17/04/2025 05:56 GMT+7

Cái kết đắng vì 'nhắm mắt' làm theo ông chủ

Một nhóm người Việt Nam và Trung Quốc được ông chủ Trung Quốc thuê quản lý, vận hành một phòng khám đa khoa ở Đà Nẵng để rồi cả nhóm phải vào tù.

ông chủ - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử vụ án - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Theo chỉ đạo của chủ, cả nhóm đã phù phép hồ sơ, làm giấy tờ giả để các bác sĩ người Trung Quốc đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Thủ thuật "làm đẹp" hồ sơ

Vừa qua, TAND TP Đà Nẵng đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Ke Jin Peng (tên gọi khác là Bằng, 46 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) 5 năm tù, Nguyễn Thị Thúy (49 tuổi) 4 năm tù, Diệp Lệ Ngọc (43 tuổi) 3 năm 6 tháng tù, Đào Vinh Công (35 tuổi) 3 năm tù về các tội: làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Đây là nhóm người liên quan sai phạm tại Phòng khám đa khoa Miền Trung (Đà Nẵng). Phòng khám này nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Năm 2017, Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế Hữu Thọ được cấp đăng ký thành lập, đại diện theo pháp luật là Đào Vinh Công - giám đốc. Tuy nhiên trên thực tế người trực tiếp điều hành hoạt động của công ty là Ke Zhi Da (quốc tịch Trung Quốc, không rõ nhân thân, lai lịch).

Tháng 3-2018, Ke Zhi Da tuyển dụng Ke Jin Peng vào làm việc, đồng thời để Ke Jin Peng thay thế mình điều hành hoạt động của công ty này.

Công ty này đã thành lập Phòng khám đa khoa Hữu Thọ và được Sở Y tế Đà Nẵng cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn: phòng khám chuyên khoa nội, ngoại, phụ sản, da liễu, chẩn trị y học cổ truyền, siêu âm... Sau đó phòng khám đổi tên thành Phòng khám đa khoa Miền Trung.

Trong quá trình hoạt động khám chữa bệnh, tại phòng khám có nhiều bác sĩ là người Trung Quốc như Xie Da Nian, Hu Yan, Yuan Gellang, Jiang Shao Zhong...

Theo quy định, để được hành nghề tại Việt Nam, những bác sĩ người Trung Quốc phải có người phiên dịch được cấp giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch ngôn ngữ trong khám chữa bệnh của cơ sở giáo dục do Bộ Y tế chỉ định tham gia trong quá trình khám chữa bệnh.

Thấy việc thuê những người có đủ điều kiện phiên dịch phải trả chi phí cao nên Ke Jin Peng đã yêu cầu Thúy, trưởng phòng nhân sự, tuyển dụng nhân viên phiên dịch vào làm việc với tiêu chuẩn chỉ cần biết giao tiếp tiếng Trung.

Những người này chưa được các cơ sở đào tạo theo quy định cấp giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung trong khám chữa bệnh tại Việt Nam.

Ke Jin Peng nhiều lần yêu cầu Thúy lấy ảnh thẻ và thông tin các nhân viên phiên dịch đưa cho Peng để làm giả giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch ngôn ngữ trong khám chữa bệnh.

Tiếp đó, Ke Jin Peng gửi ảnh và thông tin những người này cho Diệp Lệ Ngọc thuê làm giả giấy chứng nhận. Ngọc đã lên Facebook đặt người làm giả theo yêu cầu...

Sau khi có giấy tờ giả trên, mỗi lần cần làm hồ sơ đăng ký hành nghề, bổ sung đăng ký hành nghề cho các bác sĩ người Trung Quốc tại phòng khám, Thúy trực tiếp hoặc yêu cầu nhân viên lấy các giấy chứng nhận giả đưa cho lái xe mang đi công chứng, chứng thực.

Sau đó Thúy lập công văn, danh sách đăng ký (kèm bản photo đã công chứng các giấy chứng nhận giả) đưa cho Công ký hoàn thiện hồ sơ nộp về Sở Y tế Đà Nẵng.

Công biết những người phiên dịch này không được đào tạo và không được cấp giấy chứng nhận theo quy định, biết các giấy chứng nhận mà Thúy kẹp trong hồ sơ là giả nhưng vẫn ký.

Sau khi nhận hồ sơ do Thúy nộp, Sở Y tế Đà Nẵng gửi danh sách người hành nghề về Bộ Y tế để theo dõi, quản lý, đồng thời đăng tải lên trang thông tin điện tử.

Ke Jin Peng và Thúy đã nhiều lần gửi thông tin, hình ảnh của nhân viên cho Ngọc để nhờ làm giả hơn 20 giấy chứng nhận phiên dịch.

"Làm theo chỉ đạo của ông chủ"

Ngày phiên tòa diễn ra, Ke Jin Peng có người phiên dịch trong suốt quá trình xét xử. Người này khai thực hiện các công việc là theo chỉ đạo của chủ là Ke Zhi Da, từ đó xúi giục Thúy thu thập hình ảnh và thông tin cá nhân của nhân viên gửi cho Ngọc để làm giả giấy chứng nhận.

Trước đó, "ông chủ" đã giới thiệu tài khoản WeChat của Ke Jin Peng với Ngọc để liên hệ làm việc. Còn về cách thức Ngọc làm giả giấy chứng nhận Ke Jin Peng không biết cho đến khi bị bắt.

"Bản thân bị cáo quản lý công ty được trả lương 17 triệu đồng/tháng" - người này nói. Khi được tòa hỏi công việc tại công ty, Thúy khai rành mạch là được tuyển vào làm việc tháng 4-2018, người tuyển là Ke Jin Peng, còn người ký là Công. Theo Thúy, người điều hành công ty là "sếp Bằng".

"Bị cáo có biết theo quy định, những bác sĩ người Trung Quốc muốn hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và phải có người phiên dịch đạt chuẩn" - tòa hỏi. "Bị cáo không biết quy định này. Đến sau này mới biết" - Thúy trả lời.

Cô này cũng nói việc thu thập ảnh thẻ, thông tin các nhân viên là do "sếp Bằng" chỉ đạo để làm chứng chỉ phiên dịch, nhưng làm bằng cách nào Thúy không rõ. "Cho đến khi công an điều tra nói bị cáo mới hay" - Thúy khai.

"Không học, không sát hạch, không thi mà gửi hồ sơ vào TP.HCM một tháng sau có giấy chứng nhận, vậy có đáng tin?" - tòa truy vấn. "Dạ! không đáng tin" - Thúy thừa nhận.

Tòa nhận định đây là vụ án có tính chất đồng phạm; hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến uy tín, hoạt động đúng đắn bình thường của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý về con dấu, tài liệu; ảnh hưởng xấu đến hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành nghề khám chữa bệnh là một trong những ngành nghề đặc thù, có điều kiện; qua đó gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.

Các bị cáo đều nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vì động cơ cá nhân muốn tiết giảm chi phí cho công ty và vụ lợi nên vẫn cố ý thực hiện. Do vậy cần phải xử lý nghiêm để giáo dục và răn đe, phòng ngừa.

"Chỉ là người làm thuê"

Các luật sư bào chữa cho các bị cáo thống nhất với tội danh, điểm, khoản, điều luật mà viện kiểm sát đã truy tố.

Bào chữa cho bị cáo Ke Jin Peng, luật sư Võ Đình Đức cho rằng bị cáo chỉ là người làm thuê, thực hiện hành vi chỉ đạo bị cáo Thúy thu thập hình ảnh và thông tin nhân viên phiên dịch, chuyển tiền cho bị cáo Ngọc để làm giấy chứng nhận phiên dịch giả đều theo ý kiến chỉ đạo của chủ là Ke Zhi Da.

Còn luật sư bào chữa cho Thúy có quan điểm cô này chỉ là người làm thuê theo hợp đồng lao động, được tuyển vào vị trí phòng nhân sự, không phỏng vấn hay tuyển dụng người phiên dịch.

Việc thu thập ảnh thẻ và thông tin cá nhân người phiên dịch là theo chỉ đạo của Ke Jin Peng, Thúy không biết và không bàn bạc gì về việc làm giả giấy chứng nhận.

Cái kết đắng vì 'nhắm mắt' làm theo ông chủ - Ảnh 2.Phạt tù nhóm 'phù phép' hồ sơ cho bác sĩ Trung Quốc chữa bệnh

Nhóm người đã 'phù phép' hồ sơ để các bác sĩ người Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Miền Trung, Đà Nẵng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên