giới thiệu khoảng 1,5 triệu đồng/người. Đối với "cò" này không nuôi chứa người lao động chờ ngày lên tàu và không lấy tiền ứng của ngư phủ.

Cạm bẫy rình rập ngư phủ biển Tây - Kỳ cuối: Đi xin việc ngư phủ - Ảnh 2.

Một ngư dân đi tàu cá ở Cà Mau bị hành hung thương tích đầy người - Ảnh: T.HUYỀN

Loại "cò" thứ hai là "cò dịch vụ", thường đưa người đi đánh bắt trên những tàu xa bờ.

Các tàu này có thể đi hàng tháng mới vào bờ một lần. Những người đi tàu này thường được ứng trước từ 10 đến 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền mà họ nhận được không đáng là bao, đa phần do "cò" chiếm đoạt hoặc tính vào chi phí mua sắm thực phẩm, đồ sinh hoạt cá nhân và trừ tiền ăn nhậu đợi ghe vào đón.

Thời gian qua, một số người lao động bị đánh đập dã man trên biển đa phần là do loại "cò dịch vụ" đi đánh bắt xa bờ này giới thiệu.

Có những ngư phủ phải làm việc mà không được nhận thù lao, khi tàu vào bờ thì các "cò" này thường chở thẳng họ về "khu nhà trọ" để đợi ghe biển ra sẽ lại gửi đi tiếp tục...

Làm gì để được an toàn trên biển?

Trao đổi về cơ hội và rủi ro khi tìm việc trên biển, ông Nguyễn Quốc Thanh, giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết thời gian qua sở có kết nối giao dịch việc làm để họ đăng ký.

Các phiên giới thiệu việc làm đã tổ chức tại cửa biển Sông Đốc nhưng chưa được người lao động quan tâm nhiều. Đa số chủ tàu tự chọn người lao động, và người lao động phải có sức khỏe và kinh nghiệm mới đáp ứng việc.

"Bản thân một số người lao động cũng không muốn ký kết lâu dài, nên tình trạng nhảy việc trên các tàu rất phổ biến. Vấn đề này thì sở sẽ nghiên cứu tiếp để kết nối với các chủ tàu - người lao động tốt hơn, tránh tình trạng qua tay các "cò" như vừa qua", ông Thanh chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thức, cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Sông Đốc, cho biết giải pháp để đi biển an toàn hiện nay là người lao động nên kết nối với những người bạn của mình, những người đã từng hoặc đang đi tàu, từ đó liên hệ trực tiếp chủ tàu để làm lãnh lương hoặc ăn chia.

Chủ tàu giờ đa số sử dụng những người bạn "ruột" làm lâu dài. Người lao động trước khi đi biển cũng cần xác định mình có sức khỏe đảm bảo không, đáp ứng được những việc gì để báo cho chủ tàu bố trí phù hợp thì làm mới lâu dài được.

Cạm bẫy rình rập ngư phủ biển Tây - Kỳ cuối: Đi xin việc ngư phủ - Ảnh 3.

Các rao tuyển lao động nghề cá trên biển với mức lương hấp dẫn

Còn ông Huỳnh Hồng Sơn, người từng hơn 10 năm đi lao động tàu biển, cho biết có gặp trường hợp ngư phủ đánh nhau mà chủ yếu do mâu thuẫn trong lúc lao động.

Theo ông, người lao động nếu hay nhảy việc từ tàu này sang tàu khác thì khó bền vì phải xây dựng lại mối quan hệ mới, đôi khi chủ mới không hiểu mình thì dễ xung đột.

Nghề đánh bắt trên biển vất vả nhưng cũng cho thu nhập khá nếu chuyến biển thuận lợi.

Tuy nhiên, do đặc thù người lao động phải làm việc ngoài biển xa đất liền nên cũng có thể bị những rủi ro như tai nạn hay bị hành hung, dù rõ ràng không phải ai cũng bị như vậy.

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều người trong nghề cũng cho rằng do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân một số chủ tàu và người lao động thiếu ký kết hợp đồng chặt chẽ.

"Tôi thấy nghề đi biển là nghề có rủi ro cao, nên người lao động rất cần có hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi cho mình khi có chuyện xảy ra ngoài ý muốn" - luật sư Trần Bá Nhẫn (Công ty luật TNHH MTV Trần Bá Nhẫn, TP Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết.

"Cò" làm quá, ai cũng sợ!

Ông D.T.T., chủ tàu cá ở huyện Châu Thành (Kiên Giang), cho biết tình trạng các nhóm "cò" ngư phủ đi biển ở Kiên Giang diễn ra phức tạp. Họ lừa gạt, chiêu dụ dân lao động đi biển bằng cách nói ngọt, lương cao. Khi người lao động bị sập bẫy thì sẽ bị "giam lỏng" trong nhà rồi đưa xuống tàu đi biển.

"Ghe tàu có khoảng 20 người lao động thì trong số đó có 2 - 3 người gọi là "đàn anh". Ra ngoài biển nếu người lao động không làm tốt hay có xích mích gì là có thể bị đánh", ông T. chia sẻ thêm là không phải tàu nào cũng có tình trạng này nếu chủ tàu và thuyền trưởng quản lý tốt.

Bảo hiểm là "bà đỡ" tổn thất cho người lao động đi biển

Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết vấn đề núp bóng "cò lao động", "môi giới lao động", bắt ký khống nhận tiền để tạo áp lực làm việc rồi xảy ra hành hạ trên biển là hành vi vi phạm mà cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.

Một số người trên đã "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "cưỡng đoạt tài sản", "cố ý gây thương tích"…

Các nạn nhân có quyền gửi đơn đến cơ quan chức năng xử lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tính mạng của mình.

Đồng thời, cũng có một bộ phận người lao động làm nghề đánh cá không tham gia bảo hiểm do chủ tàu không đóng cho họ. Khi gặp rủi ro, người lao động phải chịu toàn bộ thiệt hại. Pháp luật quy định rõ và cũng như chế tài kèm theo khi không tham gia bảo hiểm cho người lao động.

"Người lao động hành nghề đánh cá trên ngư trường không thể lường trước được hết rủi ro. Bảo hiểm lúc này đóng vai trò như "bà đỡ" gánh vác một phần tổn thất, giúp ngư dân khắc phục thiệt hại.

Khi nghe giới thiệu công việc, khi làm việc với chủ tàu, người lao động cần tìm hiểu và hỏi kỹ chủ tàu về quyền lợi của mình khi làm việc có được bảo hiểm hay không", luật sư Thạnh nhấn mạnh.

Cạm bẫy rình rập ngư phủ biển Tây - Kỳ cuối: Đi xin việc ngư phủ - Ảnh 4.Cạm bẫy rình rập ngư phủ biển Tây - Kỳ 2: Những cuộc đào thoát sinh tử

Nhảy xuống biển để đào thoát và chịu đánh cược sinh mạng mình giữa trùng khơi, hay chống trả quyết liệt là cách mà các ngư phủ - những người lao động nghèo làm công phản kháng khi hết chịu nổi những trận đòn tàn khốc, vô cớ trên tàu cá.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên