13/05/2018 09:38 GMT+7

Cải cách tiền lương - mệnh lệnh chiến lược

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TTO - Cải cách tiền lương cấp thiết cho công cuộc hiện đại hóa, có tính sống còn trong ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, tăng lòng tin, phẩm giá và ý thức trách nhiệm trong toàn xã hội.

Cải cách tiền lương - mệnh lệnh chiến lược - Ảnh 1.

Ông Vũ Minh Khương - Ảnh: LÊ NAM

Cải cách tiền lương là một yêu cầu cấp bách và cũng là một thách thức chiến lược. Là cấp bách, vì nếu không triển khai quyết liệt Việt Nam sẽ khó thành công trong nỗ lực nâng cao hiệu năng hoạt động của bộ máy công quyền và chiến dịch chống tham nhũng. Là thách thức chiến lược, vì đây là một bài toán không giải được nếu thiếu tầm nhìn và ý chí chiến lược.

Trên tinh thần đó, chiến lược và phương án triển khai thực hiện đề án cải cách tiền lương cần đặc biệt thấu đáo và cẩn trọng trong ba nội dung thiết yếu: nguyên tắc chỉ đạo, thiết kế chiến lược và tổ chức thực hiện.

Thứ nhất, cải cách tiền lương là một yếu tố cấu thành thiết yếu trong nỗ lực xây dựng bộ máy công quyền ưu tú - một đòi hỏi có tính mệnh lệnh chiến lược cho công cuộc phát triển của Việt Nam.

Bộ máy công quyền ưu tú không chỉ giúp đất nước nhạy bén nắm bắt các cơ hội tiềm tàng của thời đại trong phát triển mà còn là nền tảng trụ cột để Việt Nam vững vàng trước các cơn chấn động trong khu vực và thế giới.

TS Vũ Minh Khương

Điều này không chỉ cấp thiết cho công cuộc hiện đại hóa mà còn có tính sống còn trong ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nó không chỉ mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước mà còn đóng một vai trò rường cột để tăng lòng tin, phẩm giá và ý thức trách nhiệm trong toàn xã hội, đặc biệt với thế hệ trẻ.

Thứ hai, cải cách tiền lương đơn thuần sẽ không thành công nếu không đặt nó trong nỗ lực chiến lược tổng thể xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Nỗ lực này đòi hỏi không chỉ việc đãi ngộ ngày càng thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ mà còn ý thức chiến lược, việc thực thi khoa học và chặt chẽ trong thu hút tài năng, sử dụng nguồn lực con người và đánh giá cán bộ. 

Phải làm sao người có vị trí lãnh đạo coi trọng việc để lại di sản cho đất nước hơn là tích tụ tài sản cho cá nhân. Phải làm sao để người cán bộ day dứt với sứ mệnh thiêng liêng mà mình gánh vác chứ không phải đôn đáo tìm cơ hội kiếm lợi từ trách nhiệm được giao.

Phải làm sao để người trẻ xin vào bộ máy nhà nước với ý chí lập công vì nước chứ không phải tìm nơi an nhàn để nương tựa.

TS Vũ Minh Khương

Thứ ba, cải cách tiền lương cần là một thông điệp có tính chiến lược cho toàn xã hội. Nó thể hiện không chỉ quyết tâm lớn của Đảng và Chính phủ mà cả năng lực thiết kế và tổ chức thực hiện trong vượt qua thách đố chiến lược này. 

Nếu làm tốt, nỗ lực này không chỉ tạo nên chuyển biến sâu sắc và cục diện phát triển mới mà còn tăng lòng tin và niềm hi vọng vào tương lai phát triển của đất nước. Trái lại, nếu làm không tốt, đề án này sẽ làm giảm sút niềm tin và để mất đi một cơ hội quý giá trong thúc đẩy cải cách và phát triển.

Nhận biết và tuân thủ các nguyên tắc trên sẽ giúp việc thiết kế chiến lược và tổ chức thực hiện nỗ lực cải cách tiền lương có tầm chiến lược và mức độ sâu sắc, toàn diện hơn rất nhiều.

TS VŨ MINH KHƯƠNG (Singapore)

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên