Các đô thị đang gấp rút ứng phó biến đổi khí hậu ra sao?

HIẾU TRUNG 15/04/2013 21:04 GMT+7

TTCT - “Các TP phải thích ứng với BĐKH hoặc bị hủy diệt”, tuyên bố của ông Aaron Durnbaugh - quan chức Cơ quan Môi trường TP Chicago (Mỹ) - cho thấy không chỉ nhận thức rõ ràng về BĐKH là có thật với những tác động sâu rộng mà còn cho thấy tính chất cấp bách của vấn đề. Nhiều đô thị đang tiến hành những hành động quả quyết và thực tiễn nhằm nỗ lực thích nghi với BĐKH.

Thảm xanh trên nóc nhà thị chính TP Chicago (Mỹ) - Ảnh: grrenroofs.com

Tại Mỹ và ở đồi Capitol (nơi Quốc hội Mỹ đặt trụ sở), những người thuộc Đảng Cộng hòa không tin vào sự tồn tại của BĐKH. Một số chính trị gia Cộng hòa từng mô tả BĐKH là “trò lừa đảo thế kỷ của phe cánh tả” hay khẳng định “khí thải nhà kính không đáng sợ vì đó là sản phẩm của tự nhiên”. 

Khảo sát của Trung tâm Pew năm 2010 cho thấy chỉ 30% cử tri Cộng hòa cho rằng BĐKH đang diễn ra, thấp hơn nhiều so với mức 50% của năm 2007. 

BĐKH trở thành một chủ đề tranh cãi chính trị gay gắt ở Mỹ. Dù vậy, chính quyền các TP tại Mỹ không thụ động ngồi chờ xem bên nào thắng cuộc. 

Theo khảo sát của Hội đồng Sáng kiến môi trường địa phương quốc tế (ICLEI), 74% trong trong tổng số 298 thành phố ở Mỹ xác nhận BĐKH đã làm gia tăng cường độ bão tố, nhiệt độ, lượng mưa... Và 2/3 đang quy hoạch chống hiện tượng Trái đất ấm dần lên.

Tận dụng điện mặt trời

TP New York hiểu rõ BĐKH nguy hiểm như thế nào. Năm 2012, siêu bão Sandy đánh vào New York, cướp đi sinh mạng của 43 người và gây thiệt hại 19 tỉ USD. Tháng 8-2007, một cơn bão khiến toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm New York tê liệt trong giờ cao điểm. Lũ quét kéo theo 7 tấn bùn đất phủ kín nhiều kilômet đường ray. Các nhà khoa học dự báo BĐKH sẽ còn tạo thêm nhiều cơn bão mạnh đánh vào thành phố.

Ủy ban BĐKH New York dự báo đến năm 2100, nhiệt độ New York sẽ tăng thêm từ 2-40C. Do đó, chính quyền New York đã quyết định hành động. 

Theo tạp chí Scientific America, từ năm 2010 thị trưởng Michael Bloomberg đã chỉ định một nhóm chuyên gia gồm các đại diện của 40 cơ quan chính quyền để đánh giá tác động của việc mực nước biển dâng và các nguy cơ BĐKH khác đối với New York.

Mục tiêu là xác định xem khu vực hạ tầng nào cần được ưu tiên nâng cấp trước để chống BĐKH. Từ năm 2007, chính quyền New York đã phát động chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh tại TP trước năm 2017. 

Theo trang web www.milliontreesnyc.org, tính đến tháng 4-2013 TP đã trồng được hơn 660.000 cây xanh. New York cũng khuyến khích sử dụng taxi động cơ lai xăng - điện để giảm khí thải nhà kính. Tháng 4-2010, chính quyền TP mua thêm 11.500ha đất để mở rộng hệ thống đường phân nước.

New York có khoảng 150 triệu m2 mái nhà, phần lớn lợp bằng nhựa đường, nóng ngùn ngụt trong mùa hè và rạn nứt trong mùa đông. Diện tích mái nhà này cũng góp phần đáng kể vào việc tạo ra hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” (một khu vực đô thị nóng hơn vùng ngoại ô do hoạt động của con người) ở đây.

Năm 2010, chính quyền TP tuyên bố lập ra ba “vùng năng lượng mặt trời”: lắp pin mặt trời trên mái nhà khu vực Brooklyn, Greenpoint và Staten Island để sản xuất điện năng sạch. Họ cũng xác định gần 1 triệu tòa nhà cao tầng ở New York đóng góp tới 75% trong tổng số 60 triệu tấn khí thải nhà kính toàn TP xả ra mỗi năm nên sẽ sửa sang các tòa nhà theo hướng tiết kiệm năng lượng hơn, ví dụ như thay các thiết bị điện cũ trong các tòa nhà bằng thiết bị mới tiết kiệm điện.

Mục tiêu của New York là giảm lượng khí CO2 xuống 30% so với mức năm 2007 vào năm 2030. Chính quyền cũng sẽ lắp cửa và hàng rào chống lũ ở các hạ tầng quan trọng dọc 965km đường biển như nhà máy điện, nhà máy xử lý rác, nước thải...

 “Chúng ta không thể tạo ra một TP chặn đứng mọi tác động của BĐKH - báo New York Times dẫn lời ông Adam Freed, giám đốc Văn phòng Bền vững và quy hoạch lâu dài New York, khẳng định - Nhưng những nỗ lực hiện nay sẽ đem lại lợi ích lớn khi khí hậu thay đổi”.

Một trong nhiều mẫu nhà sử dụng năng lượng mặt trời được cung cấp ở New York (Mỹ) - Ảnh: Great-book-solar.com

Phủ xanh các mái nhà

Trong khi đó, TP Chicago cũng áp dụng một kế hoạch riêng để thích nghi với một tương lai nóng bức. Theo báo New York Times, ICLEI dự báo nếu Chicago tiếp tục xả khí thải với tốc độ hiện nay, đến cuối thế kỷ này TP mỗi năm sẽ có tới 72 ngày nóng trên 320C so với mức 15 ngày của thế kỷ 20.

Năm 2020, lượng mưa đổ xuống TP vào mùa đông và mùa xuân sẽ tăng 35% nhưng giảm 20% trong mùa hè và mùa thu. Số người chết vì nóng sẽ tăng lên 1.200 người/năm. 

Do đó từ năm 2011 chính quyền Chicago đã phát động phong trào phổ biến mô hình “mái nhà xanh”. Đó là mái nhà được phủ kín bằng cây cỏ, có tác dụng thấm nước mưa, cách nhiệt, giúp giảm nhiệt độ TP và chống hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị”.

Nghiên cứu của ĐH Michigan State (Mỹ) cho biết việc thay thế mái nhà thường bằng mái nhà xanh trên một diện tích đô thị rộng như TP Detroit với dân số 1 triệu người có thể giúp “tóm” hơn 55.000 tấn cacbon/năm, tương đương số khí thải 10.000 xe thể thao đa dụng và xe tải xả ra môi trường.

Toàn TP hiện đã có hơn 510.000m3 mái nhà xanh, nhiều hơn bất kỳ TP nào ở Mỹ mà chính quyền vẫn đặt tham vọng phủ xanh toàn bộ mái nhà ở Chicago để tiết kiệm 100 triệu USD chi phí năng lượng mỗi năm.

TP cũng đang phủ xanh 13.000 con đường bêtông bằng vật liệu thấm nước, thảm cây cỏ. Mặt đường kiểu này giúp 80% lượng nước mưa thấm xuống lòng đất. 

Cơ quan Giao thông Chicago cho biết chi phí phủ xanh mỗi con đường khoảng 150.000 USD nhưng hiệu quả thấm nước là hết sức ấn tượng. Những con đường này sẽ giúp giảm nguy cơ ngập lụt khi bão tố đánh vào Chicago. TP đang chi 10 triệu USD/năm để trồng cây và sẽ ưu tiên trồng các loại cây có khả năng chịu nhiệt cao.

“Các TP phải thích ứng với BĐKH hoặc bị hủy diệt - ông Aaron Durnbaugh khẳng định - BĐKH là có thật và có tác động sâu rộng. Chúng ta cần phải hành động càng sớm càng tốt”.

Đô thị gây Biến đổi khí hậu

Theo khảo sát của Liên Hiệp Quốc, hiện trên thế giới có 19 đại đô thị có dân số hơn 10 triệu người, 22 TP có 5-10 triệu dân, 370 TP có 1-5 triệu dân và 433 TP với 0,5-1 triệu dân. Ước tính đến năm 2015, toàn thế giới sẽ có tổng cộng 60 đại đô thị với tổng dân số 600 triệu người.

Báo cáo Đô thị hóa và BĐKH toàn cầu (2005) của Chương trình quốc tế về BĐKH toàn cầu (IHDP) cáo buộc các TP lớn đã khiến BĐKH thêm trầm trọng. Mức tiêu thụ cao, quản lý đất đai thiếu bền vững, hệ thống giao thông công cộng yếu kém... ở các TP lớn là nguyên nhân khiến lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển tăng vọt.

Trung tâm Định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-HABITAT) ước tính các TP tiêu thụ 75% năng lượng toàn cầu và xả ra 80% lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển. Ngược lại, BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống ở các TP. Theo khảo sát của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), 79% trong tổng số 468 TP trên thế giới đã hứng chịu các tác động của BĐKH như nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng, bão tố dữ dội hơn...

Từ cuối thập niên 1980, các TP ở châu Âu đã bắt đầu áp dụng những sáng kiến chống BĐKH như phủ xanh mái nhà, phát triển hệ thống điện mặt trời...

 


Biến đổi khí hậu đe dọa Úc

Đầu tháng 4 này, Ủy ban Khí hậu - tổ chức độc lập tư vấn cho Chính phủ Úc - đã công bố báo cáo Thập kỷ nguy kịch: Thời tiết cực đoan, khẳng định BĐKH đã khiến các thiên tai như nắng nóng dữ dội, cháy rừng, lũ lụt... ở Úc trở nên trầm trọng hơn. Và tình hình sẽ còn tiếp tục xấu đi trong tương lai.

Theo báo cáo, số ngày nắng nóng kỷ lục ở Úc đã tăng gấp đôi kể từ thập niên 1960. Tháng nóng nhất, mùa hè nóng nhất, ngày nóng nhất đã xảy ra trong mùa hè 2012 và 2013. Tháng 1-2009, một đợt nắng nóng đã đẩy nhiệt độ TP Melbourne lên tới 430C, khiến 980 người thiệt mạng. Đợt nóng vào cuối tháng 12-2012 và tháng 1-2013 đã khiến hầu hết lục địa châu Úc chịu đợt nóng cực đoan trong một thời gian dài, nhiệt độ lên tới mức chưa từng có: 40-450C.

“Nóng là tên sát nhân giấu mặt và là nguyên nhân hàng đầu gây ra những trường hợp tử vong do thời tiết ở Úc” - báo cáo cho biết. Các đợt nắng nóng trong những năm gần đây ở Úc đã khiến số người nhập viện vì các bệnh liên quan đến thận và tim tăng cao. Đợt nóng ở đông nam Úc năm 2009 làm 980 người chết - cao hơn so với ước tính 62% - và hầu hết số lượng gia tăng rơi vào người trên 75 tuổi. Trẻ em, người già, những người đang có vấn đề về sức khỏe và lao động làm việc ngoài trời có nguy cơ cao hơn khi xảy ra nắng nóng cực đoan.

H.GIANG 



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận