Phóng to |
Bà Trần Thị Trang tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 23-7 - Ảnh: Việt Dũng |
Bà Trần Thị Trang, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, thay mặt tổ biên tập dự thảo này nói:
- Trong những ngày vừa qua, chúng tôi đọc được nhiều băn khoăn của độc giả các báo về tính khả thi của dự thảo này. Điều chúng tôi muốn nói là bất kỳ một bộ luật nào được ban hành đều phải tính tới tính khả thi, nhất là những quy định liên quan đến điều chỉnh thói quen, hành vi, nếp văn hóa đã ăn sâu vào đời sống. Thay đổi thói quen không phải là chuyện dễ, nên thực thi những quy định như việc cấm bán rượu bia sau 22g - nếu thành hiện thực - sẽ có những độ trễ nhất định so với những quy định khác.
* Báo Đầu Tư: Thưa bà, quy định cấm bán rượu bia sau 22g tại một số địa điểm nếu được áp dụng liệu có nảy sinh hiện tượng người ta mang rượu bia từ địa điểm khác đến địa điểm được cho phép để uống, và có lo ngại có biến tướng trong việc kiểm tra giám sát, như lực lượng chức năng có nhũng nhiễu người dân trong kiểm tra quy định uống rượu bia?
Tai nạn giao thông xảy ra nhiều từ 18g-24g “Qua tham khảo báo cáo của Công an TP.HCM và các tỉnh thành khác, chúng tôi nhận thấy tai nạn giao thông xảy ra nhiều vào thời gian 18g-24g, 70% số vụ tai nạn trong thời gian này liên quan đến sử dụng rượu bia. Trong đó 55% số ca tai nạn trong lứa tuổi 15-29, lứa tuổi 30-44 là 26%. Đó là chưa kể rượu bia ảnh hưởng đến trật tự xã hội, bạo lực gia đình. Có đến 70% ca bạo lực tình dục của chồng với vợ và cha với con đẻ là có liên quan đến rượu bia” - bà Trần Thị Trang nói. |
- Hiện nay đã có 168 quốc gia có báo cáo cho Tổ chức Y tế thế giới việc họ có giờ cấm uống rượu bia, ngay ở ASEAN cũng đã có chín nước có quy định này. Nếu quy định này được áp dụng sẽ có ba nhóm lực lượng chức năng như quản lý thị trường, UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành tham gia giám sát thực thi theo hình thức thanh tra, kiểm tra định kỳ và thanh tra, kiểm tra liên tục. Việc lo ngại có biến tướng theo tôi là còn quá sớm vì hiện luật đang trong quá trình xây dựng, chưa có quy định về mức xử phạt.
* Tuổi Trẻ: Dư luận chú ý nhiều vào dự định cấm bán rượu bia sau 22g, nhưng còn một dự định trong dự thảo luật cũng rất khó thực hiện là cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Quy định này thực hiện thế nào? Địa điểm dự định cấm bán rượu bia là ở đâu?
- Các quốc gia có hệ thống pháp luật về cấm sử dụng rượu bia đều có quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi. Ở VN đây cũng là điều không mới vì trẻ em là đối tượng nhạy cảm với rượu bia, đã có nhiều quy định cấm bán rượu bia cho trẻ em. Dự định này là kế thừa những quy định đã có. Đúng là cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi rất khó thực hiện với những trẻ em ở nhóm gần 18 tuổi. Kinh nghiệm các nước khi bán rượu bia cho nhóm trẻ em này là yêu cầu cung cấp mã số công dân khi mua rượu bia. Họ cũng đã có một quá trình dài thực hiện quy định và có lực lượng chức năng giám sát. Nhưng ở VN thì điều này hơi khó nên chúng tôi hướng đến những biện pháp như tuyên truyền để cha mẹ không để trẻ đi mua rượu bia, phối hợp với nhà trường đẩy mạnh thực thi...
Về địa điểm cấm bán rượu bia sau 22g, vì chúng tôi mới xây dựng dự thảo luật nên còn cần phải bàn nhiều. Các nước có thực hiện quy định về giờ cấm bán rượu bia thì mỗi nơi mỗi khác, có nơi cấm bán tại địa điểm công cộng như bến tàu, bến xe, khu chung cư, có nơi cấm bán rượu bia tại nhà hàng, quán bar sau giờ nhất định, có nơi cấm bán tại địa điểm vui chơi giải trí... VN dự định sẽ có lộ trình và nghiên cứu cụ thể về những địa điểm cấm ấy.
* Báo Điện Tử Tổ Quốc: Khảo sát tại một số địa điểm du lịch như phố Tạ Hiện (Hà Nội) thì thấy khách du lịch cũng có những phản ứng về dự định cấm bán bia rượu sau 22g. Bộ Y tế có nên phối hợp với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đánh giá về tác động của dự luật?
- Trong quá trình xây dựng luật, luôn có đánh giá tác động đối với đối tượng chịu ảnh hưởng trong quá trình xây dựng luật và sau khi luật được ban hành, đi vào thực hiện thì ảnh hưởng ra sao. Quy định này hiện nay ở giai đoạn đề xuất, chúng tôi mới đánh giá sơ bộ. Tại tất cả các quốc gia thi hành chính sách này chưa thấy quốc gia nào nói về mối liên quan giữa giờ cấm rượu bia và lượng khách du lịch. Trong thời gian qua, chúng tôi có khảo sát nhất định về địa điểm du lịch và thói quen tiêu dùng của khách du lịch. Chúng tôi thấy khu phố Tạ Hiện, Hà Nội nổi tiếng về đồ nướng và cà phê, khách đến đây vì những đặc sản này chứ không phải chủ yếu uống rượu bia.
* VTV: Nhiều người lo ngại cấm bán rượu bia sau 22g thì người ta mua trước 22g rồi uống sau đó. Bộ Y tế có tính đến việc này?
- Tôi cũng có đọc những ý kiến lo ngại mua rượu bia trước 22g rồi uống sau đó. Thật ra khi ban hành các quy định thì người dân sẽ có biện pháp tương ứng. Ví dụ như cấm bán rượu bia sau 22g ở một số địa điểm thì kèm theo là quy định cấm uống rượu bia sau 22g ở những địa điểm đó.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tiếp tục phản biện về việc cấm bán rượu bia sau 22gCấm bán rượu sau 22g: phe ủng hộ, phe phản đối!Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22g: Liệu có khả thi?Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22g: Nhiều tranh cãi“Cấm bán rượu bia sau 22g”: Đề xuất 3 phương án mềm dẻo hơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận